DNews

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Tính giá trị đất và tài sản trên đất, nhân dân trong xã đã góp khoảng 22 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn" - ông Phan Trọng Trung, Chủ tịch xã Bồng Khê, cho biết.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn

Cắt đất, dỡ tường rào mở rộng đường

Thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê (Con Cuông, Nghệ An) vốn nổi tiếng là một khu vực tách biệt, người dân chủ yếu sống dựa vào trồng rừng và sản xuất nông nghiệp. Làng có diện tích rộng nhưng dân cư thưa thớt và hệ thống giao thông nhỏ hẹp, chưa đồng bộ. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một năm, diện mạo của thôn đã có sự thay đổi đáng kể.

Hơn 3km đường giao thông nội xóm tại Thanh Nam đã hoàn thành, nâng tỷ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn lên 98%. Những con đường rộng 5m, phẳng lì và hệ thống mương thoát nước đồng bộ đã thay thế các con đường nhỏ hẹp, xuống cấp trước kia.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 1

Thôn Thanh Nam đã đổ đường bê tông rộng 3,5-5m phủ khắp các lối, ngõ (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Nam, cho biết, theo kế hoạch ban đầu, đường chỉ mở rộng từ 2,5m lên 3,5m. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, người dân đã hiến đất để mở rộng đường lên 5m.

"Toàn thôn có 32 hộ hiến đất, di dời công trình, trung bình mỗi hộ đóng góp 13 triệu đồng để mở rộng đường và xây dựng mương thoát nước. Một số hộ phải hạ độ cao vườn, xây lại bờ rào hay bờ kè, tính ra chi phí phải lên 40-50 triệu đồng nhưng không một ai than phiền hay đòi hỏi gì", ông Hùng nói.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn (Video: Hoàng Lam).

Ông Nguyễn Đình Hùng (thôn Thanh Nam) chia sẻ: "Giờ so với một năm trước đúng là một trời một vực. Đường trước kia nhỏ hẹp, gồ ghề, nay rộng rãi, phẳng lì, ô tô chạy vô tư, nhân dân đi lại thuận tiện, việc vận chuyển cây nguyên liệu cũng dễ dàng hơn".

Để mở rộng và "nắn" con đường từ đầu thôn vào được thẳng, ông Nguyễn Đình Hùng đã đồng ý cắt một phần diện tích vườn của gia đình mình. "Mỗi người góp một chút, làng quê sẽ khang trang và đẹp hơn", ông Hùng nói.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 2
Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 3

Người dân xã Bồng Khê hiến đất, tự dỡ cổng, tường rào để mở rộng đường giao thông nông thôn (Ảnh: H. Thoa).

Không chỉ ở thôn Thanh Nam, phong trào hiến đất, dỡ tường rào mở rộng đường đã được triển khai trên toàn xã Bồng Khê và được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Ông Phan Trọng Trung, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, cho biết đã có 174 hộ dân hiến đất, 131 hộ dỡ bờ rào, công trình, chặt cây cối để mở rộng đường giao thông nông thôn.

"Giá trị đất và tài sản người dân đã hiến để làm đường ước tính khoảng 22 tỷ đồng. Không chỉ hiến đất, các hộ dân còn đóng góp ngày công và thêm kinh phí để mở rộng đường giao thông nông thôn", ông Trung cho hay.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 4

Anh Bảo (đứng giữa) hiến đất để làm đường, mương thoát nước, từ chối đề xuất hỗ trợ xây lại bờ kè, tường rào trị giá hàng chục triệu đồng (Ảnh: Hoàng Lam).

Tuyến đường cuối cùng tại thôn Liên Tân (xã Bồng Khê) đã được hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Liên Tân, cho biết thôn đăng ký nâng cấp và mở rộng 3 tuyến đường, tổng chiều dài khoảng 900m, trong đó có 1.400m cần giải tỏa.

Bà Thanh là một trong những hộ tiên phong hiến đất, dỡ tường rào để mở rộng đường. "Nhà tôi có 20m bám đường, để đạt tiêu chuẩn mở rộng 5m, gia đình tôi hiến đất 1m chiều sâu, phá dỡ bờ rào, cổng và một phần mái tôn. Đụng đến tài sản, nói không nghĩ ngợi là không đúng nhưng mình là đảng viên, phải đi trước, làm gương", bà Thanh chia sẻ.

Không để dân chịu thiệt!

Xác định giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã Bồng Khê đã ban hành nghị quyết, vận động người dân tham gia đóng góp mở rộng đường nội xã. Nghị quyết này đã được đảng viên và đại bộ phận nhân dân trong xã hưởng ứng.

"Đối với những hộ chưa đồng ý, Đảng ủy và các tổ chức đoàn thể trong xã đã đến giải thích và vận động nhiều lần", ông Cao Tiến Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, chia sẻ.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 5

Ông Phan Trọng Trung: "Người dân đã đồng lòng, ủng hộ và tham gia nhiệt tình vào việc làm đường, xã không thể để bà con chịu thiệt thêm" (Ảnh: Hoàng Lam).

Quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân được tiếp thêm động lực khi UBND huyện Con Cuông quyết định hỗ trợ 1.000 tấn xi măng và 40% đá nền để hiện thực hóa việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn xã Bồng Khê.

Để thể hiện quyết tâm, xã Bồng Khê đã gửi bản cam kết lên lãnh đạo huyện, đảm bảo hoàn thành chiến dịch làm đường vào tháng 9.

Bắt đầu từ tháng 3, công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng đường được triển khai. Phong trào hiến đất sôi nổi ở từng xóm, từng tuyến đường. Những tuyến đường rộng 3,5-4m, thậm chí 5m, với hệ thống thoát nước và cột điện mới hoàn thành, thay thế con đường nhỏ hẹp trước kia.

"Có những hộ dân cổng liên quan đến kết cấu nhà, chúng tôi nghĩ sẽ rất khó, nhưng người dân tự nguyện tháo dỡ ngay. Khi lòng dân đã thuận, sẽ không khó khăn nào không vượt qua được. Người dân đã đồng lòng, ủng hộ, tham gia nhiệt tình và có hiệu quả vào việc làm đường, xã không thể để bà con chịu thiệt thêm", ông Phan Trọng Trung nói.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 6

Bà Minh (áo xanh) được các tổ chức, đoàn thể xóm hỗ trợ xây lại tường rào sau khi tháo dỡ, lùi vào vườn để mở rộng đường (Ảnh: Hoàng Lam).

UBND xã Bồng Khê quyết định hỗ trợ nhân lực để giúp các hộ dân tháo dỡ bờ rào, công trình xây dựng và hỗ trợ 100% kinh phí di dời hệ thống cột điện trên các tuyến đường. Đến thời điểm hiện tại, ngân sách xã đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng để các thôn nâng cấp, mở rộng đường giao thông và các công trình phụ trợ.

Việc người dân hiến đất để mở rộng đường đã khiến diện tích đất vườn bị ảnh hưởng. Xã đề xuất huyện hỗ trợ kinh phí đo đạc và chỉnh lý hồ sơ cho các hộ khi làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với những hộ khó khăn, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí và vận động người dân đóng góp tiền và ngày công để hỗ trợ xây lại tường rào.

Hộ gia đình bà Trịnh Thị Minh (xóm Liên Tân) là một trong những hộ dân xung phong hiến đất làm đường. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, bà Minh chưa có kinh phí để xây dựng tường rào mới. Chi bộ và ban cán sự thôn đã kêu gọi quyên góp ủng hộ 5 triệu đồng và huy động đóng góp của người dân để giúp bà Minh xây lại tường rào. Chi hội Cựu chiến binh thôn đã đứng ra nhận nhiệm vụ thi công miễn phí.

Người dân xã miền núi góp 22 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn - 7

Có tuyến đường giao thông nông thôn theo kế hoạch nâng cấp của xã Bồng Khê đã được mở rộng lên đến 5m (Ảnh: Hoàng Lam).

Anh Trương Ngọc Bảo (Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồng Khê) là công dân thôn Thanh Nam. Thực hiện chủ trương của xã, anh Bảo đã cắt 18m chiều dài đất, lùi vào điểm sâu nhất 1,8m để mở rộng đường và làm mương thoát nước. Gia đình anh đã xây lại kè để chống sạt lở, cổng và tường rào với tổng kinh phí gần 90 triệu đồng nhưng khi cán bộ thôn gợi ý hỗ trợ xi măng, anh Bảo đã từ chối.

"Mình là cán bộ, đảng viên, phải gương mẫu đi trước. Việc xây mới các công trình sau khi hiến đất gia đình chúng tôi có thể tự lo, nên không nhận sự hỗ trợ của thôn để dành kinh phí đó làm đường", anh Bảo chia sẻ.

Sau nửa năm thực hiện "chiến dịch", 33/33 tuyến đường theo kế hoạch đã được nâng cấp và mở rộng. Chương trình nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn tại xã Bồng Khê đã hoàn thành sớm hơn thời gian cam kết với huyện Con Cuông.

"Với sự ủng hộ và đồng thuận của người dân, phát huy kết quả của phong trào làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi quyết định triển khai ở tất cả các tuyến đường còn lại trên địa bàn. Hiện đã có thêm 2 tuyến đường hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với kế hoạch mở rộng lên 6m.

Xã đang chờ nguồn xi măng từ tỉnh để thực hiện. Cùng với việc mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, địa phương sẽ có thêm nhiều công trình, tạo sự đồng bộ về cơ sở vật chất, hướng tới sáp nhập xã Bồng Khê vào thị trấn Con Cuông theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025", ông Phan cho biết.