DNews

Người dân buôn bán khá hơn sau 5 tháng thuê vỉa hè ở trung tâm TPHCM

An Huy

(Dân trí) - "Trước đây, thấy bóng dáng đô thị, tôi phải dọn hàng. Nay được sử dụng hợp pháp, tâm lý tôi thoải mái hơn nên việc buôn bán thuận lợi", anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Người dân buôn bán khá hơn sau 5 tháng thuê vỉa hè ở trung tâm TPHCM

9h sáng, anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi) bận rộn pha chế cà phê cho khách hàng tại quầy bán nước nằm góc ngã tư Hồ Hảo Hớn - Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1.

Hơn 5 tháng được đóng phí, sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, công việc của anh Tuấn ổn định hơn. Khách ghé anh không chỉ mua nước mang đi mà còn ngồi tại chỗ uống cà phê đều đặn mỗi ngày.

Anh Tuấn là một trong hơn 350 hộ đăng ký thuê sử dụng một phần vỉa hè trên 11 tuyến đường ở trung tâm TPHCM vừa qua. Việc làm ăn của anh khởi sắc hơn. Anh và mọi người cũng tự hào vì đóng góp được một phần kinh phí vào ngân sách để phát triển thành phố.

Ổn định vì không phải… chạy

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Tuấn cho biết, hơn 5 tháng thuê vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo, việc buôn bán của anh ổn định vì có khách mối ghé mua hàng thường xuyên. Nơi bán cũng được anh quét dọn sạch mỗi ngày để kê tủ nước và một số bộ bàn ghế. Anh yên tâm làm ăn, không nơm nớp gom bàn ghế tránh né lực lượng đô thị như trước.

Dù diện tích thuê vỉa hè chỉ hơn 3m2, nhưng anh tự hào vì có được một mặt bằng kinh doanh ổn định. Bản thân anh cũng đóng một khoản tiền vào ngân sách Nhà nước.

Anh bán tại đây mỗi ngày từ sáng sớm đến 11h và cho biết rất vui mừng khi thành phố gần nửa năm qua đã tạo điều kiện cho những người như anh được thuê vỉa hè buôn bán mưu sinh.

Người dân buôn bán khá hơn sau 5 tháng thuê vỉa hè ở trung tâm TPHCM - 1

Điểm bán nước của anh Tuấn trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 (Ảnh: An Huy).

"Trước đây, lúc nào tôi cũng sợ lực lượng đô thị kiểm tra, xử phạt về hành vi lấn chiếm vỉa hè vì bán cà phê. Cứ thấy bóng dáng đô thị, tôi phải dọn hàng. Nay được sử dụng hợp pháp, tâm lý tôi thoải mái hơn nên việc buôn bán thuận lợi", anh Tuấn chia sẻ.

Tại góc ngã ba Lê Thánh Tôn - Phan Chu Trinh, phường Bến Thành (quận 1) là quầy bán nước của ông Bằng (70 tuổi) và vợ. Được thuê vỉa hè, ông kê thêm 4 bộ bàn ghế cho khách du lịch ngồi uống nước ngắm đường phố.

Ông Bằng bán ở đây đã được 40 năm. Trước khi thuê vỉa hè, ông kê tủ nước vào sát cửa chung cư. Mỗi lần nhích ra một chút, ông liền bị lực lượng đô thị nhắc nhở. Khách mua nước chỉ mang đi nên buôn bán của ông như "dậm chân tại chỗ".

Vợ chồng ông vui mừng khi nhận tin thành phố cho thuê một phần vỉa hè để buôn bán. Ông liền mua thêm 4 bộ bàn ghế và đưa tủ nước nhích ra ngoài cho khách du lịch dễ nhìn thấy, buôn bán ổn định đến nay.

"Vợ chồng tôi bán từ 8 đến 22h mỗi ngày. Hai vợ chồng già nên thay phiên nhau, mỗi người bán 2 giờ. Khi nào không còn sức thì nhường quầy nước lại cho con trai bán. Thành phố cho thuê như vậy là quá tạo điều kiện cho người dân rồi, mọi người kinh doanh cũng biết giữ gìn vệ sinh hơn. Ai thuê chỗ nào thì bán chỗ đó, không xảy ra tranh giành", người đàn ông chia sẻ.

5 tháng thu hơn 800 triệu đồng

Cách tiệm bán nước ông Bằng không xa là sạp bán trái cây của ông Phạm Đình Tứ (49 tuổi, quê Quảng Ngãi) trên đường Phan Chu Trinh, phường Bến Thành. Ông Tứ thuê 8m2 vỉa hè với giá 800.000 đồng/tháng, rồi kê đủ loại trái cây bán cho khách du lịch. Gần một năm qua, việc buôn bán của ông cũng như mọi người nơi đây đi vào ổn định, nề nếp.

Tuyến đường Phan Chu Trinh qua khu vực cũng ngăn nắp, phần sát lề đường được thành phố cho thuê giữ xe máy khách đi chợ Bến Thành. Phần trong của vỉa hè được những người như ông Tứ thuê bán trái cây, nước, bánh mì… Phần giữa vỉa hè rộng hơn 1,5m, làm lối đi bộ cho người dân, du khách.

Được phân chia như vậy, mọi người cũng ý thức được công năng của vỉa hè, không xảy ra tình trạng lấn chiếm lộn xộn như trước.

Người dân buôn bán khá hơn sau 5 tháng thuê vỉa hè ở trung tâm TPHCM - 2

Sạp bán trái cây của ông Tứ và một góc vỉa hè đường Phan Chu Trinh sáng 8/11 (Ảnh: An Huy).

"Người dân có chỗ bán ổn định, thành phố có thêm nguồn thu ngân sách, vỉa hè sạch đẹp như vậy là quá tuyệt vời. Tôi hy vọng mô hình này được nhân rộng chứ không thí điểm một thời gian rồi lại ngưng", ông Tứ nói.

Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, sau hơn 5 tháng thí điểm cho thuê vỉa hè 11 tuyến đường để kinh doanh, quận 1 sẽ mở rộng thêm 41 tuyến khác, nâng tổng số tuyến đường cho thuê lên 52.

41 tuyến đường chuẩn bị triển khai thuộc các phường: Bến Nghé, Tân Định, Đa Kao, Phạm Ngũ Lão, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Bình và Bến Thành. Các tuyến đường có vỉa hè rộng 3m trở lên, sau khi chừa 1,5m cho người đi bộ.

Trong hơn 5 tháng thí điểm cho thuê vỉa hè, có 374 hộ đăng ký sử dụng và nộp ngân sách hơn 810 triệu đồng. Khi đưa vào thí điểm, trật tự đô thị và hè phố ổn định hơn. Người dân đóng phí trực tiếp vào ngân sách, không dùng tiền mặt nên giảm thủ tục và minh bạch.

Bên cạnh đó, ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND quận 1, cho biết, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè đã được HĐND TPHCM khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 9/2023. Từ 1/1, TPHCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố với mức thu 20.000-350.000 đồng/m2/tháng. Quận 1 là địa phương đầu tiên tại TPHCM thí điểm sử dụng một phần vỉa hè. Sau đó, mô hình này cũng được triển khai ở các quận khác như: 3, 10, 12…