1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Người dân khốn khổ vì “giặc” mọt mì

(Dân trí) - Nhiều tháng qua, gần 500 hộ dân xóm 4 và 5, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn, Bình Định) khốn khổ vì bị mọt mì (sắn) phát sinh từ các kho chứa mì lát của các doanh nghiệp đóng tại Khu Công nghiệp Long Mỹ “tấn công”.

Người dân khốn khổ vì bị mọt mì tấn công

Sống chung với mọt mì

Theo người dân của hai xóm 4 và xóm 5, thôn Thanh Long phản ánh, tình trạng mọt mì “tấn công” người dân đã diễn ra từ hơn 2 tháng qua, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh đến ngành chức năng, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Ghi nhận của PV Dân trí, khoảng 18h00, ngày 17/6, tại khu vực xóm 5, thôn Thanh Long xuất hiện tình trạng mọt mì khắp nơi. Mọt mì đã gây nhiều phiền toái rất nhiều đến hoạt động đời sống thường ngày, chúng bám vào người, đồ ăn, thức uống, thậm chí còn cắn, khiến không ít người khốn khổ vì rất ngứa.

Đặc biệt, khu vực gần các nhà máy mì, tình trạng tỏ ra nghiêm trọng hơn, khiến người đi đường phải đeo kính, hoặc vừa lái xe máy một tay vừa che mắt để mọt mì khỏi bay vào mắt...

Trò chuyện với PV Dân trí nhưng ông Long vừa nói vừa lấy tay để đuổi mọt bám vào người
Trò chuyện với PV Dân trí nhưng ông Long vừa nói vừa lấy tay để đuổi mọt bám vào người

Ông Nguyễn Kim Long (70 tuổi, trú xóm 5, thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ), cho biết: “Thường khi trời mát khoảng từ 17-18h mỗi ngày, mọt mì bay ra khắp nơi. Chúng sà vào thức ăn, nước uống, bám và cắn người... Đi ra đường thì phải đeo kính, vì nếu không, mọt bay vào mắt rất cay".

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Cang (38 tuổi, người dân xóm 4, thôn Thanh Long) bức xúc: “Cứ tới mùa mì, các doanh nghiệp thu mua về chứa trong trong kho, để lâu ngày mì sinh ra mọt. Nhưng khác với mọt lúa gạo, mọt mì nhỏ nhưng cắn người rất ngứa, khó chịu. Người lớn còn biết cách tránh mọt, chứ trẻ con thì chỉ có nước để cho chúng cắn mà thôi. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND xã Phước Mỹ nhiều lần, sau đó các công ty có phun thuốc diệt mọt, nhưng vài ba hôm, đâu lại vào đó. Nếu các ngành chức năng không có biện pháp xử lý cứng rắn đối với các doanh nghiệp này thì người dân còn phải sống chung với "giặc" mọt mì dài dài”.


Mọt bu vào cơm, nên có lúc người dân phải mắc mùng để ăn cơm

Mọt bu vào cơm, nên có lúc người dân phải mắc mùng để ăn cơm

Ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng thôn Thanh Long phàn nàn: “Dù người dân đã khiếu kiện lâu nay, nhưng lãnh đạo các công ty đều tỏ ra thiếu trách nhiệm, trước thực trạng này".

Kiên quyết xử lý

Theo ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn), hiện có gần 500 hộ dân sinh sống ở xóm 4, xóm 5, thôn Thanh Long đang nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi nạn mọt mì phát tán từ các kho chứa mì lát của 4 doanh nghiệp là Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, DNTN Phú Lợi, Công ty TNHH MTV Sáng tạo Á Châu và Công ty CP Xuất khẩu Trung Hưng Kon Tum.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, 4 doanh nghiệp trên đăng ký kinh hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đầu tư máy móc để hoạt động, mà làm nhà xưởng để chứa mì lát. Theo đó, trong quá trình lưu kho, các doanh nghiệp không thực hiện việc phun thuốc sát trùng, khử trùng, đã khiến phát sinh mọt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Mọt mì (sắn) bay vào mắt người đi đường
Mọt mì (sắn) bay vào mắt người đi đường

“Sau khi nhận phản ánh, chúng tôi đã cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế. Đồng thời, làm báo cáo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định (BQL KKT), bởi các doanh nghiệp này thuộc sự quản lý của BQL KKT tỉnh. Hiện nay, nạn mọt mì phát tán ra khu dân cư rất nhiều, tôi đề nghị các doanh nghiệp này phải xử lý dứt điểm tình trạng côn trùng phát sinh. Bên cạnh đó, địa phương kiến nghị BQL KKT, Sở TN-MT cần vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để hiện tượng này đảm bảo cuộc sống, sức khỏe cho bà con”- ông Thi cho hay.

Theo ông Ngô Văn Tổng, Phó trưởng BQL KTT tỉnh Bình Định, tháng 4 vừa qua, BQL KKT tiến hành kiểm tra hiện trường và đã phát hiện Tổng công ty lương thực miền Bắc, DNTN Phú Lợi, Công ty TNHH MTV sáng tạo Á Châu, Công ty cổ phần xuất khẩu Trung Hưng Kon Tum chứa mì lát trong kho.

“Sau khi nhận đơn phản ánh của người dân, chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế tại khu công nghiệp Long Mỹ và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện ngay việc phun thuốc xử lý côn trùng trong kho” - ông Tổng nói.


Mọt mì bu bám ở máy ép nước mía

Mọt mì bu bám ở máy ép nước mía

Cũng theo ông Tổng, Khu công nghiệp Long Mỹ chỉ dành cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị chế biến nông sản công nghệ hiện đại. Vì vậy, UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với BQL KKT kiểm tra xử lý theo thẩm quyền đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, trong đó có các doanh nghiệp chế biến nông sản.

Trước thực trạng "giặc" mọt mì hiện nay, cơ quan chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục và đầu tư xây dựng nhà xưởng theo quy định, chậm nhất đến ngày 30/6/2017 phải xây dựng xong và đưa các dự án vào hoạt động.

Nếu quá thời hạn trên, các doanh nghiệp vẫn không thực hiện sẽ tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp theo quy định của pháp luật - ông Tổng trao đổi thêm.

Doãn Công