1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Người dân Bình Dương, Đồng Nai vui mừng trong ngày cầu Bạch Đằng 2 thông xe

Phạm Diện Hoàng Bình

(Dân trí) - Cầu Bạch Đằng 2 nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chính thức thông xe, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giúp người dân 2 địa phương giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế.

Ngày 23/9, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ khánh thành cầu Bạch Đằng 2. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.

Người dân Bình Dương, Đồng Nai vui mừng trong ngày cầu Bạch Đằng 2 thông xe - 1

Sau lễ khánh thành, người dân đã có thể lưu thông trên cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Bình Dương với Đồng Nai (Ảnh: Hoàng Bình).

Phát biểu tại lễ khánh thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nhấn mạnh rằng việc đưa cầu Bạch Đằng 2 vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương và vận chuyển hàng hóa giữa hai tỉnh. Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai, nối liền TP Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh và liên vùng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cầu Bạch Đằng 2 không chỉ mở ra không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ giữa hai tỉnh mà còn kết nối Bình Dương với các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Người dân Bình Dương, Đồng Nai vui mừng trong ngày cầu Bạch Đằng 2 thông xe - 2

Người dân cù lao Bạch Đằng vui mừng trong ngày khánh thành cầu Bạch Đằng 2 sáng 23/9 (Ảnh: Hoàng Bình).

Bà Lê Thị Linh, một người dân sống tại cù lao Bạch Đằng, TP Tân Uyên, Bình Dương, phấn khởi chia sẻ: "Sau 3 năm chờ đợi, người dân chúng tôi rất vui mừng vì từ nay quãng đường mang nông sản qua Biên Hòa bán trở nên rất gần. Có cầu, giao thương thuận lợi, kinh tế và đời sống người dân cù lao sẽ không còn khó khăn như xưa".

Dự án cầu Bạch Đằng 2 được khởi công vào cuối năm 2021, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Cây cầu này, cùng với phần đường dẫn hai đầu cầu, có tổng chiều dài gần 3km. Riêng phần cầu dài hơn 400m, rộng 17m, bao gồm 4 làn xe, với tĩnh không 7m. Cầu có 4 trụ ở sông và 2 trụ ở bờ.

Tổng mức đầu tư dự án gần 500 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được phân chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí đối với phần cầu chính và mỗi địa phương tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.

Người dân Bình Dương, Đồng Nai vui mừng trong ngày cầu Bạch Đằng 2 thông xe - 3

Đường tạo động lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Ảnh: Phạm Diện).

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức khánh thành đường tạo động lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.

Dự án này có chiều dài 48km, rộng 6 làn xe chạy, với vận tốc thiết kế đạt 80km/h. Tổng kinh phí đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Điểm đầu của dự án tại ngã ba Tân Thành giao nhau với đường ĐT746 huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Trong đó, đoạn đi qua Bàu Bàng dài 8,6km, đoạn đi qua Phú Giáo dài 30km, còn lại là đoạn đi qua huyện Bắc Tân Uyên gần 10km.