1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân cần lưu ý gì khi quay trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết?

Trần Thanh

(Dân trí) - Theo Phòng CSGT Hà Nội, đối với các phương tiện cá nhân nên đi sớm, tránh đi cùng một thời điểm vào khung giờ từ 8h đến 10h và từ 14h đến 16h, vì thời điểm này thường xảy ra ùn tắc giao thông...

Tối 12/2, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay cán bộ, công chức và người lao động được nghỉ từ ngày 8/2 (tức ngày 29 Tết) đến hết ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết).

Đại diện Phòng CSGT Hà Nội dự báo, trong các ngày mùng 4, mùng 5 Tết Nguyên đán, đông đảo người dân và phương tiện giao thông sẽ quay trở lại Thủ đô để học tập, làm việc... điều này dễ xảy ra ùn ứ.

Người dân cần lưu ý gì khi quay trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết? - 1

CSGT Hà Nội phân luồng trong giờ cao điểm (Ảnh: Trần Thanh).

Để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc trong những ngày sắp tới, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ trong đơn vị trực "xuyên Tết", triển khai phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại tất cả các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong các ngày mùng 4, mùng 5 Tết tới đây, Phòng CSGT Hà Nội sẽ tập trung lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông tại tất cả các cửa ngõ Thủ đô, các tuyến giao thông chính, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ nhân dân quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết.

Để lộ trình từ quê quay trở lại thành phố sau Tết của người dân được an toàn, thuận tiện, đại diện Phòng CSGT Hà Nội lưu ý:

Đối với doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe, các chủ phương tiện, nhân dân khi di chuyển trên các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường nội thành, tuyến đường ra, vào Hà Nội, các địa phương liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông.

Người dân cần lưu ý gì khi quay trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết? - 2

Phòng CSGT Hà Nội cho biết đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ trong đơn vị trực "xuyên Tết", triển khai phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại tất cả các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn thành phố (Ảnh: Trần Thanh).

Đại diện Phòng CSGT Hà Nội lưu ý, đối với những người đi xe khách, phương tiện công cộng thì nên đặt vé sớm để tránh tình trạng hết vé và bắt xe dọc đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, đồng thời có nguy cơ bị nhà xe tăng giá vé, nhồi nhét khách, không bảo đảm an toàn giao thông.

"Đối với các phương tiện cá nhân nên đi sớm, tránh đi cùng một thời điểm vào khung giờ từ 8h đến 10h và từ 14h đến 16h, vì thời điểm này thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Trước khi khởi hành, người dân nên kiểm tra kỹ an toàn phương tiện, lên lịch trình các cung đường để di chuyển vào trung tâm thành phố, lựa chọn những tuyến đường phù hợp, trong quá trình di chuyển cũng nên cập nhật tình hình giao thông để có thể thay đổi cho phù hợp", đại diện Phòng CSGT Hà Nội khuyến cáo.

Ngoài ra, quá trình tham gia giao thông, người dân cũng cần đi đúng phần đường, làn đường quy định; điều khiển xe trong tốc độ cho phép; chở đúng số người quy định; đội mũ bảo hiểm đúng quy định đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

"Khi gặp các tuyến giao thông ùn tắc, người dân cần bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn, điều tiết, phân luồng của lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng khác. Đặc biệt, người đã uống rượu bia, không lái xe, để bảo đảm an toàn cho mình và những người tham gia giao thông khác", đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm.

Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phòng CSGT Hà Nội đề nghị mọi người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh về tình hình giao thông, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo: "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội", số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451.