Người đàn ông cả đời chỉ nuôi con thiên hạ
(Dân trí) - Không máu mủ ruột rà, không bà con thân thích, trên mỗi cuộc hành trình, gặp bất cứ đứa trẻ mồ côi nào, ông lại đưa về ngôi nhà sàn nhỏ cheo leo trên dãy Trường Sơn nuôi dưỡng. Tình phụ tử như cổ tích của ông đã lay động cả núi rừng Trường Sơn...
Cha Việt nuôi con Lào
Ông Hồ Mơ là người dân tộc Pa Cô, ở bản Prin, A Dơi, Hướng Hóa, Quảng Trị nhưng quê hương của ông vốn tận bên đất Lào. Những ngày kháng chiến chống Pháp, bản làng ông bị tàn phá tan hoang. Không còn bà con thân thích mà lòng thì căm thù giặc lúc nào cũng như lửa đốt. Ông quyết định băng rừng Trường Sơn, vượt biên giới qua Việt Nam mong được cầm cây súng đánh giặc, “vì nghe nói bộ đội Việt Nam đánh Pháp giỏi lắm”.
Rồi ông gắn bó luôn với núi rừng Việt Nam từ đó. Tuy đã là người Việt, nói tiếng Việt, nhưng lâu lâu ông lại vượt rừng trở về bản cũ bên đất Lào thăm lại tổ tiên. Mỗi lần trở về, ông tay ôm tay bế theo một vài đứa trẻ còn đỏ hỏn, xác xơ. Dân bản hỏi, ông trả lời cụt lủn: “Con tao đó”, rồi ông lặng lẽ nuôi nấng đám trẻ trưởng thành.
Cái duyên của tình phụ tử nhiều khi đến thật bất ngờ. Một ngày đầu những năm 70, khi cuộc chiến chống Mỹ vào hồi quyết liệt nhất, ông Mơ tất tả xách súng băng rừng trở lại Việt Nam tìm đơn vị cũ. Qua bản Tả Muôi (một bản người Pacô trên đất Lào), một khung cảnh tan hoang hiện ra ngay trước mắt. Những ngôi nhà đã bị bom Mỹ cày nát, người chết la liệt chất chồng lên nhau.
Chôn cất cho người chết xong, định cất bước lên đường đi tiếp thì từ căn bếp của một ngôi nhà tranh đã ngã sập, một tiếng khóc thủ thỉ, yếu ớt làm ông dừng bước. Cha mẹ đều chết vì bom, đứa bé mới còn đỏ hỏn, không quần áo, mình mẩy lem luốc, đói khát. Ông nghĩ: “Người Lào cũng như người Việt, anh em mình cả, có lẽ đây là cái duyên Giàng (trời) ban cho mình”. Thế là ông bồng đứa bé về nuôi.
Vợ ông mất sớm, thật khó để tả hết những vất vả của người cha “bất đắc dĩ” ấy. Thằng bé đói sữa mẹ khóc suốt. Ông tất tả bồng con chạy khắp bản xin sữa cho con bú, nhiều khi không có sữa, ông đành nấu củ sắn trên rừng, đút từng miếng nhỏ vào miệng con.
Hồ Văn Thố, đứa trẻ năm ấy, nay đã hơn 30 tuổi và đã có gia đình. Đứa con “đầu lòng” ấy là sự bắt đầu cho cái “duyên làm cha” của những mảnh đời bị bỏ rơi của ông.
Hơn ba mươi năm sau (năm 2006), cái chân của một ông già 70 tuổi đã mỏi, nhưng nỗi nhớ quê cũ lại thôi thúc ông trở lại bản xưa. Dường như cái duyên làm cha của những đứa con “ngoài biên giới” vẫn chưa hết. Trên đường trở về đất Việt, tiếng khóc nỉ non lại níu chân ông. Bản Tả Hùn (thuộc Lào) trải qua một trận dịch bệnh khủng khiếp, những ngôi nhà sàn liêu xiêu, nồi xoong chỏng chơ.
Dân bản phần chết bệnh, vì đói, phần bỏ đi gần hết. Trong một căn lều cuối bản, hai đứa trẻ mình mẩy chốc lở, đói khát rên rỉ đến khản cả giọng. Ông lại dang tay bồng bế chúng về đất Việt chữa bệnh. Để níu kéo được mạng sống của hai đứa nhỏ, ông đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Bây giờ, cả hai chị em Hồ Thị Tun (7 tuổi) và Hồ Văn Tiếm (3 tuổi) đều đã khỏe mạnh.
Ngoài những lần “tình cờ” làm cha của những đứa trẻ ngoài biên giới, ông còn chủ động nhận con nuôi. Khoảng hơn mười năm trước, ở một bản người Pacô thuộc xã A Xing, Hướng Hóa, có hai vợ chồng bị bệnh chết. Theo tục của người Pacô, đứa trẻ sơ sinh phải được chôn cùng cha mẹ; nghe tin, ông tất tả chạy đến xin luôn đứa bé về làm con.
“Tính cả “tình cờ” và “không tình cờ”, đến nay bố (cách xưng thân mật của người Pacô) đã làm cha nuôi được hơn mười lần rồi, Giàng cho bố nhiều con thay vì nhiều của đó”, ông Mơ phấn khởi khoe.
Tình phụ tử lay động cả núi rừng!
“A Pa (tiếng người Pacô gọi bố thân mật), con nhớ mẹ!” - Hồ Thị Phong (3 tuổi) đứa con gái bố Mơ “nhặt được” cách đây một năm ở Patầng đang ốm nằm trên sàn, vừa thấy bố Mơ về đã níu áo thì thầm, từng giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nghe tiếng con khóc, bố Mơ thả vội chiếc gùi xuống, chạy vào dỗ dành: “Có bố đây mà! Bố thương con mà! Bố mua kẹo cho con này”. Ông đỡ đứa con gái bé bỏng dậy đặt vào giữa vòng tay vừa âu yếm, vừa bóc bịch kẹo mua sẵn cho con ăn. Không cần chú ý đến việc nhà đang có khách. “Chú ngồi chơi đã nghe, tôi chạy đi mua thêm thuốc cho con Phong cái đã. Tội nghiệp không hiểu sao mấy hôm nay nó khóc đòi mẹ hoài đến phát ốm. Chắc nó nhớ mẹ quá đó mà”.
Đến bây giờ, ông Mơ đã có tất cả mười đứa con nuôi (6 gái, 4 trai). Không như tục cũ của người Pacô, con gái hay con trai ông đều thương đều quý. Nuôi con thiên hạ đã hơn ba mươi năm nay nhưng chưa một ngày ông than thở mà luôn coi đó là hạnh phúc của Giàng ban. Trong ngôi nhà sàn cheo leo trên đỉnh Trường Sơn bây giờ chỉ còn lại ông Mơ hơn 70 tuổi cùng 3 đứa con còn nhỏ dại. Bảy đứa lớn đã đi lấy vợ lấy chồng.
Ngày các con lập gia đình, bố Mơ chỉ nói với con duy nhất một câu: “Bố nuôi mày lớn rồi, bây giờ mày phải tự làm ăn mà nuôi gia đình, không được để con cái đói khổ, không cần phải về thăm, bố cũng mừng rồi”.
Nói thì nói thế chứ khi tiễn con đi là ông lại rơi nước mắt. Giọt nước mắt của một người cha không sinh thành nhưng có công dưỡng dục như trời biển, làm lây động cả núi rừng Trường Sơn.
Mấy năm trước, khi cái chữ chưa về tới xã, mấy đứa con ông không được học chữ. Sau này, dù không có nhiều tiền của nhưng ông quyết cho đi học, dù có phải đưa con qua mấy chặng rừng. “Cho hắn biết cái chữ của Bác Hồ để sau ni lớn mà làm ăn, chứ không thì cũng nghèo khó với nương rẫy cả thôi”.
Lê Ngọc Bảo