1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người khiếu nại 32 năm nhận 3,2 tỷ đồng, tiếp tục đòi bồi thường 6,7 tỷ

Thế Kha

(Dân trí) - Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên đã bồi thường 3,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Ngọc Lợi - người khiếu kiện suốt 32 năm. Ông Lợi đang yêu cầu bồi thường tiếp 6,7 tỷ đồng nữa, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa.

Thông tin với Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Lợi - người đã khiếu nại 32 năm (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã nhận được 3,2 tỷ đồng tiền bồi thường từ Trường Đại học Y-Dược thuộc Đại học Thái Nguyên như cam kết trước đó.

Ông Lợi cho biết, tổng số tiền mà ông yêu cầu Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên phải bồi thường là 9,7 tỷ đồng. Qua nhiều lần thương lượng, nhà trường cho rằng chỉ có thể đảm bảo chi trả 3,2 tỷ đồng. Số tiền 6,7 tỷ đồng còn lại phải báo cáo cơ quan thẩm quyền để thống nhất trình Chính phủ cho phép "ghi chỉ tiêu ngân sách", từ đó nhà trường mới có nguồn chi trả cho ông Lợi.

Người khiếu nại 32 năm nhận 3,2 tỷ đồng, tiếp tục đòi bồi thường 6,7 tỷ - 1

Ông Nguyễn Ngọc Lợi trong một lần trao đổi với báo chí.

Tuy nhiên, trả lời Dân trí sáng 8/2, một lãnh đạo Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên lại cho rằng tại hội nghị cán bộ chủ chốt tổ chức cuối năm 2021 vừa qua, cơ quan này chỉ thống nhất bồi thường tổng số tiền 3,2 tỷ đồng cho ông Lợi.

"Ông Lợi có thể tiếp tục yêu cầu, đề nghị bồi thường thêm cho mình theo các kênh khác, đó là quyền cá nhân của ông ấy"- vị này cho hay.

Trước sự việc này, người đàn ông kiên trì khiếu nại suốt 32 năm khẳng định, khoản tiền 3,2 tỷ đồng nói trên chỉ là một khoản mà ông yêu cầu bồi thường và có đầy đủ cơ sở, nằm trong khả năng chi trả nên ngay lập tức được trích từ ngân sách của Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên.

"Những thiệt hại khác mà tôi và gia đình phải gánh chịu liên quan đến uy tín danh dự, tổn thất về sức khỏe, mất việc làm, tiền đi lại khiếu kiện từ năm 1983 đến nay, chi phí do phải tự chữa bệnh, mất nhà không được mua theo Nghị định 61/CP,… làm sao mà có hóa đơn, chứng từ để trình ra cho họ được"- ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, trong nhiều đợt trao đổi về bồi thường với nhiều cơ quan khác nhau, ông đều yêu cầu Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà trường được "ghi chỉ tiêu ngân sách", từ đó đủ cơ sở để bồi thường thêm số tiền 6,7 tỷ đồng.

"Nếu Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên không làm theo luật, không đồng ý báo cáo cơ quan thẩm quyền cho ghi chỉ tiêu ngân sách để bồi thường số tiền còn lại, tôi sẽ làm thủ tục khởi kiện ra tòa án Hà Nội để đòi nốt số tiền này"- ông Lợi nhấn mạnh trong cuộc trao đổi sáng 8/2.

Người khiếu nại 32 năm nhận 3,2 tỷ đồng, tiếp tục đòi bồi thường 6,7 tỷ - 2

Trường Đại học Y-Dược thuộc Đại học Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi sinh năm 1953 ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ, nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú.

Năm 1977, Ủy ban Thống nhất của Chính phủ đã có quyết định điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên).

Ông Lợi được công nhận tốt nghiệp vào năm 1988 nhưng do việc bàn giao hồ sơ của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách và các chế độ theo quy định.

Việc này, dù đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng từ năm 1992 đến năm 2019, Hiệu trưởng Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên đã thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết các kiến nghị của ông Lợi về việc xin khôi phục hồ sơ gốc để xin việc làm và hưởng các chế độ trong khi nhiều tài liệu, hồ sơ là bản chính, bản gốc, sao y bản chính có giá trị pháp lý liên quan đến ông Lợi vẫn đang được lưu giữ tại Trường…

Những việc làm đó đã gây ra hậu quả để ông Lợi không được phân công công tác theo quy định của Chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, nhà đất, chế độ dành cho người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác theo quy định pháp luật.

"Tôi không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại, vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký kết hôn vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh…" - ông Lợi từng trao đổi với báo chí.