1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Người phụ nữ khuyết tật nhận giải thưởng Kova

(Dân trí) - Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, ở phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) sẽ nhận giải thưởng Kova vào tháng 12 tới đây.

Thông tin trên được ông Lê Hồng Lương - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Thanh Hóa chia sẻ tại buổi giao ban báo chí thường kỳ sáng ngày 15/11, do Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa tổ chức.


Ngày 2/12/2017, chị Hiền sẽ vinh dự được nhận thưởng

Ngày 2/12/2017, chị Hiền sẽ vinh dự được nhận thưởng

Ngày 2/12/2017 tới, chị Hiền chính thức nhận giải thưởng Kova.

Là người có chiều cao khiêm tốn, chỉ 88cm, nhưng nghị lực của chị Hiền khiến nhiều người phải khâm phục.

Mặc dù bản thân chịu cảnh tật nguyền, nhưng chị đã phấn đấu vượt qua những khó khăn để vươn đến nhiều thành công trong cuộc sống. Chị đã trở thành tấm gương sáng, nguồn cổ vũ, khích lệ cho nhiều người khuyết tật khác cùng vươn lên trong cuộc sống.

Thành tích tốt nghiệp 3 trường đại học của chị khiến nhiều người phải thán phục. Hiện nay, chị là Giám đốc Công ty TNHH Suri; đồng thời chị đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên và Sinh viên khuyết tật tỉnh Thanh Hóa.

Cũng theo ông Lê Hồng Lương, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 217.000 người khuyết tật và 21.600 trẻ mồ côi. Đặc biệt, có hàng ngàn gia đình có từ 2 đến 5 người khuyết tật, hàng vạn người khuyết tật bị từ 2 đến 3 dạng tật. Họ gặp nhiều khó khăn, cản trở trong cuộc sống, rất cần sự trợ giúp tích cực từ gia đình, cộng đồng, xã hội và Nhà nước.

Trong số người khuyết tật có 30% trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em thiểu năng trí tuệ, bại liệt, tự kỷ, nhiều em chưa có cơ hội cắp sách đến trường; cuộc sống của các em đặc biệt khó khăn, thiếu một mái ấm gia đình, thiếu tình yêu thương của cha mẹ, người thân, các quyền cơ bản của trẻ em chưa được bảo đảm vững chắc.

“Đời sống của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, gia đình thuộc diện nghèo đói, đa số sống ở khu vực nông thôn, sức khỏe yếu, thiếu vốn sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn. Họ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại trong đi lại và giao tiếp xã hội”, ông Lương cho biết.

Em Lê Thị Thắm, quê ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) là người không có đôi tay nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập và đậu vào trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa
Em Lê Thị Thắm, quê ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) là người không có đôi tay nhưng đã nỗ lực vươn lên trong học tập và đậu vào trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa

Trong thời gian qua, Hội Bảo vệ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống của dân tộc "Thương người như thể thương thân", đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật và trẻ mồ côi; động viên người khuyết tật và trẻ mồ côi cố gắng vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, đóng góp sức lực của mình xây dựng quê hương, đất nước.

Hội đã hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật 16 xã xây dựng nông thôn mới, với các nội dung hỗ trợ: xe lăn, xe đạp, sữa dinh dưỡng cho học sinh khuyết tật; trợ giúp công trình vệ sinh, xây dựng công trình nước sạch...

Bên cạnh đó, Hội cũng đã phối hợp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho 5.405 người khuyết tật, ổn định đời sống hòa nhập cộng đồng; thu nhập bình quân 2.500.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp hội.

Trong những năm qua đã có hàng trăm tấm gương điển hình tiên tiến xuất hiện ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong học tập, lao động sáng tạo, doanh nghiệp...

Trong đó, trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Hiền là Thường vụ Liên chi hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa được tặng giải thưởng Kova.

Anh Lê Văn Tuấn - người thầy khuyết tật trên chiếc xe lăn đã dạy học cho hàng trăm học sinh tại địa phương
Anh Lê Văn Tuấn - người thầy khuyết tật trên chiếc xe lăn đã dạy học cho hàng trăm học sinh tại địa phương

Một trường hợp điển hình khác là anh Lê Văn Tuấn, ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, bị khuyết tật nặng ở đôi chân. Anh Tuấn tốt nghiệp đại học Hồng Đức trở về dạy học ở làng. Sau 9 năm dạy học, số lượng học sinh của anh đã lên tới hàng nghìn em; có khoảng 700 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Anh Tuấn được nhận học bổng do tổ chức RENCONTRES DU VIET NAM của Pháp; nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, các ngành; được giải phóng sự ngắn với tiêu đề “Tôi không khuyết tật” và giải C báo chí toàn quốc.

Ngày 22/1/2014, anh Tuấn còn được nhận thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước.

Theo ông Lê Hồng Lương, những điển hình như chị Hiền, anh Tuấn... chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm tấm gương điển hình vượt khó vươn lên của tỉnh Thanh Hóa.

Duy Tuyên