1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân phải tự phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm

Thế Kha

(Dân trí) - Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm chính gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vừa ký văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường.

"Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt" của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Người dân phải tự phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm - 1

Hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường kèm theo văn bản của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn này để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định.

Trong đó lưu ý việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu.

Không phân loại rác bị phạt 1 triệu đồng

Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021) quy định, xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.

Nghị định 45 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của luật; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

Người dân phải tự phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm - 2

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương phân loại thành 3 nhóm chất thải chính, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

"Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31/12/2024", lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) để được hướng dẫn kịp thời hoặc xem xét, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

Quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải

Hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Trong đó quy định, nội dung yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thông tư 02/2022 cũng quy định về hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi kết thúc hoạt động.