Nghệ An:

Người phụ nữ da cam giàu nghị lực

(Dân trí) - Sinh ra không may mang trong mình di chứng chất độc da cam, người chồng của chị cũng không bình thường, nhưng chị chưa bao giờ ngừng nỗ lực, phấn đấu để vượt lên số phận nghiệt ngã.

Nhân duyên từ nỗi đau da cam

Người cha sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không may mang trong mình chất độc màu da cam. Cũng vì thế chị Phan Thị Yến (SN 1979) chào đời đã không may mắc phải khuyết tật bẩm sinh, bị hở hàm ếch, hạn chế khả năng lao động. Nhưng không vì thế mà chị cảm thấy tự ti, ngược lại người con gái ấy luôn tràn đầy nhựa sống.

Rồi chị bén duyên với anh Ngô Xuân Bình (SN 1976, trú tại xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), cũng mang trong mình di chứng chất độc màu da cam. Anh Bình không thể đi lại được, giao tiếp cũng rất khó khăn, mọi sinh hoạt thường ngày đều nhờ vào sự chăm sóc của người thân.

Người phụ nữ mang nỗi đau da cam và nghị lực vượt lên số phận.

“Bố tôi và bố anh ấy là bạn, cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu trên một mặt trận. Vì thế hai người đều không may bị nhiễm chất độc màu da cam. Lấy anh ấy, biết là sẽ phải chăm sóc cho anh ấy suốt phần đời còn lại nhưng tôi chấp nhận. Dù cuộc sống hai vợ chồng có vất vả đến chừng nào đi nữa tôi cũng sẽ luôn ở bên anh ấy. Tôi đã hứa với mình như thế từ lúc quyết định về làm vợ anh”, chị Yến tâm sự.

Rồi hạnh phúc cũng nở hoa khi anh chị sinh đứa con đầu lòng là cháu Ngô Xuân Hoàn (SN 2005). Rất may cháu Hoàn lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh, lanh lợi, như một món quà hạnh phúc mà ông trời ban tặng cho anh chị.

Đôi tay kỳ diệu

Cuộc sống gia đình biết bao vất vả, số tiền trợ cấp hàng tháng eo hẹp không đủ trang trải, chị Yến trằn trọc nghĩ cách kiếm tiền nuôi chồng con. Nhưng một người phụ nữ mang di chứng da cam như chị không dễ xin việc. Sau đó may mắn chị xin được vào học lớp làm hoa lụa do Hội phụ nữ xã tổ chức dành riêng cho những người phụ nữ kém may mắn. Bằng sự cần cù, nỗ lực học hỏi, chị Yến đã hoàn thành khóa học một cách xuất sắc.

Những sản phẩm của chị làm ra đều mang một vẻ đẹp rất riêng, rực rỡ và đầy sinh khí.


Những cánh hoa lụa qua đôi tay của chị Yến như được thổi thêm một cái hồn. Mỗi ngày người phụ nữ mang trong mình nỗi đau da cam đều cố gắng làm việc để nuôi sống gia đình và lo cho con ăn học.

Những cánh hoa lụa qua đôi tay của chị Yến như được thổi thêm một cái hồn. Mỗi ngày người phụ nữ mang trong mình nỗi đau da cam đều cố gắng làm việc để nuôi sống gia đình và lo cho con ăn học.

Đến năm 2014, khi nhu cầu của thị trường thay đổi, sản phẩm hoa lụa không còn được ưu chuộng, tổ sản xuất hoa lụa của 10 người phụ nữ khiếm khuyết ở xã Hưng Chính, trong đó có chị Yến không còn hoạt động nữa.

Chị Yến là người duy nhất vẫn bám trụ với nghề, chị tự đứng ra nhập nguyên liệu rồi làm hoa bán cho khách. Nhờ vào những “sắc riêng” của mình nên sản phẩm từ đôi tay người phụ nữ khuyết tật vẫn được nhiều người ưa chuộng.

“Dù vẫn bán được hoa, nhưng chi phí nguyên liệu cao nên mỗi lẵng hoa làm ra cũng không có lời là bao. Sau đó tôi tiếp tục học thêm cho mình nghề may mặc. Công việc này cũng khá phù hợp với khả năng của bản thân và hoàn cảnh của tôi”, chị Yến cho biết.

Với chiếc máy may, hàng ngày chị nhận sửa đồ cho bà con trong vùng, mỗi ngày kiếm được 50 - 60 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi ấy cũng giúp chị trang trải bớt những chi phí hàng ngày và lo cho con ăn học.

Người phụ nữ ấy luôn tâm niệm, mình khiếm khuyết cơ thể nhưng không được “khuyết nghề”. Phải sống, phải lao động, không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn để xã hội, mọi người ghi nhận.

Nỗi đau da cam vẫn hiện hữu trên cơ thể chị và người chồng đáng thương nhưng không làm nhụt ý chí của người phụ nữ giàu nghị lực ấy. Trong căn nhà chị luôn ngập tiếng cười vui, hạnh phúc.


Ngoài việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, chị Yến còn phải chăm sóc chồng từng li từng tí.

Ngoài việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, chị Yến còn phải chăm sóc chồng từng li từng tí.


Đôi bàn tay không chỉ làm hoa lụa mà còn biết may vá kiếm sống.

Đôi bàn tay không chỉ làm hoa lụa mà còn biết may vá kiếm sống.


Niềm hạnh phúc lớn nhất của đôi vợ chồng mang trong mình di chứng da cam.

Niềm hạnh phúc lớn nhất của đôi vợ chồng mang trong mình di chứng da cam.

Nguyễn Tình - Nguyễn Duy