Người dân Quảng Bình “sức tàn lực kiệt” sau lũ kép
(Dân trí) - Chỉ trong vòng nửa tháng, người dân Quảng Bình đã phải hứng chịu hai trận lũ lớn, hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, nhiều địa phương bị cô lập, tài sản, đồ đạc bị cuốn theo dòng lũ... Những người dân nghèo đã hoàn toàn kiệt sức trước sự tàn phá của thiên tai.
Đến hết ngày 2/11, nước lũ tại nhiều địa phương ở Quảng Bình đã rút xuống, nhiều làng mạc không còn bị cô lập. Thế nhưng thêm một lần nữa, khung cảnh hoang tàn lại xuất hiện tại những vùng quê nghèo. Những con đường hư hỏng, nhà cửa, trường học và đồ đạc của người dân lại phủ trong bùn đất. Họ tiếp tục phải gồng mình gắng gượng lau dọn những tài sản còn sót lại.
Chúng tôi đến với xã Cảnh Hóa sau khi nước đã rút, những ngôi làng quê ven sông Gianh đã tan hoang sau hai trận lũ liên tiếp. Đang cố gắng nhặt lại những cuốn sách, vở của đứa con gái bị vùi lấp trong những đống bùn đất và thẩn thờ vì bao nhiêu tài sản bị hư hỏng, chị Hoàng Thị Văn (SN 1966) tại thôn Thượng Thọ nói trong nước mắt: “Chồng thì đang ốm nằm trong bệnh viện, nước lũ về lần trước đã khiến gia đình tui khốn khổ lắm rồi, giờ lại lũ tiếp, bàn ghế, sách vở của con trôi hết cả, giờ còn mỗi cái giường toàn bùn đất này, khổ quá chú ơi”.
Hai mẹ con chị Hoàng Thị Văn đang cố nhặt những gì còn sót lại sau lũ.
Con gái của chị Văn là cháu Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 2005), học sinh trường THCS Cảnh Hóa, sau hai trận lũ đã không còn sách vở để đến trường. Cháu buồn bã cố lật những trang sách vở bị vùi lấp trong đống bùn đất để phơi lại, để sắp tới còn có sách đi học.
Mặc dù người dân nơi đây đã quen với khái niệm “sống chung với lũ”, thế nhưng với việc phải hứng chịu hai trận lũ liên tiếp khiến họ kiệt sức.
Sau những đêm trắng canh lũ, giữ tài sản, rồi lại phải thu dọn tàn tích không mong muốn, những gì còn sót lại với người dân nghèo Quảng Bình là hàng đống bùn đất, rác thải và những giọt nước mắt, những khuôn mặt khắc khổ, phờ phạc. Cũng như những người dân khác tại xã Văn Hóa, chị Nguyễn Thị Thủy tại thôn Hà Thâu, đã 3 ngày nay không được ngủ và chỉ ăn mì tôm sống để chống đói qua ngày.
“Hai cơn lũ khiến gia đình tui trắng tay luôn rồi, không còn gì nữa, nhà cũng bị hỏng. Mấy đêm liền, cả gia đình 4 người chen nhau trên gác xép chật chội nên cũng không ngủ được, rồi còn lo giữ con gà, con lợn sợ nó trôi mất, toàn phải ăn mì tôm sống với lương khô, giờ còn phải cố mà dọn nhà, mệt lắm”, chị Thủy buồn bã.
Trận lũ kép vừa qua cũng đã khiến ngành giáo dục Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều trường học bị nhấn chìm trong nước, dụng cụ học tập và các trang thiết bị hư hỏng. Trao đổi với PV Dân trí, cô Lê Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Văn Hóa cho biết, hai cơn lũ liên tiếp đều khiến nhà trường bị ngập sâu, đến thời điểm hiện tại trường vẫn còn bị ngập gần 1m, trang thiết bị hư hỏng, thiệt hại trên 250 triệu đồng.
“Trường nằm ở vùng trũng nên trong hại đợt lũ đều ngập sâu trong nước, đến nay nước vẫn chưa thể rút hết, hôm nay các giáo viên nhà trường đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ, để sớm ổn định lại công việc giảng dạy”, cô Hiền nói.
Còn tại trường THCS Phù Hóa, các giáo viên nhà trường cũng đang ra sức dọn dẹp, rửa những lớp bùn đất bám lại sau lũ. “Đợt lũ trước đã khiến nhà trường thiệt hại gần 500 triệu đồng. Lần này cũng bị ngập gần 1m, thiết bị học tập còn sót lại trong đợt lũ trước giờ cũng bị hư hỏng hết rồi”, thầy Hoàng Quốc Nga, Hiệu trưởng nhà trường ngao ngán.
Cơn lũ vừa qua tại Quảng Bình đã làm 3 người chết và mất tích, 12 người bị thương. Trên 18.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều trường học, trạm y tế chìm trong nước, nhiều tuyến đường bị nước lũ làm hư hỏng. Sau cơn lũ, chính quyền địa phương và người dân đang cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Dưới đây là những hình ảnh Dân trí ghi lại sau cơn lũ:
Giáo viên các trường học nỗ lực khắc phục hậu quả sau cơn lũ
Một gia đình may mắn giữ được đàn gà an toàn.
Tiến Thành - Đặng Tài