1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người đàn ông 10 năm bị nhốt trong chuồng

(Dân trí) - Suốt từ năm 1998 đến nay, ông Hủn Vi Lý (SN 1959), ở bản Thắm, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, bị nhốt trong một chiếc chuồng như chuồng lợn, làm bằng gỗ, mái lợp proximăng và bạt dứa…

Ông Lý sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. Năm 1977, ông Lý từng chiến đấu ở chiến trường K, năm 1979, ông tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Năm 1981, ông Lý ra quân về địa phương lấy vợ, sinh con. Được một thời gian thì ông phát bệnh tâm thần. Dù được gia đình đưa đi điều trị nhiều nơi nhưng bệnh ông không thuyên giảm. Cuối cùng, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình đành đưa ông về nhà tự chữa trị. 

 

Đến năm 1998, ông luôn trong tình trạng lúc mê lúc tỉnh; gia đình vốn đã khó khăn càng thêm thống khổ. Người vợ không chịu nổi đã đem con bỏ nhà đi. Từ đó ông Lý ở với người anh trai Hủn Vi Liên.

 

Bệnh ông ngày càng nặng, cứ lên cơn là ông lại bỏ nhà đi lang thang, nói năng lảm nhảm, gây phiền nhiễu cho gia đình và hàng xóm. Không có điều kiện đưa em đi chạy chữa hay trông nom chăm sóc, người anh trai đành làm cho em một “căn nhà riêng” để xóm làng khỏi phàn nàn.

 

“Ngôi nhà” của ông Lý được làm từ những khúc gỗ thô kệch, dài khoảng 2m, rộng hơn 1m, cao 1,5m; mái lợp tạm bợ bằng tấm lợp và đa phần là bạt dứa; xung quanh trống huơ trống hoác. “Nhà” được đặt trong vườn, giáp với chân núi, cách nhà ông Liên khoảng 500m. 

 

Kể từ đó, ông Lý sống cách ly với mọi người xung quanh. Chuyện cơm nước, sinh hoạt đều được anh em của ông Lý cắt cử thay phiên nhau đến… tiếp tế. Đồ dùng của ông quanh năm chỉ có bộ quần áo cũ và tấm chăn chiên mỏng, những ngày giá rét quả là cực hình với ông.

 

Người đàn ông 10 năm bị nhốt trong chuồng  - 1

"Ngôi nhà" của ông Lý nằm dưới chân núi.

 

Vài năm gần đây, ông Lý được vợ chồng anh Hủn Vi Tuấn, con trai ông Hủn Vi Liên,  chăm sóc. Do gia đình anh Tuấn khó khăn nên việc chăm sóc cho ông cũng rất vất vả. Bữa ăn của ông thường chỉ có một bát cơm với vài hạt muối trắng, thi thoảng lắm mới có chút thức ăn “cải thiện”.

 

Ông Lý năm nay mới gần 50 tuổi nhưng cơ thể tong teo, già cỗi; đôi mắt lờ đờ dại, bộ quần áo muôn đời không thay bốc mùi nồng nặc. Bao nhiêu năm nay, ông cứ ngồi co ro trong căn chuồng dưới chân núi, chịu bao tủi nhục, khổ cực.

 

Nhiều người dân trong xóm nhìn ông mà cảm thương, có những hôm mưa bão vần vũ, nhìn ông nằm co ro với tấm chăn mỏng, nhiều người nghĩ ông đã chết. Nhưng gia đình nghèo, vì sự an toàn của gia đình và dân làng, họ đành cứ để mặc ông ở đó.

 

Tôi đến gần “nhà” ông, ông Lý lảm nhảm câu gì không rõ, nhưng vẻ mặt tỏ rõ sự vui mừng. Tôi đưa ông bao thuốc lá, ông cầm lấy, nhìn kỹ hồi lâu rồi lấy một điếu ra xin lửa châm hút. Ông rít một hơi rồi chầm chậm nhả khói thuốc, như một người tinh khôn.

 

Mong sao chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ, để người cựu chiến binh ấy, trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, không phải sống chui rúc khốn khổ trong chuồng như loài vật…

 

Bài và ảnh: N. Duy - H. Anh