Người dân lo lắng vì nhà máy nước sạch nằm gần nghĩa trang, cạnh nhà xác
(Dân trí) - Nhiều người dân ở thôn Đông Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) tỏ ra lo lắng vì nhà máy nước sạch Đan Phượng nằm sát khu xử lý nước thải, nhà xác của Bệnh viện huyện Đan Phượng và gần khu nghĩa trang của địa phương này.
Một số người dân sinh sống tại thôn Đông Khê, xã Đan Phượng (Đan Phượng - Hà Nội) cho biết, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về phổ cập nước sạch nông thôn, vài năm trở lại đây, người dân địa phương này đã bỏ ra số tiền ban đầu từ 1-3 triệu đồng cùng với Công ty TNHH Đầu tư nước sạch và Môi trường Đan Phượng lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ để đưa nước sạch sinh hoạt về dùng. Các hộ dân đều cho rằng, số tiền ban đầu họ bỏ ra không được phía công ty hoàn trả dần theo hàng tháng.
Thế nhưng, gần đây, người dân phát hiện nguồn nước sạch này không đảm bảo. Họ còn tỏ ra lo lắng khi nhà máy xử lý nước sạch của công ty trên nằm sát khu xử lý nước thải, nhà xác của Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng và cách nghĩa trang chôn cất theo kiểu truyền thống của địa phương một khoảng cách khá gần.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, Đan Phượng - Hà Nội) cho biết, hiện tại nhà ông có 3 nguồn nước để dùng cho sinh hoạt, gồm: nước mưa, nước giếng khoan và nước máy.
"Do nước máy của Công ty TNHH Đầu tư nước sạch và Môi trường Đan Phượng không đảm bảo nên đa phần người dân ở đây chỉ để dùng tắm giặt, rửa chân tay. Còn chúng tôi dùng nước mưa hoặc nước giếng khoan để nấu ăn. Có nghĩa là, nước máy là lựa chọn thứ 3 của gia đình đình tôi" - ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, nguồn nước sạch do Công ty TNHH Đầu tư nước sạch và Môi trường Đan Phượng là nguồn nước ngầm được bơm lên để xử lý. Do nhà máy xử lý nước sạch của công ty này nằm sát khu xử lý nước thải, nhà xác của Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng và cách khu nghĩa trang địa phương một khoảng cách khá gần nên nhiều người lắng nguồn nước ngầm sẽ không đảm bảo.
Nhà máy nước sạch nằm sát khu xử lý nước thải, nhà xác của Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng và khá gần nghĩa trang của địa phương.
Bể lắng của nhà máy nước Đan Phượng chỉ cách khu xử lý nước thải, nhà xác của Bệnh viên đa khoa huyện Đan Phượng một bức tường.
Giống như ông Thắng, gia đình ông Nguyễn Văn Nho (cùng địa chỉ với ông Thắng) cũng chuẩn bị 3 nguồn nước để sinh hoạt và nước máy chỉ để tắm giặt, rửa chân tay.
Phiếu kết quả xét nghiệm mẫu nước của người dân tự mang đi xét nghiệm cho thấy nhiều chỉ tiêu cao hơn giới hạn cho phép.
Lo lắng nguồn nước máy mất tiền mua không đảm bảo, gần đây, một số hộ dân ở thôn Đông Khê đã mang mẫu nước đi xét nghiệm độc lập tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Sở Y tế Hà Nội và cho kết quả các chỉ số không đạt theo giới hạn cho phép, như: Nitrit và Pecmanganat cao gấp 2 lần giới hạn cho phép; đặc biệt chỉ số Asen cao gấp 3 lần giới hạn cho phép; chỉ tiêu Coliforms rất cao dẫn tới kết luận là "mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống về phương diện vi sinh vật (theo QCVN 01:2009/BYT).
Bên trong nhà máy nước Đan Phượng ngổn ngang như một công trường.
Liên quan đến nội dung trên, sáng 30/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, xã đã nắm được thông tin người dân phản ánh về nguồn nước máy trên địa bàn không đảm bảo vệ sinh và cũng đã kiến nghị tới các ngành chức năng, Công ty TNHH Đầu tư nước sạch và Môi trường Đan Phượng để có biện pháp khắc phục.
Nguyễn Dương