150.000 F0 chưa có mã số ảnh hưởng gì tới cục diện chống dịch tại TPHCM?

Quang Huy

(Dân trí) - "Số F0 tăng sẽ ảnh hưởng đến các mẫu số phân tích, ví dụ như tỷ lệ tử vong. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do Covid-19 khoảng 4%, khi mẫu số tăng lên, tỷ lệ tử vong sẽ giảm", PGĐ Sở Y tế TPHCM đánh giá.

Trong giai đoạn tháng 8 và tháng 9, số ca mắc Covid-19 ở TPHCM tăng cao. Trong bối cảnh đó, F0 có biểu hiện lâm sàng mắc Covid-19 và test nhanh dương tính SARS-CoV-2 được áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị tại nhà như đối với những trường hợp đã dương tính qua kết quả xét nghiệm khẳng định (PCR).

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, hơn 150.000 người tại thành phố thuộc trường hợp test nhanh dương tính SARS-CoV-2 chưa được cấp mã số bệnh nhân.

Bộ Y tế cho biết từ khi dịch bệnh xảy ra, TPHCM chưa từng báo cáo ca mắc Covid-19 có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính qua hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động.

Tăng 150.000 F0, tỷ lệ tử vong do Covid-19 sẽ giảm

Theo Dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có 3 chỉ số bắt buộc với các tỉnh, thành gồm: 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19; 100% trạm y tế xã phường thị trấn có 2 bình oxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động; Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4.

150.000 F0 chưa có mã số ảnh hưởng gì tới cục diện chống dịch tại TPHCM? - 1

TPHCM còn khoảng 150.000 bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 qua test nhanh chưa được cấp mã số (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Ngoài ra, 2 tiêu chí để phân loại cấp độ dịch bệnh gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.

Với việc cộng thêm 150.000 F0 phát hiện qua test nhanh SARS-CoV-2, chỉ số duy nhất trong các tiêu chí phân loại cấp độ dịch ở TPHCM bị ảnh hưởng là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần.

Khi 150.000 trường hợp trên được công bố và đánh mã số, chỉ số ca mắc mới tại cộng đồng sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, về tổng thể, sự tăng lên này không ảnh hưởng tới việc phân loại cấp độ dịch tại TPHCM. Bởi hiện nay, TPHCM có tỷ lệ số ca mắc trong cộng đồng đã thuộc mức cao nhất mà dự thảo quy định (tức hơn 150 ca mắc mới/100.000 dân/tuần).

Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, những trường hợp trên đã được tiếp nhận, lập danh sách và điều trị tại nhà, theo dõi đầy đủ. Việc số F0 tăng có thể mang đến thay đổi tích cực trong một chỉ số khác về dịch Covid-19.

"Số F0 tăng sẽ ảnh hưởng đến các mẫu số khi phân tích, ví dụ như tỷ lệ tử vong. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do Covid-19 được thống kê là khoảng 4%, khi mẫu số tăng lên, tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá.

150.000 ca F0 sẽ công bố một lần, hay từng đợt?

Dù vậy, trên thực tế, thay đổi mang tính tích cực trên chỉ đến khi số người được điều trị khỏi, diễn biến tích cực chiếm phần lớn trong số 150.000 F0 chưa được cấp mã số. Hiện tại, Sở Y tế thành phố chưa cung cấp thông tin cụ thể hơn về diễn biến tình hình dịch bệnh, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ phục hồi của những trường hợp này.

Ngoài ra, việc chậm được thống kê, lên danh sách, cấp mã số có thể ảnh hưởng đến quyền lợi những bệnh nhân Covid-19 khi thành phố từng bước mở lại hoạt động.

Cụ thể, theo dự thảo chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, bên cạnh tiêm vắc xin, việc đã khỏi bệnh cũng là điều kiện để tham gia một số hoạt động được cho phép.

150.000 F0 chưa có mã số ảnh hưởng gì tới cục diện chống dịch tại TPHCM? - 2

Việc chậm được thống kê, lên danh sách, cấp mã số có thể ảnh hưởng đến quyền lợi những bệnh nhân Covid-19 (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết đối với 150.000 ca F0 dương tính qua test nhanh chưa được cấp mã số, ngành y thành phố sẽ tăng cường rà soát lại theo chỉ đạo. Phương án trước mắt được đưa ra là tiếp tục xét nghiệm nhiều lần, kết hợp với test PCR để lên danh sách.

Phần việc này đòi hỏi các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố vào cuộc và báo cáo lại số liệu chính xác.

Với năng lực xét nghiệm thời gian gần đây của TPHCM lên tới hơn một triệu mẫu mỗi ngày, việc xét nghiệm cho khoảng 150.000 người sẽ không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, các trường hợp chưa được cấp mã số nằm rải rác tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, công tác phân loại, nhập liệu sẽ có ít nhiều trở ngại đối với ngành y.

Ngoài ra, thành phố cũng chưa trả lời được phương án công bố, cấp mã số đối với những trường hợp này. Với 150.000 người, nếu công bố cùng lúc sẽ dẫn tới một sự gia tăng đột biến và thay đổi lớn về các chỉ số về diễn biến dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc công bố từng đợt cũng chưa phải giải pháp tối ưu.

Sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế TPHCM liên quan đến nội dung cấp mã số cho người có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2.

Công văn nêu rõ, Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế đã có văn bản gửi TPHCM về việc kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0, đối với trường hợp chỉ định cách ly tại nhà, chỉ thực hiện xét nghiệm PCR khẳng định đối với trường hợp đưa đến khu cách ly tập trung. Số ca dương tính hàng ngày được thống kê gồm cả số ca test nhanh dương tính.

Việc báo cáo ca F0 là do Sở Y tế TPHCM chịu trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện thông qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động đã được Bộ Y tế hướng dẫn.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Sở Y tế TPHCM chưa báo cáo các ca F0 có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính qua Hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động.

Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TPHCM làm rõ và cung cấp số liệu cụ thể về tổng số kết quả test nhanh dương tính, số trường hợp F0 được cách ly tại nhà và số trường hợp được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR trước khi vào cơ sở y tế điều trị hoặc khu cách ly tập trung.