1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người mù “huyền thoại” trên đỉnh Trường Sơn

(Dân trí) - Ông là người con Cơtu bị mù cả đôi mắt nhưng đôi bàn chân đã đi bộ hàng nghìn dặm, mấy chục năm gùi gần 200 tấn hàng hóa, đạn dược cho bộ đội đánh Mỹ. Ông là Alăng Bhuốch – một cuộc đời đã thành huyện thoại của núi rừng.

Ông Alăng Bhuốch hiện đã 78 tuổi, trú ở thôn Azứt, xã Bha Lêê, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam). Với những đóng góp của mình, ông luôn được xem là người anh hùng ở cả thời kỳ đấu tranh giành độc lập và xây dựng làng buôn thời hậu chiến - một người mù huyền thoại giữa đại ngàn Trường Sơn.

Mù mắt nhưng… sáng lòng!

Sau cuộc đổ đèo xuống dốc “cổng trời”, làng Azứt (xã Bha Lêê) xuất hiện bên những đồi núi đá dựng đứng trập trùng. Dừng chân ngay trước chợ Azứt, không khó để chúng tôi hỏi thăm nhà của ông Alăng Bhuốch, một cái tên không còn gì xa lạ với người dân nơi đây.

Theo chân của một cán bộ xã Bha Lêê, chúng tôi tìm đến nhà của ông Alăng Bhuốch khi ông đang tranh thủ quét sân. Biết có khách đến thăm, ông Bhuốch vội bỏ dở công việc của mình đon đả mời khách vào nhà. Nhìn bước chân thoăn thoắt của Alăng Bhuốch, chúng tôi dường như đã quên đi chuyện ông bị mù lòa cả hai mắt.

“Mấy bữa ni già bị ốm, không thể cùng bà già (tức vợ ông – PV) lên chăm sóc ruộng lúa nước  được. Ở nhà, già chỉ tranh thủ quét dọn nhà cửa thôi!” – ông Bhuốch cho biết.
Người mù “huyền thoại” trên đỉnh Trường Sơn
Dù đã tuổi “xế chiều” nhưng trông ông Bhuốch vẫn còn rắn rỏi, minh mẫn.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những đóng góp của ông cho cách mạng, Alăng Bhuốch tự hào lắm. Ông Alăng Bhuốch kể lại, vào những năm 1958, đồng bào Cơtu trên quê hương Bha Lêê của ông chịu không biết đau thương sau những trận càn quét của địch. Căm thù bọn giặc Mỹ - Ngụy, dù bị mù lòa cả hai mắt nhưng ông Bhuốch vẫn kiên quết xin gia nhập vào đoàn dân công với nguyện vọng sẽ góp phần vào việc vận chuyển lương thực, vũ khí để quân và dân đánh giặc. 

“Lúc đầu cán bộ ngại, sợ mình không làm tròn nhiệm vụ nên không muốn nhận. Nhưng mình nói con mắt nằm ở đôi chân, ở cây gậy, mình đã quen với mọi công việc ở cái rẫy cái nương rồi, nó chẳng  khác chi việc gùi hàng bây chừ. Cứ cho mình làm thử đi...” - Alăng Bhuốch nhắc lại chuyện của hơn 40 năm trước bằng chất giọng hùng hồn, kiên quyết.

Trước những lời lẽ sắc bén của chàng trai mù Alăng Bhuốch, những vị cán bộ cơ sở thời ấy đã đồng ý tiếp nhận ông đứng vào hàng ngũ của đoàn dân công địa phương. Bắt đầu từ năm 1958, Alăng Bhuốch đã cùng với lực lượng các đoàn dân công ở các xã Anông, Atiêng, Tr’hy (huyện Tây Giang)... vận chuyển hàng từ kho Azứt đến các kho vựa ở các làng vùng biên Arớt (xã Anông), Voòng (xã Tr’hy)... suốt ba năm liền. 

Không chịu thua đồng đội vì lý do đôi mắt không còn sáng, Bhuốch luôn nghĩ một điều mình sẽ cõng hàng lâu dài. Mỗi lần như thế, Bhuốch chỉ gùi chừng 50kg với bước chân đều đặn. “Biết thế nào mình cũng chậm hơn anh em nên cố bước đều, luyện cho đôi vai, đôi chân quên mỏi và cả giảm bớt  thời gian nghỉ ngơi để theo kịp đồng đội” – Alăng Bhuốch nói. 

Cứ thế, bàn chân của người “chiến sĩ cách mạng” Alăng Bhuốc vẫn đều đặn vượt hàng chục km mỗi ngày với chiếc gùi thồ hàng lương thực, vũ khí quân dụng phục vụ kháng chiến. Alăng Bhuốch kể cho chúng tôi nghe về đợt vận chuyển hàng và vũ khí cho chiến  dịch Mậu Thận 1968. Suốt hơn 3 tháng ròng, ông đã gùi cõng liên tục, nhiều khi đi lấn về đêm, sức nặng của lượng hàng gùi  mỗi chuyến có khi đến 70-80kg! 

Những câu chuyện cảm động giữa đời thường
Người mù “huyền thoại” trên đỉnh Trường Sơn
"Huyền thoại núi rừng" không giấu niềm tự hào mỗi lần kể về một thời chiến trường.

Sau 14 làm làm nhiệm vụ gùi hàng, đến đầu năm 1972, ông Alăng Bhuốch được cấp trên cho “phục viên” về lại địa phương. Không còn được trực tiếp gùi hàng nhưng hằng ngày đôi chân của chàng trai mù vốn quen đi ngàn dặm vẫn tìm mọi cách giúp sức cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cứ thế, ông cùng người mẹ già bám trụ nơi quê nhà ra sức khai hoang đất, tăng gia sản xuất để vừa có cái ăn vừa có lương thực nuôi bộ đội.

“Bộ đội ăn no thì mới đánh nổi giặc được. Công sức mình bỏ ra là chỉ để phục vụ cách mạng thôi!” – ông Bhuốch nói.

Nhắc lại chuyện vợ chồng nên duyên, đôi mắt Alăng Bhuốch bỗng buồn rười rượi. Ông cho biết, ngày trước, ở cái tuổi 40, cũng như nhiều chàng trai khác, ông cũng đã từng mơ ước đến một mái ấm gia đình. “Nhưng mỗi lần cứ nghĩ đến cái phận mù loà, nhà nghèo nên mình đành thôi. Ngày ấy, mẹ già của mình cứ giục đi lấy vợ khiến mình không biết làm răng?” – ông Bhuốch nhớ lại.

Nhưng rồi đến năm 1974, nhờ có “tiếng nói” của người dân trong làng nên Alăng Bhuốch đã cưới được cô gái ở làng bên cạnh, có cái tên T’rương Thị Thắng. Vậy là ý nguyện của người mẹ già của Bhuốch cũng đã thành hiện thực. Một tháng sau đó, chính Bhuốch tự mình ủ rượu, giết heo làm đám cưới đãi làng trong niềm vui của buôn làng.

Thời ấy, câu chuyện cảm động về chuyện tình của Alăng Bhuốch cứ lan rộng khắp bản làng người Cơtu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vỹ. Họ khâm phục tài năng của chàng trai mù Alăng Bhuốch bao nhiêu thì càng cảm động trước tấm lòng của người con gái T’rương Thị Thắng bấy nhiêu.
Người mù “huyền thoại” trên đỉnh Trường Sơn
Căn nhà bếp khá “độc” của gia đình do chính tay ông Bhuốch thực hiện.

Nhưng về sau, do không thể sinh con cho ông Alăng Bhuốch nên người vợ T’rương Thị Thắng cố thuyết phục để chồng hỏi cưới bà Bh’ling Tít về làm vợ hai, nhưng ông Bhuốch vẫn quả quyết không đồng ý. Vì thương người chồng mù nên cuối cùng bà Thắng cũng đã giấu Alăng Bhuốc, tự mình đi hỏi vợ cho… chồng! Câu chuyện cảm động về người vợ T’rương Thị Thắng hỏi vợ hai cho chồng khiến nhiều người rơi nước mắt. Mặc dù cuộc sống có ít nhiều khó khăn nhưng đại gia đình của họ luôn ngập tràn niềm hạnh phúc trong cuộc sống. 

Nói về người cha của mình, anh Alăng Nuôi – con trai của Alăng Bhuốch không khỏi tự hào: “Từ nhỏ mình đã được cha dạy cách làm cái bẫy, vót cái chông. Ông cũng là người luôn động viên mình mỗi khi mình gặp những điều khó khăn nhất trong cuộc sống”. Có lẽ, niềm tự hào của chính người con trai của ông cũng đã nói lên một phần nào về con người của Alăng Bhuốch. Dù bị mù lòa cả hai mắt nhưng Alăng Bhuốch luôn được xem là một “nhân chứng sống” của người Cơtu ở huyện Tây Giang về phong trào xây dựng làng bản giàu đẹp, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc trước nguy cơ bị mai một. Ông còn là người đầu tiên của làng Azứt đem công trình nước sạch dẫn từ đầu nguồn về nhà để khai hoang ruộng lúa nước.

Ông Bríu Quân – Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang tự hào: “Nếu không trực tiếp chứng kiến, chắc chẳng mấy ai tin rằng, mấy chục năm về trước, ông đã tự mày mò làm đường ra ruộng, khai hoang trồng lúa nước, rồi tự mò mẫm lên núi dẫn nước về đồng. Chính ông Alăng Bhuốch cũng là người đầu tiên làm cuộc cách mạng đưa mô hình lúa nước vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Giang. Từ đó, đồng bào ai cũng học tập theo và từng bước đẩy lùi được cái đói nghèo. Hiện, chính quyền địa phương đã hoàn tất mọi thủ tục hồ sơ và gửi về cơ quan có thẩm quyền, chờ kết quả công nhận Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đối với ông Alăng Bhuốch”. 
 

Đôi vai “cõng” gần 200 tấn hàng

Nói về chiến công của người đồng đội của mình, ông Arất Hơn – nguyên cán bộ huyện Tây Giang không khỏi tự hào. Ông đưa ra con số gần 200 tấn hàng được chính chàng trai mù Alăng Bhuốch thực hiện vận chuyển suốt 14 năm ròng đã khiến nhiều người giật mình. “Công sức đóng góp của Alăng Bhuốch cho cách mạng thì cả bộ đội, cán bộ và nhân dân Tây Giang này ai cũng biết rõ, ghi nhận. Chính Alăng Bhuốch đã làm nên kỳ tích vàng về chiến công lẫy lừng, tiếp thêm biết bao động lực và niềm tin cho cán bộ và nhân dân chiến đấu ngoan cường trước giặc Mỹ” – ông Hơn nói.

 

Bài và ảnh: Vương Hoàng