Người phụ nữ 12 năm giấu gia đình băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, hàng trăm phần mộ liệt sĩ nằm trên dải đất hình chữ S cho đến tận nước bạn Lào, Campuchia được tìm kiếm với sự đóng góp của chị Nguyễn Thị Tình.

Người phụ nữ 12 năm âm thầm tìm mộ liệt sĩ

“Họ nói tôi bị điên, bị khùng”

Căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Tình (sinh 1970, Đội trưởng Đội xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tình nguyện tại Đà Nẵng) nằm ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Trong căn nhà nhỏ ấy, những tập hồ sơ, những tập bản đồ, kỷ vật của các liệt sĩ chưa tìm được thân nhân xếp chồng chất chứa hết không gian. Đây cũng là nơi thân nhân của các liệt sĩ dừng chân nghỉ ngơi khi đến Đà Nẵng.

Người phụ nữ 12 năm giấu gia đình băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ - 1

Chị Nguyễn Thị Tình kể về những chuyến tham gia tìm kiếm mộ liệt sĩ

Nhắc về cái duyên đến với công việc tìm mộ liệt sĩ, chị Tình kể, tròn 22 năm trước, chồng chị bất ngờ qua đời vì tai nạn, lúc đó con trai chị mới 3 tháng tuổi nên chị hiểu được nỗi đau khi mất đi người thân. Thêm vào đó, bố mẹ chị đều là những người từng tham gia kháng chiến. Vì thế khi biết được công việc tìm kiếm mộ động đội của cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh, chị Tình ngỏ ý tham gia hỗ trợ tìm kiếm bắt đầu từ năm 2008.

Công việc của chị ban đầu là nhận hồ sơ và học cách giải mã các ký hiệu. Thời gian đầu do chưa quen nên chị thường tìm đến các cựu chiến binh để nhờ họ giải mã. Dần dần chị học hỏi được và biết giải mã những ký hiệu chiến trường phục vụ cho công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Người phụ nữ 12 năm giấu gia đình băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ - 2

Người phụ nữ này đã nhiều lần băng rừng, lội suối tham gia tìm kiếm mộ các liệt sĩ

Thời gian sau, chị Tình bắt đầu trực tiếp tham gia tìm công việc tìm kiếm. Có khi chị tham gia cùng cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh, có khi chị tham gia cùng các đơn vị. Địa bàn chị Tình tham gia tìm kiếm mộ liệt sĩ không chỉ trên dải đất hình chữ S mà vượt qua các nước Lào, Campuchia.

Biết chị tham gia công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ, bố mẹ chị kịch liệt phản đối bởi “công việc vất vả đó không dành cho phụ nữ”.

“Có người nói chị bị điên, bị khùng mới chọn công việc băng rừng, lội suối, vác tù và hàng tổng ấy… Vì thế, những chuyến đi sau này chị phải giấu gia đình, giấu mọi người”, chị Tình tâm sự.

Người phụ nữ 12 năm giấu gia đình băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ - 3

Niềm vui của chị Tình là khi đưa được các anh về với đất mẹ, đoàn tụ với gia đình

Năm 2018, có một chuyến tìm kiếm mộ liệt sĩ nhưng lại trùng vào ngày giỗ của chồng chị. Vậy là chị làm giỗ cho chồng trước 5 ngày để có thể tham gia chuyến đi. Thế nhưng, nhiều người không hiểu đã nói những lời cay nghiệt, bảo chị "đi theo trai" mà không lo cúng giỗ cho chồng.

Bật khóc khi các anh đã được đoàn tụ với gia đình

Làm đủ nghề để sống và nuôi con trai ăn học nhưng cứ nghe tin có phần mộ cần tìm kiếm là chị lại lên đường. Chuyến đi có khi kéo dài một tuần đến nửa tháng và chẳng có chuyến đi nào mà không vất vả, gian nan cả. Hay có những trường hợp, chị cùng các cộng sự của mình phải đi tận 5 lần nhưng vẫn chưa tìm được phần mộ của liệt sĩ.

Người phụ nữ 12 năm giấu gia đình băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ - 4

Chị Tình bên tủ hồ sơ, kỷ vật của các liệt sĩ

Chuyến đi khiến chị nhớ mãi và đến bây giờ mỗi lần nhắc lại chị vẫn còn rùng mình vì đường xá đi lại quá vất vả. Đó là chuyến đi đến một hang đá ở thôn Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nếu như trước đây, khi chưa làm đường, để đi từ quốc lộ vào thôn Trỉa, người ta phải đi 5 ngày mới vào đến nơi. Đợt Đội chị Tình đi ở đây đang làm đường, taxi bị kẹt nên phải đi bộ 5km, rồi có lúc xe đang đi thì xém rớt xuống hố do đường trơn trượt…

Thế vất vả vậy nên mỗi lần tìm kiếm được phần mộ của liệt nào là chị mừng khôn xiết.

“Lần đầu tiên khâm liệm cho một liệt sĩ, tôi bật khóc vì thương quá, các anh cuối cùng cũng được về với gia đình” – người phụ nữ băng qua không biết bao nhiêu con đồi, đỉnh núi của ba nước Đông Dương nhưng lại rớt nước mắt khi kể lại hành trình của mình.

Người phụ nữ 12 năm giấu gia đình băng rừng đi tìm mộ liệt sĩ - 5

Những lá thư của các nhân thân liệt sĩ được gửi đến cho Đội của chị Tình nhờ tìm kiếm phần mộ con em mình

Danh bạ điện thoại của chị phần lớn là số của các gia đình của liệt sĩ. Hình ảnh chị lưu trong đó cũng là những lần ngược núi, ngược sông đi tìm mộ liệt sĩ. Không ít lần trong chuyến đi, căn bệnh huyết áp của chị tái phát, cứ tưởng không về được với con nhưng nằm viện được 10 ngày, nửa tháng, có thông tin của mộ liệt sĩ nào, chị lại khăn gói lên đường.

“Bây giờ con trai đã lớn, gia đình cũng hiểu cho công việc của tôi, vậy là mừng lắm rồi. Niềm mong mỏi của tôi bây giờ là Đội tìm kiếm của chúng tôi được về trực thuộc một đơn vị nào đó để nhiều gia đình liệt sĩ chưa tìm được mộ biết đến chúng tôi” – chị Tình nói.

Hết hồ sơ này đến chuyến đi kia, câu chuyện với chị Tình cứ kéo dài. Thi thoảng chị lại rơi nước mắt vì tủi thân, vì thương một gia đình liệt sĩ nào đó. Quanh nhà chị treo đầy ảnh kỷ niệm, nhưng không có một tấm bằng khen, chị chưa một lần nhận được sự tôn vinh của bất kỳ ai nhưng chị không buồn bởi niềm vui của chị là giúp đưa được các anh về với đất mẹ.

Khánh Hồng