1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn khi bão Yagi đổ bộ?

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Các cơ quan chức năng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn khi bão Yagi đổ bộ người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây và xác định vị trí an toàn để trú ẩn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 10h ngày 6/9, siêu bão Yagi cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ninh khoảng 570km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Dự báo, ngày 7/9, bão Yagi sẽ đi vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Nam Định) với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 16.

Do cường độ bão mạnh, vùng ảnh hưởng rộng nên người dân trong vùng ảnh hưởng cần có các biện pháp phòng, chống trước và sau khi bão Yagi đổ bộ.

Phòng tránh bão

Theo đó, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người dân trước khi bão đổ bộ cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; giữ liên lạc giữa tàu, thuyền và đất liền. 

Người dân cần đưa tàu, thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú bão an toàn.

Đặc biệt, người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng; bảo vệ lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, người dân cần dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày; đề phòng mưa, lũ, lũ quét trước, trong và sau bão; chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.

Khi bão đổ bộ người dân không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài. 

Đặc biệt lưu ý người dân không trú, tránh bão dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ; đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật.

Nếu trong trường hợp nguy hiểm khi cần cứu hộ, người dân cần thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng.

Bên cạnh đó, người dân cần chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của chính quyền; chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Sau bão, người dân kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị trước khi sử dụng; khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. 

Ngoài ra, người dân cần thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương, tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường.

Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn khi bão Yagi đổ bộ? - 1

Người dân tại TP Đà Nẵng chằng chống nhà cửa ứng phó với bão Noru năm 2022 (Ảnh: Hoài Sơn).

Phòng tránh lũ, lụt

Bộ Công an khuyến cáo, trước khi xảy ra lũ, lụt người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó, chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.

Đặc biệt, người dân cần bảo vệ nguồn nước, dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày; tìm hiểu độ cao khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà hay không.

Bên cạnh đó, người dân cần di chuyển cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat và đồng hồ đo điện cao hơn mức lũ được xác định; di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm; tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước trong tòa nhà mình ở; chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; có phương án đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.

Trong khi xảy ra lũ, lụt người dân cần theo dõi, cập nhật các thông tin liên quan đến lũ, lụt như: Nước dâng nhanh, ngập lụt đường cao tốc, cầu và các khu vực trũng thấp.

Khi có cảnh báo lũ, lụt xảy ra tại khu vực mình sinh sống, người dân lập tức di tản đến khu vực trú ẩn an toàn có nền đất cao hơn nếu được chính quyền địa phương yêu cầu; tránh xa các khu vực bị ngập lụt, ngay cả khi nước đang rút; không đi bộ, bơi lội hoặc lái xe qua vùng nước đang chảy xiết; đề phòng rắn ở những vùng ngập nước.

Sau khi xảy ra lũ, lụt người dân cần thường xuyên để mắt đến trẻ em, không để trẻ em nghịch nước tại các nơi như cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh.

Đặc biệt, người dân không được sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng, phải sử dụng nước từ các nguồn an toàn cho đến khi nguồn nước sinh hoạt của gia đình không còn bị ô nhiễm.

Trước khi vào lại ngôi nhà bị hư hỏng do lũ, lụt người dân cần ngắt điện ở hộp cầu chì, aptomat hoặc cầu dao chính cho đến khi ngôi nhà của mình được làm khô an toàn; kiểm tra hệ thống gas; kiểm tra và tìm các nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ; kiểm tra sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ và tường xem có vết nứt hoặc các hư hỏng khác để đảm bảo ngôi nhà không có nguy cơ bị sập.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khi vào vịnh Bắc Bộ, bão Yagi có thể không còn là "siêu bão". 

Thông tin về mưa trước trong và sau bão, ông Lâm cho biết do bão khi vào đất liền di chuyển nhanh nên mưa, gió cũng sẽ đi qua nhanh và lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn có nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở cao cho khu vực Bắc Bộ từ ngày 6 đến 8/9. 

Ông Lâm đánh giá, bão Yagi là cơn bão có cường độ mạnh trong 10 năm qua.

Do đó các tàu thuyền trên biển cần sớm vào nơi tránh, trú bão an toàn. Người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa để phòng, chống bão.