Người “dọn đường” cho những tử thi khốn cùng

(Dân trí) - Bản thân “nghèo rớt mùng tơi” nhưng ông Bùi Văn Oanh đã giúp trên 700 áo quan và lo ngần ấy đám tang ma cho những gia đình nghèo khó không may có người thân qua đời. Hễ ở đâu báo tin đang có xác chết cơ hàn cần được “chăm sóc” là ông có mặt…

20 năm cho 1 ước mơ khác người

 

Qua tên Bùi Văn Oanh, hành nghề đạp xe ba gác, 62 tuổi, là con thứ 3 trong gia đình lao động nghèo có 6 người con nên bà con gọi là Ba Oanh. Hễ gia đình nghèo nào có tang ma cần được hỗ trợ miễn phí là qua có mặt. Bốc cốt, thu nhặt tử thi gì qua cũng “chơi” luôn. Nghĩa tử là nghĩa tận mà chú!” - ông Oanh mở đầu câu chuyện với tôi bằng câu nói “tửng từng tưng” như thế.

 

Trong căn nhà cấp 4 thấp lè tè nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM, ông Ba Oanh, người tự nhận mình là “bạn chí cốt của những vong hồn bất hạnh” bắt đầu câu chuyện về Đội mai táng từ thiện Phước Thiện do ông thành lập bằng câu chuyện đau thương của chính mình.

 

Nỗi đau đó xảy ra vào năm 1979, khi cụ thân sinh của ông Ba Oanh lâm trọng bệnh qua đời. “Mùa mưa năm đó thật buồn và ảm đạm” - ông Ba Oanh nhớ lại - “Vợ chồng qua và mấy anh em ngồi gom những gì còn lại để có thể đổi ra tiền nhưng tất cả đã đổ vào chi phí điều trị cho ba cả rồi, giờ đào đâu ra!”.

 

Với lời hẹn “một tháng sau sẽ trả dứt điểm”, ông Ba Oanh được một chủ trại hòm đồng ý bán nợ chiếc áo quan.

 

Ông kể lại chuyện xưa trong tiếng thở dài: “Ngày khâm liệm cho ba trong căn nhà dột nát tứ bề, chỉ có khói nhang tan nhanh vào gió mưa rào rạt. Qua không thể nào quên được ngày ấy!”.

 

Ngày ấy, bình quân mỗi ngày ông Ba Oanh đạp xe được 4-5 đồng. Để trả được khoản nợ 50 đồng, ông đã phải “đấu vật” hơn 3 năm. Ông trải lòng: “Qua trả được món nợ của người chủ trại hòm nhưng lại mắc phải món nợ mới. Qua nợ nỗi đau của những người từng lâm cảnh như qua, cạn nghĩ, khóc hết nước mắt vì không có tiền ma chay cho người nằm xuống”.

 

Ý tưởng thành lập đội mai táng từ thiện được ông Ba Oanh nhem nhóm từ ấy. Gánh nặng gia đình với 5 đứa con thơ bâu chặt không làm người đàn ông gầy gò đạp xe ba gác thôi nuôi chí lớn. “Mỗi ngày, qua nuôi heo bằng việc nhín chút tiền hút thuốc, uống cà phê. Đợi hoài, nuôi mãi, 18 năm sau (ngày 21/1/1997) qua mới mua được 10 bộ đồ chuyên dụng cho tùy táng. Mỗi bộ giá 75.000 đồng”.

 

Ngày Ba Oanh mang những bộ đồ âm phủ về nhà, vợ ông, bà Nguyễn Thị Y (63 tuổi) phản đối kịch liệt vì “thu nhập bấp bênh, thùng đựng gạo bữa lưng bữa vơi, thân mình lo còn chưa xong nói chi lo cho thiên hạ. Mà ổng lì lắm, cứ đợi nửa đêm dựng tui dậy nói chuyện ngày xưa. Riết rồi tui đã bị ổng thuyết phục”.

 

Giải quyết khâu “vợ nhà” ổn thỏa rồi, ông Ba Oanh lên kế hoạch kiếm tìm những người đồng chí hướng. “Đồ tang nên ai cũng ngại xui rủi. Bởi vậy khi nghe nói chuyện gia nhập đội mai táng thiện nguyện, phần lớn đều khước từ”. Ròng rã, bầm trầy đi hết nhà này đến quán nọ thuyết khách, rồi ông Ba Oanh cũng lập được đội mai táng mơ ước gồm 21 thành viên.

 

Với mớ “vốn liếng” học lỏm kinh nghiệm cúng bái của đạo tỳ mỗi khi thấy có đám tang, ngày 27/3/1999, Đội mai táng từ thiện Phước Thiện do ông Ba Oanh làm chủ xị chính thức ra đời. Họ là những người có lòng như ông, tình nguyện giúp đỡ những gia đình, thân phận lầm than khi hữu sự.

 

Cuối cùng là khâu khó khăn nhất, ông Oanh phải đến các trại hòm, vận động họ tài trợ áo quan mỗi khi có xác chết cơ hàn cần được về với đất.

 

Lên bàn mổ, bán nhà vì những “người chết dưng”

 

Mỗi khi nhận được tin báo ở đâu có người xấu số nghèo khó, việc đầu tiên là ông Ba Oanh sẽ nhắn anh em trong đội tập hợp lại nhà, phổ biến mỗi người một việc và cấp tốc đạp xe đi xin hòm. Đến nơi có tang gia, tùy khả năng mà mỗi người xách theo lon gạo, nải chuối, bọc trà, bó nhang để phụ lo tang ma cho người quá cố… Tất cả đều miễn phí, đều trên tinh thần tình nguyện.

 

Nội quy của đội mai táng Phước Thiện

 

- Tình nguyện làm công quả phước thiện.

 

- Không nhận tiền hoặc đòi hỏi làm phiền tang lễ.

 

- Khi đến, đem lại niềm an ủi, chăm lo mai táng, phục vụ hết mình cho người nằm xuống.

 

Địa chỉ: 334/33A Đoàn Văn Bơ, phường 16, quận 4, TPHCM)

 

Điện thoại: 08. 5392580

Hàng trăm phận người nghèo khổ, bệnh tật hẩm hiu nhờ tấm lòng của ông Oanh và những người đồng chí hướng mà được trọng táng đàng hoàng. Đám tang có hòm, có nhang đèn, bánh trái, có nhà sư niệm kinh, có đội đạo tỳ hành lễ, có cờ tang bay trong gió lộng, có đội nhạc hòa tấu biệt khúc tiễn đưa… Ông Ba Oanh trải lòng, dù nghĩa tử là nghĩa tận, dù mai táng từ thiện những cũng phải đủ lễ nghĩa đàng hoàng, “nếu không, gia chủ đã buồn càng buồn thêm”.

 

Vớt những xác chết trương sình dưới chân cầu Bình Triệu, tắm rửa cho những người chết vì bệnh tật, máu mủ tung tóe, chỉ cần đụng nhẹ vào là thịt da bong tróc, hôi thối đến độ người thân còn phải sợ, là việc làm như cơm bữa của ông Ba Oanh.

 

Tiếng lành đồn xa, chuông điện thoại reo vang tới tấp đồng nghĩa với hành trình mai táng miễn phí cho những gia cảnh, số phận bất hạnh của ông Ba Oanh và các thành viên trong đội chuyến này nối tiếp chuyến kia. Gần 10 năm qua, bình quân mỗi năm, đội mai táng linh cữu cho khoảng 70 linh hồn nhưng chưa 1 lần nhận tiền bồi dưỡng của gia chủ.

 

Nhiều người biết chuyến thán phục, nhiều gia đình có nhã ý thuê đội và muốn thanh toán tiền dịch vụ mai táng nhưng ông Ba Oanh luôn tìm cách khước từ.

 

“Nghề của qua và các thành viên trong đội không phải là làm đạo tỳ hay âm công. Nếu không “tác nghiệp” thì qua và anh em sẽ tiếp tục với công việc thường ngày, bốc vác, đạp ba gác, lượm phế liệu… mưu sinh”, ông Ba Oanh tâm sự.

 

Người “dọn đường” cho những tử thi khốn cùng - 1

Thành viên đội mai táng Phước Thiện của ông Oanh

đều là những người có hoàn cảnh khốn khó.

 

Hôm tôi đến thăm, ông Ba Oanh rất vui. Ông cởi áo chỉ vào vết may trên thịt da hơn chục mũi vẫn còn mới rồi khoe: “Qua vừa mổ bướu. Trễ một chút là tiêu đời rồi. May nhờ có bà Hưng Nở, một tiểu thương ở đường Lê Minh Xuân (huyện Hóc Môn) biết chuyện đã ra tay kịp thời”.

 

Tuy ông Ba Oanh không nói rõ nhưng qua những thành viên trong đội, tôi được biết vì thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với những xác chết cơ hàn, vô danh trong tình trạng không có phương tiện bảo hộ nên ông mắc phải một số chứng bệnh.

 

Ông Ba Oanh “thú nhận”: “Cách đây 8 năm, qua bị bất tỉnh. Nghe bác sĩ chuẩn đoán bị bệnh ung bướu chữa tốn nhiều tiền, sợ quá, qua trốn viện mặc ra sao thì ra. Mươi ngày trước, lúc đang làm lễ cho một gia đình ở Hóc Môn, qua bị đột quỵ. Vào Bệnh viện Ung Bướu, bác sĩ chuẩn đoán phải mổ gấp nhưng qua không có đủ tiền. May mà bà Hưng Nở gọi điện hỏi thăm, biết chuyện đã giúp qua 300.000 đồng tiền viện phí. Số còn lại rất lớn được các bác sĩ miễn phí cho qua”.

 

Vì đeo nghiệp “ma chay miễn phí” cho người nghèo mà ông Ba Oanh đã cắt dần miếng đất 100m2 bán lấy tiền trả nợ, trang trải cuộc sống và giúp người. Nay cả gia đình 7 người phải co cụm trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2. Mục tiêu bây giờ của ông là rao bán nốt mảnh đất còn lại, một ít cho các con làm vốn sinh nhai, một ít mua mảnh đất con con xa thành phố, phần còn lại lập 1 quỹ nhằm giúp đỡ anh em trong đội những lúc khốn khó.

 

Ông Ba Oanh trần tình: “Khó khăn thì có rất nhiều nhưng qua chưa bao giờ mở miệng xin tiền bạc của ai. Qua chỉ ghé các trại hòm xin áo quan mà thôi. Qua ngại người ta nghĩ qua lợi dụng mác từ thiện trục lợi cho bản thân lắm… Qua nhất thiết phải lập cái quỹ tương trợ bởi anh em cả năm theo qua làm việc thiện nhưng tết nhất trong nhà gạo muối chẳng đầy bo, qua rất ấy náy”.

 

Một ngày nào đó, nếu gặp một người bất hạnh chết trên vỉa hè hay biết gia đình nào đó không có điều kiện an táng cho người thân, bạn đừng quên câu chuyện hôm nay, câu chuyện về một người nghèo tận cùng nhưng sẵn sàng chăm lo chu đáo cho những xác chết cơ hàn ở bất kỳ nơi đâu, bất kể thời khắc nào...

 

Thành Nguyễn