1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Người dân nhờ "thần đèn" di dời nhà, nhường đất cho cao tốc Bắc - Nam

Tiến Thành

(Dân trí) - Không muốn đập bỏ căn nhà mới xây, nhiều hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đã nhờ "thần đèn" hỗ trợ di dời nhà đi chỗ khác.

Anh Trần Bá Đàn (43 tuổi), trú tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, xây dựng ngôi nhà khang trang vào năm 2021, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng.

Vào nhà mới chưa được bao lâu, đầu năm 2022, anh Đàn nhận thông báo căn nhà nằm trong diện giải tỏa để làm dự án cao tốc Bắc - Nam.

Mặc dù rất ủng hộ chủ trương làm cao tốc, chấp hành các yêu cầu về việc giải phóng mặt bằng, nhưng anh Đàn hết sức tiếc nuối trước việc phải đập bỏ ngôi nhà.

Người dân nhờ thần đèn di dời nhà, nhường đất cho cao tốc Bắc - Nam - 1

Ngôi nhà của gia đình anh Trần Bá Đàn được di dời đến vị trí mới (Ảnh: Tiến Thành).

Cách đây mấy tháng, anh Đàn tìm hiểu qua mạng và biết đến "thần đèn" Huỳnh Văn Tài có thể di dời nhà từ vị trí này đến vị trí khác. Nhận thấy diện tích đất gia đình sau thu hồi còn nhiều, anh Đàn đã xin chính quyền địa phương để tái định cư tại chỗ và đã được đồng ý.

"Căn nhà của tôi nằm trong hành lang của cao tốc, buộc phải đập bỏ, tuy nhiên khi biết có thể di dời cả căn nhà, đất còn rộng nên tôi đã xin tái định cư tại chỗ. Tôi tìm hiểu và biết đến "thần đèn" Huỳnh Văn Tài và đã thuê nhóm của ông để di dời căn nhà cách vị trí ban đầu khoảng 50m", anh Đàn cho hay.

Theo anh Đàn, việc di dời nhà ở mà không phải đập bỏ có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn so với việc làm lại nhà mới, vừa rút ngắn thời gian để gia đình ổn định cuộc sống. Được biết, chi phí di dời ngôi nhà của gia đình anh Đàn khoảng 300 triệu, ít hơn rất nhiều so với việc xây nhà mới.

Người dân nhờ thần đèn di dời nhà, nhường đất cho cao tốc Bắc - Nam - 2

Thay vì đập bỏ, nhiều hộ dân tại Quảng Bình đã tìm đến "thần đèn" để di dời nhà nhường đất cho dự án (Ảnh: Tiến Thành).

Không chỉ gia đình anh Đàn, trong tháng 6, nhiều hộ dân ở thị trấn nông trường Việt Trung cũng tìm đến "thần đèn" để di dời nhà ở, nhường đất cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Cường, trú tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn nông trường Việt Trung cũng vừa được di dời đến vị trí mới cao ráo hơn. Ông Cường xây dựng căn nhà của mình cách đây gần 3 năm, tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Để có mặt bằng ở vị trí mới, ông Cường đã thuê máy san gạt, phá bỏ 150 gốc tiêu đang thời kỳ thu hoạch và thuê "thần đèn" đến di chuyển toàn bộ ngôi nhà.

Người dân nhờ thần đèn di dời nhà, nhường đất cho cao tốc Bắc - Nam - 3

Nhóm "thần đèn" triển khai di dời một căn nhà nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng cao tốc tại huyện Bố Trạch (Ảnh: Tiến Thành).

Ông Cường cho hay, thời gian di chuyển nhà mất khoảng một tháng, chi phí 500 triệu đồng bao gồm di dời nhà đến vị trí mới cách chỗ cũ 100m, nâng độ cao nền nhà và xoay hướng của ngôi nhà.

"Việc di dời ngôi nhà đến vị trí mới diễn ra thuận lợi, rút ngắn được thời gian hơn so với chờ đợi khu tái định cư hoàn thành và thời gian chờ xây nhà mới. Kết cấu nhà vẫn giữ nguyên, sau khi di dời, nhóm thợ còn gia cố gấp đôi số trụ để nền móng kiên cố hơn. Đây là phương án tối ưu, thay vì đập bỏ nhà một cách lãng phí", ông Cường nói.

Hiện tại, nhóm thợ của "thần đèn" đang tất bật để hoàn tất việc di dời ngôi nhà cuối cùng tại huyện Bố Trạch. 

"Thần đèn" Huỳnh Văn Tài cho biết, để di dời một ngôi nhà, trước tiên đội thợ sẽ cắt toàn bộ trụ móng, dùng kích thủy lực tôn cao ngôi nhà lên khỏi mặt đất rồi đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào.

Thợ sẽ sử dụng gỗ làm bàn mạt, xếp con lăn thực hiện việc di chuyển ngôi nhà. Nhóm thợ sử dụng máy tuy-ô thủy lực để giảm sức kéo của con người, đảm bảo lực kéo đồng đều ở các vị trí. Cái khó nhất là phải đảm bảo tuyệt đối chính xác vị trí phần chân của ngôi nhà với phần móng mới sẽ chuyển đến.

Trong quá trình kéo, các công nhân phải liên tục gia cố, kiểm tra gỗ chèn dưới các trụ nhà và các con lăn. Việc di dời những ngôi nhà này đến vị trí mới vẫn đảm bảo kết cấu công trình, giữ nguyên được hiện trạng ngôi nhà mà giá thành rẻ hơn rất nhiều so với việc xây nhà mới.

"Ở đây, các hộ dân chỉ di dời nhà lùi khoảng 50-100m so với vị trí cũ nên giá không cao, kỹ thuật cũng không đòi hỏi phức tạp gì. Nếu đập ngôi nhà đi rồi xây lại thì có thể tốn kém nhiều hơn so với việc di dời. Căn nhà chúng tôi di dời lâu nhất ở đây mất khoảng 50 ngày", ông Tài thông tin.

Người dân nhờ thần đèn di dời nhà, nhường đất cho cao tốc Bắc - Nam - 4

Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần, chiều dài hơn 126km.

Để bảo đảm mặt bằng thi công dự án, có 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư gồm di dời tái định cư và tái định cư tại chỗ. Tỉnh Quảng Bình đã và đang xây dựng 26 khu tái định cư để phục vụ người dân vùng ảnh hưởng của dự án ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh này đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện thi công ngày đêm để sớm hoàn thành khu tái định cư, bố trí tạm cư cho người dân trong thời gian chờ hoàn thiện các khu tái định cư.