1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân Quảng Bình mong muốn có Đại lộ Võ Nguyên Giáp

(Dân trí) - Cách đây 50 năm, TP Đồng Hới mới chỉ là một khu phố nhỏ nhưng đã có con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 2,5 km chạy giữa khu vực trung tâm. Sau đó do nhiều nguyên nhân, con đường này đã được thay tên.

Lần theo thông tin từ một cụ cao niên cung cấp, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Trọng Bính, người từng nghiên cứu về Đồng Hới xưa và vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu, trong đó có tấm bản đồ địa chính của hơn 50 năm trước, ghi lại những địa chỉ thời chiến tranh.

Ông Bính lấy cho chúng tôi xem tấm bản đồ thời đó, ông nói: “Trước đây, khoảng năm 1954 - 1955, Đồng Hới mới chỉ là khu phố gồm 4 khu vực: Đông Hải, Đông Đình, Đồng Phú, Đồng Mỹ và một xã Bảo Ninh. Đường Võ Nguyên Giáp xưa kia đi qua 4 khu vực trung tâm bắt đầu từ Đồng Phú (Bắc) đến Cầu Dài (Nam) dài 2,5km.

Đường Võ Nguyên Giáp trước đây là một trục đường chính dài 2,5km (
Đường Võ Nguyên Giáp trước đây là một trục đường chính dài 2,5km (Tấm bản đồ thị xã Đồng Hới được vẽ năm 1960)

Chiếu theo tấm bản đồ được vẽ năm 1960 thì hiện nay, đường Võ Nguyên Giáp có điểm đầu là cầu Hải Thành (Ban Quản lý các khu kinh tế) đến Bắc cầu Dài; chính là đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Hùng Vương và một phần đường Thanh Niên (TP Đồng Hới) ngày nay.

Theo ông Bính, hồi đó trên đường cũng có nhiều cơ quan lớn như bưu điện tỉnh, quảng trường, trụ sở… Hiện nay vẫn còn bưu điện tỉnh của gần 60 năm trước, Quảng trường TP Đồng Hới, UBND tỉnh cùng nhiều sở, ngành cũng được xây dựng mới hoặc chỉnh trang lại khiến tuyến đường trở nên khang trang, đúng với vai trò tuyến phố chính của trung tâm của thành phố.

Hình ảnh cửa Đông thành Đồng Hới do ông Bính sưu tầm và in trong sách
Hình ảnh cửa Đông thành Đồng Hới do ông Bính sưu tầm và in trong sách

Sau này khi quy hoạch xây dựng thị xã Đồng Hới, đường Võ Nguyên Giáp đã được thay tên thành 3 tuyến phố chính chạy qua trung tâm là Lý Thường Kiệt, Hùng Vương và Quang Trung. Phố Đông Hải và Đông Đình cũng được nhập thành phường Hải Đình hiện nay.
 
Ông Nguyễn Hữu Huy sống tại phường Hải Đình cũng đã từng biết đến con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cho biết, ngôi nhà này xưa kia là của ông bà, sau chiến tranh ông về ở tại đây. Hòa bình lập lại năm 1954, thị xã Đồng Hới khi đó đặt lại tên đường cho trung tâm thị xã. Khu vực phía Nam Thành Đồng Hới có các khu phố Trung, Nam và Bắc. Phía trên có trục QL 1A đi qua kéo dài đến khu vực Cầu Dài mang tên đường Võ Nguyên Giáp. Cho đến năm 1965, nơi đây bị chiến tranh tàn phá. Đến 1976, khu vực này vẫn không có dân ở. Đến năm 1989, khi tiến hành tái lập tỉnh Bình Trị Thiên, dân và cán bộ ở Huế ra sinh sống. Mãi tới 4/8/1992 các tên đường mới được đặt lại và đường Thanh Niên có một đầu nối vào đường Võ Nguyên Giáp xưa kia. Ông Huy và nhiều người dân khác cũng đề đạt nguyện vọng muốn có Đại lộ Võ Nguyên Giáp mới xứng đáng với những gì Đại tướng đã cống hiến cho đất nước. 

Trao đổi với chúng tôi về việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình, một vị lãnh đạo tỉnh này khẳng định: "Chắc chắn Quảng Bình sẽ có đường mang tên Võ Nguyên Giáp. Tỉnh đang xem xét việc tìm một tuyến đường trục chính, có tầm cỡ, quan trọng để đặt tên Người. Bởi Đại tướng không chỉ là người anh hùng, vị tướng của nhân dân Việt Nam mà còn của cả thế giới".

Hiện ở TP Đồng Hới đang có hai đường phố lớn chờ được đặt tên. Đó là con đường rộng 36m, dài hơn 1km ở phường Đức Ninh Đông và con đường rộng 60m, dài hơn 3km ở xã Bảo Ninh. Tại huyện Lệ Thủy cũng có con đường dẫn về nhà lưu niệm Đại tướng và nhân dân vẫn thường gọi là đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đăng Đức - Đặng Tài