1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hà Tĩnh:

“Dưới biển nước này là toàn bộ ngô bà con vừa gieo trồng...”

(Dân trí) - Chưa kịp vui mừng với số giống cứu trợ được cấp phát, hàng nghìn người dân tại vùng rốn lũ đã phải khóc ròng vì tiếp tục bị lũ cuốn sạch chỉ sau 1 ngày xuống giống.

Chủ tịch xã nấu cơm tiếp tế cho người dân

Ngày 2/11, do lượng mưa giảm từ chiều và tối qua nên tại các địa phương tại Hà Tĩnh bị ngập lụt sâu, nước đã rút dần. Đến sáng nay 3/11, toàn tỉnh còn 1.080 hộ dân ở 12 xã bị ngập.

Huyện Hương Khê còn 7 xã với 812 hộ bị ngập sâu từ 1-2m, Vũ Quang còn 2 xã với 40 hộ bị ngập, Cẩm Xuyên còn 3 xã bị ngập với 228 hộ ngập từ 0,5-1m.

Nước lũ rút chậm, trên con đường từ vào vùng Đông Hải thuộc xã Gia Phố (huyện Hương Khê) vẫn chìm trong biển nước. Một số, cột mốc, rào chắn cũng bị nước lũ cuốn phăng ra sông. Đường vào Gia Phố chỉ có thể di chuyển bằng thuyền đò.

Mặc dù nước đã rút nhưng con đường vào các xóm vẫn mênh mông biển nước. Chỗ thấp nhất khoảng 20cm, chỗ cao nhất hơn 1m. Những vệt nước lũ mới cũ chồng lên nhau trên các bức tường, cửa sổ. Cuộc sống người dân vốn đã quen cảnh sống chung với lũ nhưng cũng phải mệt mỏi, rệu rã với 4 cơn lũ lớn nhỏ ập vào chỉ trong vòng 1 tháng.

Những ngôi nhà nước đã rút, bùn đất vàng bóng nhầy nhụa khắp nơi. Từ ngoài sân đến tận trong phòng ngủ. Bà Nguyễn Thị Hữu (70 tuổi, xóm 10) mệt mỏi nhìn những lớp bùn đất đặc quánh: "Sức mô mà dọn nữa, giờ chỉ nhìn thấy thôi cũng mệt rồi”.

“Dưới biển nước này là toàn bộ ngô bà con vừa gieo trồng...” - 2


Những lớp bùn nhầy nhụa sau khi nước rút

Những lớp bùn nhầy nhụa sau khi nước rút

Khu vực Cồn Đảo (xóm 10) vẫn tách biệt với các nơi khác như một ốc đảo. Hơn 14 hộ dân bị nước bủa vây tứ bề.

Ngôi nhà xiêu vẹo của bà Võ Thị Khang (56 tuổi) chỉ chực chờ một trận gió lớn là sẽ bị thổi bay. Chồng bà mất sớm, lũ trước lũ sau một mình bà loay hoay với lũ. Trên cái chạn lụp xụp, ngổn ngang đồ đạc, chó mèo, gà vịt là chỗ sinh sống của bà Khang trong 3 ngày qua

“May mà nhờ mấy thùng mì cứu trợ với mấy bữa cơm của chính quyền xã đi tiếp tế không thì cũng không biết sống răng nữa”, bà cho biết.

Chìa chiếc rổ với mấy cọng rau, bà khoe: “Hôm nay được cho một ít rau với ít tóp mỡ, mừng hết cỡ”.

“Dưới biển nước này là toàn bộ ngô bà con vừa gieo trồng...” - 5

Những ngày qua bà Khang phải sống trên chạn nhờ vào mì tôm và cơm tiếp tế của chính quyền xã
Những ngày qua bà Khang phải sống trên chạn nhờ vào mì tôm và cơm tiếp tế của chính quyền xã

Chút thức ăn này cũng khiến bà Khang mừng rỡ trong những ngày này
Chút thức ăn này cũng khiến bà Khang mừng rỡ trong những ngày này

Thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Bích (Chủ tịch UBND xã Gia Phố), ngày 1/11, toàn xã có 650 hộ ngập từ 0,2 - 1,5m. Đến thời điểm hiện nay, nước lũ rút chậm vẫn còn 300 hộ dân đang bị ngập. Từ xóm 10 đến xóm 14, vẫn đang bị cô lập hoàn toàn thành ốc đảo. Trong ngày hôm qua và hôm nay, Chủ tịch xã và một số cán bộ đã nấu ăn để tiếp tế lương thực cho hơn 100 hộ dân là người già, người neo đơn, người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn...

Vừa xuống giống đã mất trắng

Ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê - chia sẻ: “Toàn huyện có 75 ha ngô vụ Đông vừa xuống giống đã bị nước lũ cuốn trôi, tập trung tại các xã như Gia Phố, Phú Gia, Hương Thủy, Lộc Yên. Số giống này được tỉnh cấp cho người dân khôi phục sản xuất sau lũ”.

Tại xã Gia Phố, hơn 4ha ngô vụ đông vừa mới gieo đã chìm trong nước lũ. Do mưa lũ dồn dập nên vụ Đông, người dân không thể kịp để sản xuất cứu đói. UBND tỉnh đã cấp một số ngô giống hỗ trợ bà con gieo trồng sau khi lũ rút.

Số ngô vừa xuống giống một ngày đã chìm trong nước lũ
Số ngô vừa xuống giống một ngày đã chìm trong nước lũ

Chưa kịp vui mừng, bao nhiêu công sức cày bừa, gieo trỉa đã bị vùi trong nước lũ chỉ sau 1 ngày xuống giống. “Dưới biển nước này là toàn bộ ngô bà con vừa gieo trồng đây. Người thì không nói nhưng trâu bò không biết sẽ ăn gì. Mà tiền mua thức ăn thì lấy mô ra mà đủ”, anh Toàn (30 tuổi, xóm 10) chỉ tay cho chúng tôi thấy.

Ông Nguyễn Ngọc Bích cho hay: “Các công trình giao thông, đồ đạc người dân chủ yếu hư hỏng do đợt lũ trước nên đợt lũ này cũng không có nhiều để mà hư hỏng nữa. Tuy nhiên xót nhất là số giống vừa gieo trồng. Nguy cơ thiếu đói và thức ăn cho gia súc của người dân cũng rất đang lo ngại”.

Tại xã Lộc Yên (huyện Hương Khê), nhiều người dân cũng đang phải khóc ròng vì mất trắng hoa màu theo lũ.

Lũ vừa rút, mặc dù tài sản trôi theo dòng nước lũ, nhiều thứ còn ngổn ngang chưa kịp dọn nhưng nông dân vẫn ra đồng gieo vụ mới.

“Sau khi nước lũ đợt trước rút, xã cấp giống để người dân gieo vụ đông cho kịp. Toàn xã có hơn 3ha ngô vừa xuống giống được một ngày thì bị đợt lũ mới san phẳng cả. Giờ không kịp sản xuất vụ đông cứu đói nữa, người dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch xã Lộc Yên chia sẻ.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm