1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân bị "loạn" app khai báo y tế, Bộ Công an nói gì?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Hiện có nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh (app) hỗ trợ phòng, chống Covid-19. Mới đây, Bộ Công an tiếp tục cho ra ứng dụng mới có tính năng tương tự khiến người dân cảm thấy bị "loạn" app.

Báo cáo sơ kết công tác triển khai công nghệ phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9, cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 20 phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã ra mắt hệ thống phần mềm khai báo y tế, di chuyển nội địa tại địa chỉ webiste: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và đặc biệt trên ứng dụng (app) VN-eID sử dụng điện thoại di động với 2 kho ứng dụng Appstore và CHPlay.

Với quá nhiều app phục vụ công tác phòng, chống dịch, người dân đang bị "loạn", không biết nên sử dụng app nào. Thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị lại yêu cầu người dân ra - vào đơn vị mình sử dụng khai báo ở những app khác nhau, dẫn đến nhiều bất cập, thiếu thống nhất. Chưa kể mỗi app đều yêu cầu khai báo thông tin cá nhân và cho ra một mã QR, vậy các mã này của một người có đồng nhất không hay khác nhau? Thông tin khai báo trên app có bảo mật không?

Liên quan đến nội dung trên, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục C06 cho biết, chỉ app do Bộ Công an xây dựng mới chạy trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, khi công dân khai báo qua app này, thông tin sẽ được đối chứng với thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do đó, đảm bảo thông tin khai báo là chính xác.

Người dân bị loạn app khai báo y tế, Bộ Công an nói gì? - 1

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục C06.

Về vấn đề có quá nhiều app khiến người dân bối rối khi khai báo y tế, Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp bàn và thống nhất sử dụng một mã QR duy nhất. Nghĩa là, khi người dân khai báo trên bất kỳ app nào đều sinh ra một mã QR duy nhất để cơ quan chức năng kiểm soát thông tin một cách chính xác, nhanh chóng.

"Về mặt ý chí thì 3 Bộ đã thống nhất là sẽ sử dụng chung một mã QR. Người dân dùng quen app nào thì vẫn dùng app đó, khi khai báo xong chỉ cho ra một mã QR duy nhất. Việc thống nhất cho ra một mã QR chúng tôi đang làm, đây là khâu kỹ thuật thôi, trong thời gian ngắn việc này sẽ hoàn thiện", Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết.

Với hệ thống khai báo y tế, di chuyển nội địa của Bộ Công an, người dân có thể vào địa chỉ website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc cài app VN-eID để khai báo. Đối với app VN-eID, khi người dân cài xong hệ thống sẽ cấp ngay một mã QR cố định với thông tin cơ bản như: họ và tên, số căn cước công dân, ngày sinh.

Trong app VN-eID có 2 mục khai báo, gồm: Khai báo y tế toàn dân và Khai báo di chuyển nội địa. Tại 2 mục khai báo này, thông tin luôn thay đổi, nên mỗi lần công dân khai báo xong, hệ thống sẽ cấp một mã QR khác nhau, nhằm phục vụ việc đi lại của công dân được thuận tiện.

Người dân bị loạn app khai báo y tế, Bộ Công an nói gì? - 2

Giao diện phần mềm VNEID của Bộ Công an. (Ảnh: Chụp màn hình).

Lãnh đạo C06 khuyến cáo, khi người dân có dự định di chuyển đến địa điểm nào đó cần thực hiện khai báo trước để nhận mã QR từ hệ thống (có giá trị 72 giờ) và khi qua các chốt kiểm soát chỉ cần trình mã QR này cho cán bộ trực chốt kiểm tra, nhằm tránh ùn tắc tại chốt.

Phóng viên nêu bất cập, tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, mỗi lần người dân qua chốt, cán bộ dùng điện thoại quét mã QR đã không đảm bảo khoảng cách, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, vậy tại sao không triển khai lắp hệ thống camera đọc mã QR như ở TPHCM?

Trả lời câu hỏi trên, Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, mới đây C06 đã phối hợp với Công an TPHCM lắp đặt 100 camera để đọc mã QR tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, điều này đảm bảo nhanh chóng và hạn chế tiếp xúc gần, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

"Mỗi một camera lại đi kèm với một máy tính, tuy nhiên, toàn bộ số máy tính và camera này là chúng tôi tận dụng từ việc làm căn cước công dân trước đó nên không phát sinh chi phí. Còn Hà Nội hay địa phương nào muốn triển khai lắp đặt hệ thống camera, C06 luôn sẵn sàng hỗ trợ", Thượng tá Tô Anh Dũng nói.

Cũng theo Thượng tá Tô Anh Dũng, thời gian tới, nếu Hà Nội hoặc bất kỳ địa phương nào muốn hỗ trợ trong việc cấp giấy đi đường điện tử có mã QR, C06 cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ.