1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người dân có thể giúp giảm "rác mồ côi" ở TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - Người dân có thể phản ánh tình trạng rác bị vứt bừa bãi trên đường phố, khu dân cư thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Đồng thời chuyên gia cho rằng người gây ô nhiễm phải trả chi phí.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM tổ chức hội thảo "Giải pháp đẩy mạnh vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện với môi trường giai đoạn 2023-2025".

Trong hội thảo ngày 23/8, ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Grac, đề cập đến tình trạng đổ rác trộm (rác mồ côi) của người dân TPHCM đang dần trở thành một "thói khó bỏ".

Người dân có thể giúp giảm rác mồ côi ở TPHCM - 1

Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Grac, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Tâm Linh).

Theo quan sát của ông Minh, những bãi rác tự phát do người dân đổ trộm xuất hiện mọi nơi như ven kênh rạch, vỉa hè, đất trống dự án hay thậm chí tại trạm xe buýt. Đơn cử, hơn một tháng qua, dưới chân cầu Tân Thuận 2 (quận 7) xuất hiện bãi rác tự phát trước một công trình xây dựng.

Đi dọc khu trung tâm, những chiếc ly nhựa đựng nước kèm ống hút, mảnh khăn giấy, chiếc khẩu trang hay bịch nylon... nằm vất vưởng trên lề hoặc lòng đường trông rất nhếch nhác.

"Thậm chí, các hộ dân bỏ vài trăm nghìn đồng thuê xe ba gác hoặc người thu ve chai nào đó để chở rác nhà mình ra chỗ xa để đổ trộm. Tình trạng này khá nhiều, tuy nhiên tỷ lệ trường hợp chính quyền địa phương phát hiện và phạt chưa cao", ông Nguyễn Trọng Minh phản ánh.

Người dân có thể giúp giảm rác mồ côi ở TPHCM - 2

Người dân phản ánh vị trí rác vứt bừa bãi qua ứng dụng Grac (Ảnh chụp màn hình).

Ứng dụng Grac của công ty ông Minh ra đời nhằm góp phần phát hiện "rác mồ côi", đồng thời hỗ trợ việc quản lý, thu gom và giảm thiểu tình trạng đổ rác trộm hiệu quả.

Theo đó, người dân hay khách du lịch khi thấy ai đổ rác trộm có thể quay chụp lại hành vi vi phạm, báo cáo bằng cách đăng tải thông qua ứng dụng Grac trên điện thoại di động.

Các khiếu nại này sẽ được gửi về các UBND phường và đơn vị thu gom rác tại địa phương để giải quyết và xử phạt theo quy định.

Hiện ứng dụng Grac đã được triển khai thành công tại một số địa phương gồm quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức với hơn 2,5 triệu người sử dụng. Phần mềm đang trong giai đoạn thử nghiệm tại các quận khác (1, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Bình Tân và Phú Nhuận).

"Người vi phạm phải trả chi phí khắc phục hậu quả ví dụ như thuê xe vận chuyển rác thải cồng kềnh ra đúng điểm quy định. Thường thì địa phương sẽ phải bỏ ra khoản tiền này để xử lý, người dân ỷ lại cứ thế đổ trộm ra đường", nhà quản lý ứng dụng Grac cho biết.

Người dân có thể giúp giảm rác mồ côi ở TPHCM - 3

Dù đã có biển cấm đổ rác và xử phạt hành chính, đường Lương Ngọc Quyến, quận Gò Vấp vẫn tồn tại một đống rác to tướng, chiếm hết lối đi của người đi bộ (Ảnh: Nam Anh).

Theo thông tin từ Sở Tài chính TPHCM, năm 2022, thành phố dự toán chi 3.311 tỷ đồng cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải; trong đó chi cho các quận, huyện khoảng 1.604 tỷ đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường khoảng 1.707 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ, lượng rác thải ở TPHCM tăng trung bình khoảng 10%/năm. Theo đó, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển cũng tăng lên qua từng năm.

"Hiện nay phí thu gom xử lý chất thải ở TPHCM đang thu kiểu bình quân, cách này thì không có tính răn đe để người dân chịu trách nhiệm về lượng rác xả ra", PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhận định.

Ông Tuấn chia sẻ cách Đài Loan đã làm đề xuất TPHCM có thể áp dụng, theo nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả chi phí. Theo đó, cá nhân, đơn vị nào thải ra nhiều rác nặng ký thì phải trả nhiều tiền hơn. 

Ở Đài Loan, cơ quan chức năng thu phí theo khối lượng rác thải ra thông qua bán túi chứa rác cho các hộ dân với giá 50NT (tương đương 25.000 đồng) cho một bao rác 20kg, hộ nào thải nhiều rác thì phải trả nhiều tiền mua túi đựng rác.

Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, biện pháp này ngoài việc đảm bảo công bằng cho người dân, còn có tác dụng thúc đẩy người dân phân loại rác để tái sử dụng, tái chế...

Cũng trong hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, cung cấp thông tin, từ năm 2021 đến tháng 5/2023, thành phố đã rà soát, ghi nhận 568 điểm ô nhiễm tồn đọng rác thải và đã giải tỏa 505 điểm (tỷ lệ hơn 98%). Trong đó, 198 điểm ô nhiễm được chuyển hóa thành khu sinh hoạt cộng đồng là công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…

Mức phạt cho hành vi xả rác không đúng quy định ở Việt Nam:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (căn cứ điểm c, khoản 2, điều 25, Nghị định 45/2022/NĐ-CP).

- Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển (căn cứ điểm d, khoản 2, điều 25, Nghị định 45/2022/NĐ-CP).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm