1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đồng Nai:

Người dân hoang mang vì cá sấu sổng chuồng

(Dân trí) - Sau đợt mưa lũ kéo dài trong ba ngày 9, 10 và 11/9, nhiều người dân tại Đồng Nai đã nhìn thấy cá sấu sổng chuồng trên sông Buông và sông Đồng Nai. Tuy nhiên, cá sấu ở đâu thoát ra sông thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Anh Nguyễn Tùng, ấp Tân Cang, Phước Tân, huyện Long Thành, đã bắt được con cá sấu nặng khoảng 35 kg, dài khoảng 1,8m. “Nghe tin cá sấu sổng chuồng, tôi đi dọc bờ. Tìm thấy một con cá sấu ở gần bờ, tôi liền kêu thêm mấy anh em trong xóm cùng vây bắt. Con này cũng khá to nên chúng tôi phải dùng chài quăng cho nó mắc vào rồi chích điện dí bắt.”, anh Tùng kể lại.

Sau trận mưa lũ, đã có rất nhiều người nhìn thấy cá sấu trên sông. Anh Lê Văn Khanh, ấp Tân Cang kể: “Chiều ngày 10/9 nước vẫn còn rất lớn, tôi nhìn thấy khoảng 4 hay 5 con cá sấu nằm gần bờ sông. Nhưng vì chẳng có phương tiện nên đành chịu”.

Theo anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Văn hoá xã Phú Tân, trong những ngày qua người dân ở trong xã Phú Tân đã bắt được 13 con cá sấu. Con nhỏ khoảng 15kg, còn lớn thì đến hơn 50 kg. Nhưng hiện giờ họ bán gần hết, với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg.

UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm, Công an, Ban chỉ huy quân sự huyện, và Chủ tịch UBND xã Phước Tân kiểm tra các cá nhân, tổ chức có nuôi cá sấu trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, huyện Long Thành cho biết: “Đoàn kiểm tra của xã cùng Hạt kiểm lâm huyện đã xuống kiểm tra các trại cá sấu nhưng họ đều khai báo không mất. Vậy thì cá sấu ở đâu mà ra sông?”.

Giải thích hiện tượng cá sấu “không biết từ đâu mà ra”, ông Nguyễn Văn Thơ, Trưởng ấp Tân Cang nghi ngờ: “Cá sấu có thể là ở đầu nguồn sông Buông, thuộc xã Giang Điền của huyện Trảng Bom đã bơi xuống khu vực thuộc Xã Phú Tân chăng?”.

Trao đổi với Dân trí, ông Hồ Vĩnh, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Trảng Bom cho biết: “Chúng tôi tổ chức rà soát các hộ nuôi cá sấu ở khu vực của huyện trong những ngày qua, nhưng chưa phát hiện  tình trạng cá bị sổng”.

Hiện tượng này đã gây tâm lý hoang mang lo lắng cho các hộ dân ven sông Buông và sông Đồng Nai. Bà Hoàng Thị Yến, ấp Tân Cang, xã Phước Tân cho biết, cả nhà bà lo sợ, không dám lại gần sông. Nhiều người e ngại, lúc mới ra có thể cá sấu chưa đói nên hiền, sợ rằng nay mai khi nó đói thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Trước mắt, UBND huyện Long Thành đã chỉ đạo phòng Văn hoá - Thông tin, Đài Truyền thanh huyện, tổ chức thông báo cho các xã giáp ranh xã Phước Tân, không để cho người dân tiếp cận với sông, suối trong vùng. Vì có thể khi nước cạn cá sấu sẽ theo nguồn nước tập trung tại các sông, suối trong khu vực. Đồng thời yêu cầu người dân khi phát hiện có cá sấu phải thông báo ngay cho Ban ấp, UBND xã để kịp thời báo cơ quan chuyên môn thu gom, không tự ý bắt vì rất nguy hiểm cho tính mạng .

Tuy nhiên, đa số người dân khi tiếp xúc với Dân trí đều cho rằng, nhất thiết phải tìm ra nơi cá sấu sổng chuồng, để xác định là đã mất bao nhiêu con và có hướng tìm kiếm, khắc phục. Không thể chỉ thông tin là “không nên đến gần sông suối”.

An Hội