1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân đi lại các tỉnh miền Tây cần lưu ý gì?

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Đến tối 20/10, hầu hết các tỉnh miền Tây đã có những quy định khi đi lại giữa các địa phương theo quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ và đã công bố cấp độ dịch.

Hầu hết các tỉnh thành ở miền Tây đều đã gỡ bỏ các quy định hạn chế trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng đường bộ, thủy nội địa, hàng hải; lưu thông vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh.

Tuy nhiên doanh nghiệp vận tải khi hoạt động cần đáp ứng điều kiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Về việc đi lại của người dân, hai tỉnh thành ở miền Tây đã áp dụng cấp độ 1 trong phòng chống dịch Covid-19 là Cần Thơ và Sóc Trăng.

Người dân đi lại các tỉnh miền Tây cần lưu ý gì? - 1

Đến chiều 20/10, nhiều tỉnh miền Tây đã áp dụng Nghị quyết 128 (Ảnh: Huỳnh Hải).

Hiện tỉnh Sóc Trăng không quy định việc người dân ra khỏi địa bàn. Đối với người dân từ bên ngoài muốn vào tỉnh, nếu đã tiêm đủ vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và đến từ địa phương không có dịch hoặc đã có xét nghiệm âm tính còn thời hiệu thì không phải cách ly y tế.

Các trường hợp còn lại nếu muốn vào tỉnh thì sẽ được phân loại và cách ly theo dõi tại nhà hoặc cách ly tập trung theo quy định.

TP Cần Thơ không chỉ định xét nghiệm đối với người dân từ địa phương có cấp độ 1, 2 trong phòng chống dịch khi đến địa bàn. Người dân chỉ cần cung cấp thông tin tại các điểm hỗ trợ khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Người dân đến từ địa phương có cấp độ 3, 4 trong phòng chống dịch thì sẽ được phân loại, cách ly và theo dõi tại nhà hoặc cách ly tập trung theo quy định. TP Cần Thơ khuyến khích người dân hạn chế đi lại giữa các địa phương.

Các tỉnh còn lại gồm Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu, An Giang,  Đồng Tháp đều đang áp dụng cấp độ 2 trong phòng chống dịch Covid-19.

Người dân từ địa phương áp dụng cấp độ 4 trong phòng chống dịch, vùng cách ly, phong tỏa hoặc có liên quan điều tra dịch tễ khi đến tỉnh Tiền Giang buộc phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính còn thời hiệu. Những trường hợp này sẽ được phân loại, yêu cầu cách ly theo dõi tại nhà hoặc cách ly tập trung từ 7 đến 14 ngày.

Tỉnh Tiền Giang không yêu cầu kết quả xét nghiệm đối với người dân đến từ địa phương có dịch ở cấp độ 1, 2. Tỉnh Tiền Giang khuyến khích người dân hạn chế đi lại giữa các địa phương, người ra, vào tỉnh trong ngày thì phải khai báo với chính quyền địa phương nơi đến/về (UBND cấp xã) hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc.

Người dân đi lại các tỉnh miền Tây cần lưu ý gì? - 2

Bến Tre áp dụng phòng, chống dịch Cấp 2 từ ngày 19/10.

Tỉnh Bến Tre không quy định về việc người dân ra khỏi địa bàn và từ địa phương áp dụng cấp độ 1,2 trong phòng chống dịch vào địa bàn.

Cấp 3 là có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ phải có xét nghiệm âm tính hoặc tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19; Cấp 4 phải có xét nghiệm âm tính hoặc đã tiêm đủ liều hoặc khỏi bệnh Covid-19 và thực hiện cách ly 7-14 ngày tùy theo đối tượng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân… ở ngoài tỉnh thuộc vùng cấp độ 3, 4 ra vào tỉnh thường xuyên, trong ngày thì phải đủ hai mũi vaccine Covid-19 hoặc khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính còn thời hiệu.

Tỉnh Vĩnh Long vẫn duy trì các chốt kiểm soát ở cửa ngõ và hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết từ 21h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Người dân từ bên ngoài vào tỉnh Vĩnh Long sẽ phải thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Đối với người tham gia thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhà đầu tư muốn đến đầu tư, làm việc tại tỉnh Vĩnh Long phải đảm bảo các điều kiện tiêm đủ liều vaccine Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính còn thời hiệu và liên hệ chính quyền địa phương trước khi đến.

Mặc dù tỉnh Hậu Giang đã dỡ bỏ chốt kiểm soát trên QL1A nhưng vẫn duy trì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch khu vực cửa ngõ ra vào khác. Tỉnh này vẫn hạn chế người dân rời khỏi địa phương.

Người dân từ nơi khác muốn đến Hậu Giang phải khai báo y tế, sẽ được phân loại thực hiện theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà hoặc tập trung tùy theo đối tượng.

Nhà đầu tư, chuyên gia, những người thực hiện các công trình dự án đầu tư phải tiêm đủ liều vaccine Covid-19, trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều thì phải xét nghiệm nhanh ngay khi đến địa bàn.

Tỉnh Bạc Liêu không quy định việc người dân đi ra khỏi địa bàn, 100% người vào tỉnh phải khai báo y tế tại các chốt kiểm soát. Người dân từ địa phương áp dụng cấp độ 1,2 trong phòng chống dịch vào địa bàn nếu chưa tiêm vaccine thì phải tự theo dõi sức khỏe hoặc cách ly tại nhà 7 ngày, trường hợp còn lại không có quy định hạn chế.

Người dân từ địa phương áp dụng cấp độ 3, 4 trong phòng chống dịch vào địa bàn phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính còn thời hiệu, sẽ được phân loại thực hiện theo dõi sức khỏe hoặc cách ly y tế từ 7-14 ngày.

Tỉnh Cà Mau yêu cầu mọi người dân vào tỉnh phải khai báo y tế, không hạn chế đối với người đến từ địa phương áp dụng cấp độ 1,2 trong phòng chống dịch. Trường hợp còn lại phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính còn thời hiệu, sẽ được phân loại theo dõi sức khỏe, cách ly y tế tại nhà hoặc tập trung từ 7-14 ngày.

Tỉnh An Giang thuộc cấp độ 2 là nguy cơ trung bình (vùng vàng) có 9 huyện, thành phố. Riêng 3 huyện cù lao: Chợ Mới, Phú Tân và thị xã Tân Châu thuộc cấp độ 3, nguy cơ cao (vùng cam).

Cụ thể, đối với cấp xã, cấp độ 1 là nguy cơ thấp (vùng xanh) có 12 đơn vị. Cấp độ 2 là nguy cơ trung bình (vùng vàng) là 124 đơn vị. Cấp độ 3 là nguy cơ cao (vùng cam) là 12 đơn vị. Cấp độ 4 là nguy cơ rất cao (vùng đỏ) 8 đơn vị.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 được 296.542 người, chiếm 43% và tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin gần 11%.