1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9

Trung Thi Quốc Triều

(Dân trí) - Bão số 9 dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung với sức tàn phá khủng khiếp. Người dân ven biển Quảng Ngãi đang “chạy đua” chằng chống, gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ.

Người dân hối hả gia cố nhà cửa chống bão

Từ trưa ngày 26/10, công tác phòng chống bão số 9 tại Quảng Ngãi đã được “kích hoạt”. Người dân ven biển đã chủ động chằng chống, gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 1

Các xã Bình Hải, Bình Thuận (huyện Bình Sơn) là địa bàn được dự báo có thể bị ảnh hưởng nặng nhất của bão số 9. Do đó, người dân địa phương đã chủ động gia cố nhà cửa chống bão.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 2

Tại thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), triều cường gây xói lở ăn sâu vào đất liền. Hàng chục ngôi nhà nằm bên mép sóng có nguy cơ bị cuốn trôi nếu bão số 9 đổ bộ. Người dân phải dùng bao cát, lưới thép làm bờ kè bảo vệ nhà cửa. “Chỗ này triều cường gây xói lở rất nặng, bây giờ mà bão vào nữa thì lo lắm. Từ sáng nay mọi người đã cùng nhau gia cố lại kè để bảo vệ móng nhà”, ông Võ Văn Tất cho biết.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 3
Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 4

Theo ông Ngô Văn Dụng – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nếu bão số 9 ở cấp độ 4 thì toàn huyện phải di dời trên 5.000 hộ dân với trên 20.000 nhân khẩu. “Công tác di dời dân sẽ được triển khai vào sáng ngày mai, đặc biệt ưu tiên cho khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường. Huyện sẽ hoàn thành việc di dời dân trước 17h ngày 27/10 theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Dụng thông tin.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 5

Người dân ven biển Quảng Ngãi hối hả gia cố nhà cửa để bảo vệ tài sản trước khi di dời đến nơi tránh bão an toàn.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 6

Chiều ngày 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chủ trì cuộc họp khẩn triển khai công tác ứng phó bão số 9. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị phải xác định ưu tiên số một hiện nay là công tác phòng, chống bão số 9. Các địa phương, đơn vị phải triển khai phương án phòng, chống bão bằng kế hoạch, công việc hết sức cụ thể, chi tiết. Đồng thời, hoãn tất cả các cuộc họp bắt đầu từ sáng mai (27/10) để tập trung cho công tác chỉ đạo phòng, chống bão số 9.

Phú Yên: Cương quyết không cho người ở lại các khu vực nuôi trồng thủy sản

Phú Yên di tản người dân khỏi các khu lồng bè trên biển để tránh bão

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9, chiều ngày 26/10, đoàn công tác phòng chống bão lũ do ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tại khu vực Vịnh Xuân Đài (TX. Sông Cầu).

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 7

Ông Phạm Đại Dương kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại TX. Sông Cầu

Đây là nơi tập trung hơn 1.800 bè nuôi trồng thủy sản. Mỗi bè có từ 3 đến 5 người canh giữ lồng nuôi. Nếu bão đổ bộ vào đất liền có gió to, sóng lớn, mà người dân vẫn bám trụ để giữ tài sản thì rất nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các lực lượng chức năng như: Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ người dân hạ thấp lồng bè để đảm bảo an toàn cho tài sản.

Đến chiều ngày mai 27/7, các lực lượng trên phải tích cực đi kiểm tra và vận động người dân sớm vào bờ. Nếu có người cố tình ở lại trên bè thì phải thực hiện cưỡng chế.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 8

Vịnh Xuân Đài có khoảng 1.800 lồng bè với hơn 9.000 người dân lao động trên biển

Sau buổi kiểm tra, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Cơ bản lồng bè và các tàu cá của tỉnh đã được thông báo và di chuyển vào bờ. Dự kiến 18h chiều mai tàu bè sẽ đến nơi trú tránh an toàn. Các lồng bè phải thực hiện hạ thấp hoặc đưa vào nơi an toàn. Đặc biệt, nếu người dân nào vẫn bám trụ giữ bè thì phải thực hiện cưỡng chế đưa lên bờ.”

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 9

Lực lượng Bộ đội Biên phòng dùng loa để thông báo về tình hình cơn bão số 9

Ông Phạm Đại Dương cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra, tạm hoãn các cuộc họp không thật sự cấp thiết, tập trung triển khai tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công quản lý; đồng thời, tổ chức triển khai ngay các biện pháp tuyên truyền vận động người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, công trình khác..., đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 10

Đến 18h chiều mai (27/7) nếu người dân không chủ động vào bờ sẽ bị cưỡng chế

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên hiện có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Tất cả các tàu cá này đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 9 và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Bình Định cấm biển, cho học sinh nghỉ học để tránh bão

Chiều 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để triển khai cấp bách công tác ứng phó với bão số 9.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều 26/10 tỉnh này còn 190 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 9. Các tàu đã nhận được thông tin bão số 9 và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, toàn tỉnh có 30 hồ chứa nước xuống cấp, hư hỏng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương chủ động phương án để ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt các địa phương di giãn dân vùng có nguy cơ sạt lở, vùng triều cường, đặc biệt là người dân ven biển, ven sông đến nơi an toàn.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 11
Bình Định thực hiện lệnh cấm biển từ 17h chiều 26/10 (ảnh Cảng cá Quy Nhơn chiều 26/10).

Theo Cảng vụ Quy Nhơn, tính đến trưa 26/10, có 31 tàu vận tải đã giải phóng hàng và rời khỏi cảng Quy Nhơn. Hiện còn 47 tàu, trong đó có 15 tàu đang làm hàng tại cầu cảng, 31 tàu đang nằm ở phao số 16 và 1 tàu ở phao số 0.

Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn cho biết, đơn vị đã mời thuyền trưởng các tàu làm việc, yêu cầu họ đưa tàu ra khỏi khu vực cảng Quy Nhơn. Cố gắng trong ngày mai (27/10), sẽ không còn tàu nào nằm ở phao số 0 và chỉ còn khoảng 30 tàu hàng ở cảng Quy Nhơn.

“Tuy nhiên, tùy vào kích cỡ tàu mà đơn vị hướng dẫn neo đậu tại khu vực đầm Thị Nại để đảm bảo an toàn nhất có thể, cố gắng giảm lượng tàu tại chỗ thấp nhất”, ông Quang nói.

Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành lệnh cấm biển có hiệu lực từ 17h ngày 26/11; đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ chiều 27/10 đến khi có thông báo mới để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Người dân ven biển hối hả phòng chống bão số 9 - 12

Bình Định yêu cầu tàu hàng rời khỏi phao số 0 tránh trường hợp như trận bão số 12/2017, hàng loạt tàu hàng va chạm, bị chìm (ảnh tư liệu).

Ông Hồ Quốc Dũng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương không để bất cứ một người hoạt động trên tàu hàng, tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có mưa bão.

Ông Dũng yêu cầu toàn hệ thống chính trị, toàn dân phải vào cuộc quyết liệt, cương quyết để ứng phó bão số 9 nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Nếu để xảy ra sự việc thương tâm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Doãn Công

Dòng sự kiện: Cơn bão số 9

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm