Người đàn ông tâm thần ở Hà Nội nhiều năm bị đổ rác trước nhà
(Dân trí) - Kể từ khi mẹ mất, ngôi nhà của anh Phạm Tiến Lên (hay còn gọi là anh Đức, SN 1969) như mất đi “linh hồn”. Anh Lên hiện sống một mình, bệnh tâm thần ngày càng trầm trọng. Từ nhiều năm nay, căn nhà nhỏ xập xệ của anh tại ngõ 396 phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội đã bị những người dân thiếu ý thức biến thành nơi tập kết rác thải.
Bới rác tìm cái ăn, tìm báo để đọc
Cuộc sống của người đàn ông tâm thần trong "căn nhà rác" ở Hà Nội
Chiều ngày 31/7, PV Dân trí tới thăm anh Lên. Trước mặt chúng tôi là hình ảnh một người đàn ông đang nằm lặng lẽ trong nhà tối om, bề bộn, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, ẩm thấp và tràn ngập rác thải.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Thu, là hàng xóm của anh Lên cho biết, anh vốn sinh ra trong một gia đình rất khá giả ở phố Trương Định. Nhưng cuộc đời anh u tối kể từ khi anh phát bệnh tâm thần vào năm 22 tuổi, sau khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Gia đình anh Lên có 9 người anh em, anh ở cùng mẹ trong căn nhà nhỏ khoảng 18m2 ở ngõ 396 Trương Định. Sau khi mẹ mất, anh sống lủi thủi một mình, bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Hàng ngày vào buổi sáng, anh ra khỏi nhà đi lang thang khắp xóm. Đến trưa, chiều lại quay về căn nhà đầy rác, nhặt nhạnh thức ăn trong đống rác mà những người thiếu ý thức mang đến đổ quanh nhà mình.
Đặc biệt anh Lên có sở thích đọc báo. Anh rất hay bới tìm những tờ báo cũ trong đống rác trước nhà mình để đọc.
Anh Lên rất thích đọc báo, dù bị bệnh song anh sống hiền lành và không phá phách ai bao giờ.
Hàng xóm cho biết, kể từ khi mẹ anh qua đời, ai đi ngang qua ngôi nhà cũng chỉ thấy nhìn hình ảnh người đàn ông đầu bù tóc rối, nhem nhuốc, nằm co quắp đơn độc trên phản cũ nát. Không thấy người thân nào khác tới thăm anh!
Thi thoảng, vài người hàng xóm thương tình mua cho anh mấy cái bánh, gói mì tôm... Người dân nơi đây cho biết anh rất lành và không phá phách ai bao giờ.
Đổ rác vào nhà người tâm thần?
Ông Lương Văn Hùng, 47 tuổi, là hàng xóm với anh Lên, cho biết, địa điểm trước nhà anh Lên vốn không phải là nơi tập kết rác. Nhưng nhiều năm nay, người dân thiếu ý thức thấy anh bệnh tật nên vẫn cố tình xả rác bừa bãi ra đó. Ông Hùng cho rằng thành phần này chủ yếu là các sinh viên thuê trọ và những người đi làm đêm về muộn, đem rác ra đó vứt.
Hàng xóm nơi đây phần vì thương anh Lên, phần vì muốn bảo vệ môi trường sống của cả ngõ nên đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không dẹp được bãi rác này.
Hình ảnh bên trong ngôi nhà nhỏ xập xệ của người đàn ông bất hạnh.
Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hà, Tổ trưởng tổ dân phố 38. Ông Hà cho biết: “Gia cảnh của anh Lên thực sự rất đáng thương. Trước đây anh ấy là một người tốt tính nhưng không hiểu sao từ khi đi bộ đội về (năm 1990) anh ấy bỗng phát bệnh, thơ thẩn suốt ngày.
Khi mới phát bệnh, người nhà đã nhiều lần đưa anh đi chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Từ khi mẹ anh mất, bệnh tình của anh ngày một nặng hơn. Không người dọn dẹp, chăm sóc nên ngôi nhà anh đang sống càng trở nên nhếch nhác, hôi thối.
Chúng tôi cũng đã rất quan tâm đến trường hợp này của anh Lên. Vừa qua Tổ dân phố và Bí thư chi bộ có vào nhà người anh trai thứ 2 của anh Lên để nói chuyện, yêu cầu anh em họ hàng chung tay giúp đỡ cho anh Lên bớt khổ".
Cũng theo ông Hà, Tổ dân phố cũng đã đề xuất với phường giúp đỡ cho anh Lên được chữa bệnh.
Còn về chuyện đống rác trước cửa nhà anh Lên, ông Hà cho biết đã đưa ra rất nhiều biện pháp nhưng cuối cùng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng này (!). "Treo cả biển phạt tiền mà họ vẫn cứ tiếp tục ném rác”, ông Hà nói.
Trần Thanh