1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Người hồi sinh cho những cánh hoa giấy

(Dân trí) - Thôn Thanh Tiên (xã Phú Mậu, Phú Vang, TT-Huế) từ xưa đã nổi tiếng với nghề làm hoa giấy. Nhưng hơn 40 năm nay, nghề đã mai một nhiều. Có một người vì tiếc cho sự mai một ấy mà mày mò phục dựng lại nghề truyền thống của cha ông.

Đó là ông Trưởng thôn Nguyễn Hóa, người đã khôi phục thành công nghề làm hoa giấy của làng, không những thế còn có công sáng tạo thêm nhiều loại hoa mới đặc sắc, phục vụ cho các dịp lễ hội tại Huế, Đà Nẵng… đặc biệt trong dịp Festival Huế năm nay.

Thanh Tiên vốn nổi tiếng với nghề làm hoa giấy, nhưng buồn nỗi chẳng ai sống được bằng nghề này vì hoa làm ra chỉ bán được vào những ngày lễ tết. Nên từ những năm 70 của thế kỉ trước, nghề làm hoa giấy của làng bắt đầu bị mai một, đến nay chỉ giữ được mỗi cách làm hoa Ông Công bán vào ngày tết.
 
Người hồi sinh cho những cánh hoa giấy - 1
Ông Hóa tỉ mẩn bên những cánh hoa sen giấy.

45 năm gắn bó với nghề làm hoa giấy, ông Hóa cũng là người duy nhất còn giữ được nghề này. Chính vì vậy, ông luôn lo sợ nếu không khôi phục lại thì nó sẽ biến mất mãi mãi.

“Đối với tôi nghề này rất quan trọng, vì nó không chỉ là nghề truyền thống của làng, mà còn là nghề đã gắn bó với gia đình tôi 4 đời nay rồi. Ngay khi mới lên 5, tôi đã được ba dạy cho cách làm ra những bông hoa giấy”, ông Hóa nói.

Vốn có năng khiếu làm hoa đẹp, nhưng ông Hóa cũng chỉ được cha dạy làm mỗi loại hoa Ông Công, mà hoa này cũng chỉ phục vụ được cho việc thờ cúng. Nên lúc nào ông cũng trăn trở với suy nghĩ “muốn phát triển được nghề này thì phải có thêm những loại hoa khác, và phục vụ cho nhu cầu chơi hoa và trang trí trong nhà”.
 
Người hồi sinh cho những cánh hoa giấy - 2
Những loại hoa mà ông đã sáng tạo thêm.

Từ đó, ông mày mò tìm cách làm các loại hoa trồng xung quanh nhà mình như: đồng tiền, hồng, cúc, cẩm chướng… Và thành công đầu tiên của ông đó là giải khuyến khích hội thi làm hoa giấy của tỉnh vào năm 2008.

Lật lại lịch sử làm hoa của làng, ông biết được, trước kia ngoài hoa Ông Công, làng ông còn nổi tiếng với cách làm hoa sen. Ông tìm đến các cụ cao niên trong làng để hỏi cách làm sen, nhưng duy nhất chỉ một người còn nhớ mang máng cách thức làm: Làm bằng giấy dó, lấy mùn bằng gạch, tro bếp, quả mồng tơi để nhuộm màu cho cánh, còn các đầu cánh hoa sen được buộc bằng chỉ.

Chỉ thế thôi nhưng ông mừng lắm, vội bắt tay vào làm thử. Một tuần sau, sản phẩm làm ra tuy có nét giống hoa sen, nhưng nhìn không có sức sống và không toát lên được vẻ đẹp bền bỉ của bông hoa giấy.

Nghiên cứu mãi, ông chợt nhận ra rằng chất liệu chính làm hoa là giấy nên nguyên nhân có thể là do loại dó vẫn chưa phù hợp. Nghĩ vậy, ông liền đạp xe đến tiệm sách, tìm mua tất cả các loại giấy về làm thử nghiệm.

Sau khi thử nghiệm trên tất cả các loại giấy, ông đã chọn ra được những tờ giấy A4 là chất liệu tốt nhất và phù hợp nhất để làm những cánh sen, đầu của cánh hoa sen cũng không phải buộc bằng chỉ nữa thay vào đó là bằng keo dán: “Làm hoa sen, khâu khó nhất vẫn là làm cánh hoa. Cánh sen phải có nếp nhăn, khi tạo thành hoa, cánh không bị mất đi nếp nhăn thì mới được coi là thành công”, ông cho biết.

Người hồi sinh cho những cánh hoa giấy - 3
Tuy làm bằng giấy, nhưng những bông sen này vẫn mang một dáng vẻ sang trọng và rất có hồn.
 
Những bình hoa sen giấy của ông Hóa không chỉ đẹp, sang trọng, mà còn rất phù hợp với việc làm trang trí nội thất, từ những phòng khách gia đình, khu nhà rường cổ kính, đến những nhà sách…

“Thành công của “mẻ” hoa đầu tiên là tại lễ hội đền Huyền Trân năm ngoái, tôi mang 150 bông sen đi bán, mới bày được 1 tiếng thì bán hết”, ông Hóa tự hào khoe.

Cũng từ đó, những bông hoa của ông được nhiều người biết đến và liên tục đặt hàng. Vào những dịp lễ hội như Festival biển năm 2009 ở Thuận An, Sóng nước Tam Giang… ban tổ chức lễ hội đã mở riêng cho ông một gian hàng để phục vụ cho các du khách.

Để chuẩn bị cho Festival Huế năm nay, ông cho biết: “Tôi đã chuẩn bị 500 bông sen cho Festival Huế lần này. Ngoài ra, tôi cũng mới bán cho một vị khách trong Đà Nẵng gần 200 bông để phục vụ Festival làng nghề của họ hôm 19/5”.

Thiên Thư