Người nhái lặn tìm quanh khu vực có nhiều mảnh vỡ máy bay CASA
(Dân trí) - Một số bộ phận của chiếc máy bay CASA 212 gồm mảnh khung vỏ, lốp và càng sau bên trái đã được trục vớt. Tàu cứu nạn của Trung Quốc cũng tham gia hoạt động tìm kiếm. Những mảnh vỡ của máy bay CASA 212 đã được tiếp nhận và đang trên đường được đưa về đất liền.
14h15, theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, lực lượng chức năng đang điều máy dò dùng sóng siêu âm đến khu vực tìm kiếm. Lực lượng tìm kiếm bắt đầu cho thợ lặn, người nhái tìm kiếm… Phạm vi khoanh vùng xác định điểm rơi rất rộng nên việc tìm kiếm cũng rất khó khăn.
Những mảnh vỡ của máy bay CASA 212 đã được tiếp nhận và đang trên đường được đưa về đất liền.
Hình ảnh các mảnh vỡ, bộ phận của máy bay CaSa-212 số hiệu 8983. Ảnh: Hồng Pha-TTXVN.
13h50, trong cuộc làm việc với Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay CASA rơi, cùng với việc quán triệt nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung cứu người, tìm cho được những người mất tích, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu xác định cụ thể vị trí máy bay rơi để có phương án trục vớt, cứu hộ để đánh giá nguyên nhân và tổ chức rút kinh nghiệm về sau.
Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và cá nhân Phó Thủ tướng chia sẻ sự mất mát, thiệt hại và lo lắng của người thân, gia đình có cán bộ, quân nhân trong vụ máy bay Su-30 MK2 và CASA 212 bị nạn trong những ngày vừa qua; đồng thời gửi lời thăm hỏi, động viên của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng đến toàn thể cán bộ, chiến, ngư dân, các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự quyết tâm đầy trách nhiệm và những cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng Quân đội giữ vai trò nòng cốt, sự tham gia tích cực của các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là sự vào cuộc của ngư dân.
Do khu vực tìm kiếm cứu nạn rộng, thời tiết những ngày tới có thể diễn biến phức tạp hơn, lại là khu vực giáp ranh quốc tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, phân vùng tìm kiếm cụ thể , tránh chồng chéo, đặc biệt là huy động và tổ chức các lực lượng tàu thuyền của ngư dân tham gia tìm kiếm cứu nạn nhằm đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn. Tiếp tục phối hợp với lực lượng quốc tế để công tác tìm kiếm cứu nạn đạt kết quả tốt nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ để cứu bằng được những phi công, quân nhân gặp nạn; yêu cầu Bộ Quốc phòng tổ chức tốt việc giải quyết hậu quả sự cố, làm rõ nguyên nhân và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ Quốc phòng phối hợp với các địa phương liên quan t ổ chức thăm hỏi, chia sẻ những mất mát với gia đình những chiến sĩ gặp nạn, làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin kịp thời, trung thực, chính xác để công tác tìm kiếm, cứu nạn đạt kết quả.
11h, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết thúc cuộc làm việc với Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn vụ máy bay CASA 212 rơi. "Ưu tiên số 1 là phải tìm kiếm cứu người", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Thông tin từ UBQG tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cho hay, hiện các lực lượng Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, các Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cảnh sát biển tập trung tìm mọi biện pháp triển khai các tàu có tốc độ cao đến khu vực xác định máy bay mất liên lạc; đồng thời thông báo cho các tàu, thuyền, ngư dân đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ, tham gia tìm kiếm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sau cuộc họp tại trụ trở Bộ Tư lệnh Hải quân (Hải Phòng) sáng nay (Ảnh: Quý Đoàn)
(Ảnh: Quý Đoàn)
Trục vớt các mảnh vỡ của máy bay CASA 212.
Danh sách 9 cán bộ, nhân viên trên máy bay CASA-212
1. Lê Kiêm Toàn - Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội)
2. Nguyễn Đức Hảo - Thượng tá, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918 (Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội)
3. Nguyễn Văn Chính - Thiếu tá, Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 (Mỹ Hà, Bình Lục, Hà Nam)
4. Nguyễn Ngọc Chu - Thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918 (Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương)
5. Lê Văn Đình - Đại úy, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh)
6. Đỗ Văn Mạnh - Thượng úy Phó Đại đội trưởng kỹ thuật hàng không e 918 Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
7. Lê Đức Lam - Trung úy, CN Cơ giới trên không Lữ đoàn 918 (Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương)
8. Nguyễn Văn Thái - Trung úy, CN Nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An)
9. Nguyễn Bá Thế - Trung úy CN, nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình)
Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn:
1.564 người. Trong đó: 764 cán bộ chiến sĩ (Quân khu 4 111 người, Biên phòng 125, Hải quân 156, Cảnh sát biển 60, Phòng không - Không quân 312) và 800 ngư dân.
184 phương tiện các loại. Trong đó: Máy bay: 05 chiếc/Binh đoàn 18 (03 Mi171, 02 EC 155). Tàu: 155 tàu xuồng các loại và hàng trăm loại phương tiện trang bị khác.
9h30, thông tin từ lực lượng cứu hộ cứu nạn, sáng nay, phía Trung Quốc đã cử tàu tham gia phối hợp với lực lượng chức năng của Việt Nam để tìm kiếm máy bay CASA mất tích. Nguồn tin riêng của PV Dân trí từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cũng cho biết, Trung tâm đã đề nghị Trung Quốc phối hợp tìm kiếm máy bay. Độ sâu khu vực tìm kiếm khoảng 30m.
Tàu cứu nạn NANHAIJIU 101 của Trung Quốc tham gia hoạt động tìm kiếm từ 6h sáng nay, dưới sự chỉ huy của tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải của Việt Nam.
Thời tiết sáng sớm nay được đánh giá là không thuận lợi cho công tác tìm kiếm khi gió biển đang ở cấp 5 - 6.
Vớt được một số mảnh vỡ của máy bay CASA 212 (Nguồn: VTV)
9h, theo tin từ VTV, một số mảnh vỡ máy bay, đi kèm có chứng minh nhân dân và tư trang của các cán bộ chiến sĩ trên máy bay đã được một tàu Cảnh sát biển vớt.
Tàu Cảnh sát biển 4039 đã thu vớt được một số mảnh vỡ, được xác định là của máy bay CASA 212 gồm: Mảnh khung vỏ, lốp và càng sau bên trái.
Mảnh vỡ máy bay CASA được vớt lên sáng nay. (Ảnh: Hoàng Hà)
8h20, nguồn tin từ đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, lúc 5h sáng nay, Phó Thủ tướng đã xuống Hải Phòng, có mặt tại Sở Chỉ huy đặt tại Quân Chủng Hải quân (Hải Phòng), trực tiếp họp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 9 người mất tích cùng máy bay tuần thám CASA 212. Cuộc họp có cả các đơn vị của Bộ Quốc phòng tham gia hoạt động cứu nạn.
Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, là lái chính chiếc CASA gặp nạn. Trong ảnh: Đại tá Toàn và chiếc CASA 212 tham gia vào đợt tìm kiếm máy bay MH370 năm 2014. (Ảnh: Đình Thảo)
7h sáng nay (17/6), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết lãnh đạo huyện thức trắng đêm cùng lực lượng đã huy động để chuẩn bị công tác cứu nạn.
Theo UBND huyện, ngay từ khi nhận được tin báo đã huy động 3 tàu (2 tàu dân và một tàu quân sự) cùng các lực lượng khác triển khai công tác tìm kiếm. Ngay chiều qua (16/6), các lực lượng của huyện cũng đã lập sở chỉ huy ngay tại khu vực Cảng để tiện cho việc điều hành. Bệnh viện huyện cũng cử một ê kíp gồm bác sĩ, các nhân viên y tế cùng thuốc men trực tại đây để sẵn sàng cấp cứu khi có người được đưa về. Huyện huy động lực lượng trực 24/24 giờ, kết hợp cùng Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư... tìm kiếm cứu nạn.
Đồ họa: Ngọc Diệp
Trong đêm 16/6/2016, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các lực lượng quân đội gồm Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Không quân cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn, quân y... và toàn bộ tàu, thuyền của ngư dân đánh cá trên biển ở khu vực Vịnh Bắc Bộ đã được huy động cao nhất để tìm kiếm máy bay CASA 212.
Trong sáng nay, công cuộc tìm kiếm vẫn được tiến hành hết sức khẩn trương.
Trước đó, vào khoảng 12h30 ngày 16/6, trong lúc tham gia tìm kiếm phi công Trần Quang Khải, máy bay tuần thám CASA 212 mang số hiệu 8983 bị mất liên lạc gần khu vực đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng.
Trong quá trình tìm kiếm, Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng đã tìm được một số mảnh vỡ nghi là của máy bay CASA-212 số hiệu 8983 ở khu vực phía Tây Nam Bạch Long Vĩ, gần đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Hiện các lực lượng chức năng đang tăng cường nỗ lực để sớm đưa ra nhận định về những khả năng xảy ra đối với chiếc máy bay CASA-212, tập trung cao nhất để tìm kiếm 9 nhân viên, phi hành đoàn trên máy bay CASA-212 và phi công Trần Quang Khải của máy bay SU30-MK2.
Cũng trong đêm 16/6/2016, Bộ Quốc phòng đã thành lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, đặt tại Bộ Tư lệnh Hải quân, do Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ huy các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, vào lúc 21h30 đêm 16/6/2016, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Uỷ viên Thường vụ Quân ủy Trung ương - Thứ trướng Bộ Quốc phòng đã gặp Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp, tạo điều kiện cho các tàu, máy bay và lực lượng của Việt Nam triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ; đồng thời đề nghị lập tức cung cấp thông tin nếu phát hiện ra vật thể nghi là của máy bay hoặc của các phi công, thành viên phi hành đoàn bị trôi dạt sang phía Đông đường phân định.
Sáng nay, ông Lưu Văn Huy - Cục trưởng Cục Kiểm ngư - cho biết, đơn vị này đã cử 2 tàu đang làm nhiệm vụ ở đảo Bạch Long Vĩ phối hợp với lực lượng quân đội để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay cùng 9 người mất tích. Số người tham gia tìm kiếm trên 2 tàu kiểm ngư là 30 người. Đến khoảng 7h40 sáng nay, tin từ 2 tàu này báo về, vẫn chưa phát hiện dấu hiệu nghi vấn nào liên quan đến 2 máy bay và 10 người mất tích.
Tuấn Hợp - Hải Sâm - Nguyễn Dương - Phương Thảo - Như Quỳnh