Tìm thấy 102 hiện vật nghìn năm tuổi ở Bình Định
(Dân trí) - Ngày 17/7, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích tháp Đại Hữu, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát.
Phế tích tháp Đại Hữu tọa lạc trên mặt bằng đỉnh núi Đất, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định), trải dài theo chiều Bắc - Nam với 2 đỉnh, trong đó, đỉnh phía bắc cao hơn (có độ cao 42m so với mặt nước biển).
Phế tích tháp Đại Hữu được Bộ VH-TT&DL cấp phép cho Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ từ ngày 25/4 đến 15/6, với diện tích khai quật 200m2.
Sau gần 2 tháng tiến hành khai quật đã làm xuất lộ phần kiến trúc tháp, gồm: phần tường tháp phía bắc có chiều dài 3,7m; tường tháp phía nam dài 4,5m; tường tháp phía đông không còn, nhưng xuất lộ hệ thống chân móng tháp phát triển về cả 3 hướng đông, nam, bắc.
Đặc biệt, cuộc khai quật cũng đã phát hiện hố thiêng chính giữa lòng tháp được xây bằng gạch có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 0,5m, độ sâu gần 2,5m.
Quá trình khai quật cũng phát hiện được 102 hiện vật đá với nhiều loại hình, kích thước khác nhau, gồm: bệ thờ, bia ký Champa; phù điêu trang trí hình người, hình cánh sen, hình động vật; chày nghiền.
Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật chất liệu đất nung, như gạch, chóp tháp góc, gốm trang trí điểm góc, đồ gốm gia dụng của Champa và Trung Quốc; hiện vật đồ kim loại có tiền xu bằng đồng khắc chữ "Minh Mạng thông bảo", mũi đục sắt…
Từ những di tích và di vật phát hiện trong cuộc khai quật này, so sánh với kiến trúc tháp Champa đã được khai quật nghiên cứu, kết hợp bia ký đã được phát hiện từ trước đến nay, các chuyên gia khảo cổ học nhận định phế tích tháp Đại Hữu có niên đại khoảng thế kỷ XII - XIII.
Thông qua mặt giá trị lịch sử, chi tiết trang trí mỹ thuật đẹp đã phản ánh lịch sử vương quốc Champa thời kỳ này ổn định về chính trị, kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống tôn giáo được tăng lên.
Các chuyên gia khảo cổ học, nhà nghiên cứu kiến nghị chính quyền địa phương cần phải tiếp tục khai quật, nghiên cứu tổng thể hơn về phế tích này, bởi diện tích khai quật hiện nay là rất nhỏ. Cùng với đó, cần thực hiện việc bảo tồn di tích, giữ nguyên hiện trạng di tích đã được xuất lộ, dùng bạt che lấp lại chống hiện tượng rêu mốc và cây mọc, tránh mọi hành vi xâm hại.