1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân TPHCM được ra đường thế nào sau ngày 30/9?

Quang Huy

(Dân trí) - Người tham gia giao thông tại TPHCM cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, đã qua 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh. TPHCM chưa cho người dân tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành.

Theo chỉ thị mới của TPHCM ban hành sáng 30/9 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, việc lưu thông của người dân cũng được từng bước nới lỏng hơn trước đây, nhưng vẫn cần tuân theo những quy định, điều kiện cụ thể.

Các hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn từ sau ngày 30/9 sẽ được quản lý bằng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM triển khai.

Chưa đi lại tự do liên tỉnh

TPHCM quy định, người dân tham gia lưu thông sẽ sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM. Những ứng dụng này sẽ được triển khai cho đến khi phần mềm PC-COVID chính thức được đưa vào hoạt động.

Trường hợp người lưu thông không có mã QR cần xuất trình giấy xác nhận là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày khi được lực lượng chức năng yêu cầu.

Người dân TPHCM được ra đường thế nào sau ngày 30/9? - 1

Người tham gia giao thông tại TPHCM cần sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Ngoài ra, người lưu thông trên đường cần thực hiện nghiêm quy tắc 5K, cần liên hệ ngay đường dây nóng của tổ phản ứng nhanh địa phương hoặc tổng đài 115 khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, cần cấp cứu...

Ngoài ra, thành phố quy định người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trong trường hợp cần thiết, việc đi lại liên tỉnh cần tuân theo những quy định cụ thể.

Thành phố sẽ tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

Trong khu vực nội thành, thành phố sẽ triển khai chốt kiểm soát lưu động phù hợp với tình hình thực tế. 

Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên và vận chuyển người lao động về TPHCM cùng những trường hợp cấp thiết khác cần thực hiện theo hướng dẫn của Sở GTVT TPHCM.

Các hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) sẽ được TPHCM tổ chức theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe máy có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) cần thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.

Các hoạt động cần tiếp tục tạm dừng

Dù nới lỏng nhiều hoạt động từ sau ngày 30/9, TPHCM vẫn tiếp tục tạm dừng nhiều lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Cụ thể, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động vẫn chưa được tổ chức lại, trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Người dân TPHCM được ra đường thế nào sau ngày 30/9? - 2

TPHCM tiếp tục tạm ngừng quán bar, spa, massage, karaoke... (Ảnh: Hải Long).

Đối với lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, thành phố yêu cầu tiếp tục tạm ngừng quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

Các hoạt động bán vé số dạo, bán hàng rong cũng chưa được cho phép hoạt động thời điểm này. Ngoài ra, các hoạt động không nằm trong danh mục được phép mở lại theo chỉ thị mới của thành phố cũng cần tiếp tục tạm ngừng hoạt động.

Theo Chỉ thị về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cho phép 8 nhóm hoạt động được phép mở cửa trở lại.

Trong đó, đối với nhóm hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, TPHCM cũng cho phép 14 lĩnh vực được từng bước khôi phục.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM đã có 120 ngày giãn cách xã hội với 7 lần điều chỉnh cấp độ kiểm soát tăng dần. Trong đó, người dân trên địa bàn đã trải qua 80 ngày áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng nhằm đạt mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19.