Người dân 2 tỉnh lo nhà máy dệt nhuộm xả thải thẳng ra sông
(Dân trí) - Một đường ống xả thải dài hơn 9km từ nhà máy dệt nhuộm may ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xả thẳng xuống lưu vực sông đoạn giao với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khiến người dân, chính quyền lo lắng vì nước thải độc hại sẽ tiêu diệt toàn bộ hệ sinh thái sông, đầm phá của 2 tỉnh.
Hệ sông, đầm phá ở Huế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có báo cáo ngày 8/11 gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc liên quan đường ống xả nước thải của một nhà máy dệt nhuộm tại khu công nghiệp huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, Công ty TNHH Dệt may Vinatex Quốc tế Toms Quảng Trị tại Cụm công nghiệp thị trấn Hải Lăng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có đường ống xả thải dài 9,46km đi từ Quảng Trị ra đến gần Huế, đổ nước thải thẳng xuống sông đoạn ngã ba hói Zét ở Quảng Trị. Từ đây nước chảy vào sông Ô Lâu của Huế cách đó 1,5km.
Đường ống xả thải của công ty này đi qua các xã Hải Thọ, Hải Chánh, Hải Thành, Hải Hòa (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Nước thải sau khi theo đường ống đến điểm xả thải tại ngã ba hói Zét thuộc địa phận xã Hải Hòa và Hải Dương (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), cách cầu Vân Trình, xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) khoảng 1,5km. Công suất thải mỗi ngày gần 1.300m3 nước thải.
Khu vực sông Ô Lâu nơi gần đoạn ống xả thải cung cấp nước tưới cho hơn 1.000 ha lúa hai vụ của huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế và một số xã thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, trên đoạn sông Ô Lâu người dân đang nuôi trồng thủy sản và là nguồn nước duy nhất mà tỉnh và huyện đang triển khai phương án xây dựng hệ thống bơm nước sông Ô Lâu phục vụ nuôi tôm trên cát.
Hơn nữa đây là vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu. Đặc biệt nghiêm trọng vào mùa mưa, nước sẽ chảy qua hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai hơn 23.000 ha quan trọng bậc nhất của Huế.
“Với đặc điểm nước thải của nhà máy dệt nhuộm Vinatex Quốc tế Toms có thành phần hóa học rất độc hại có nguy cơ sẽ hủy diệt các hệ sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng, đời sống của nhân dân trong vùng. Chúng tôi đề nghị tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng và doanh nghiệp cần thay đổi vị trí của đường ống xả thải để khỏi làm hại trực tiếp đến đời sống của hàng vạn người dân hai tỉnh” - Chủ tịch huyện Phong Điền khẩn thiết.
Cận cảnh đường ống xả nước thải nhà máy dệt nhuộm dài hơn 9km
Người dân Quảng Trị sợ việc xả thải!
Tại thôn Hội Điền, xã Hải Hòa là nơi mà đường ống xả thải dự kiến sẽ đổ ra ngã ba hói Zét giao 3 con sông Vĩnh Định, sông Mới và sông Ô Lâu, nhiều người dân đã gặp chúng tôi với tâm lý đầy lo sợ khi nguồn nước sông bị nước thải đổ vào, ảnh hưởng trực tiếp đến xã. Ông Võ Văn Quỳnh, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Hội Điền bất bình: “Khu vực này không có nước máy, người dân thôn lấy nước từ sông lên uống. Giờ mà nhà máy xả thải ra sông, nhất là ngành dệt nhuộm nước thải rất độc hại thì chúng tôi uống nước sông nhiễm độc bị đau bệnh, ung thư, chết… ai chịu trách nhiệm?”.
Ông Nguyễn Văn Vinh (68 tuổi, thôn Hội Điền) cho hay từ đời cha ông đến nay cả thôn đều dùng nước sông mà khỏe mạnh, giờ việc xả thải ra đây làm bà con lo sợ. Việc nuôi thủy sản trên sông chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nước thải độc hại kiểu đó thải trực tiếp xuống sông thì có con gì sống được? Mọi người cũng rất giận dữ vì huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị không họp dân thông qua mà đã cho doanh nghiệp làm đường ống thải ra đây. Huyện và tỉnh cần có phương án khác, đưa đường ống thải đi chỗ khác.
Người dân xã Hải Hòa phản ứng chuyện đường ống xả thải nhà máy dệt nhuộm ra sông ở xã
Được biết trong quá trình lắp đặt đường ống xả thải này, nhiều vùng tại huyện Hải Lăng người dân đã ra chặn không cho thi công tiếp. Hiện đường ống này đang bị chặn lại không cho thi công ở địa phận xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Sẽ đưa đường ống xả thải qua nơi khác
Ngày 14/11, PV Dân trí đã làm việc với lãnh đạo huyện Hải Lăng về việc hai tỉnh lo sợ trước việc xả thải của Công ty Dệt may Vinatex Quốc tế Toms. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, qua hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Trị mới đây đã thu hút được nhiều dự án, trong đó có dự án công ty dệt may Vinatex trên. Tuy nhiên đây là ngành dệt - nhuộm – may có nước thải độc hại thì "huyện cũng không mê". Quá trình làm đường ống xả thải đã bị người dân phản ứng nhiều, yêu cầu doanh nghiệp và huyện đình chỉ thi công. Qua sự việc, huyện nhận thấy có sự sai sót trong lập kế hoạch đường ống xả thải.
Huyện đang đình chỉ không cho thi công tiếp. Phương án mới là sẽ không thả ra sông ở ngã ba hói Zét nữa mà sẽ xả vào hồ Đập Thanh ở thị trấn Hải Lăng giáp ranh xã Hải Thọ, Hải Lâm của huyện – phù hợp với quy hoạch xử lý môi trường cụm Diên Sanh. Hồ Đập Thanh nằm biệt lập và cách nhà máy công ty Dệt may Vinatex 3 cây số không có đường nước nối với các sông nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến môi trường.
Riêng hệ thống đường ống xả thải đã làm gần được 9 cây số trên thì huyện sẽ bàn với nhà máy có phương án tận dụng làm đường ống nước sạch cho người dân các vùng uống nước sông, không có nước sạch ở huyện Hải Lăng.
“Chúng tôi song song với thu hút đầu tư thì cũng rất cầu thị lắng nghe ý kiến từ nhân dân để điều chỉnh các dự án ảnh hưởng đến môi trường như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân. Sắp tới khi đường ống xả thải điều chỉnh qua hồ Đập Thanh, chúng tôi sẽ yêu cầu nhà máy dệt nhuộm Vinatex làm cam kết, nếu ảnh hưởng môi trường thì phải khắc phục sự cố hoặc đóng cửa hẳn nhà máy” – ông Vinh khẳng định.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nói về vị trí mới nhà máy dệt nhuộm xả nước thải
Theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đường ống thải Công ty Dệt may Vinatex Quốc tế Toms ban đầu định thải ở sông Nhùng nơi có nhà máy nước Hải Lăng. Tuy nhiên đặc điểm do dòng lớn quá nước thải chảy ngược nên không chọn vị trí này. Điểm thứ hai định thải là sông Bến Đá cách chợ Bến Đá 200 mét, lúc vừa manh nha ý kiến chọn chỗ này thì người dân không đồng tình, phản ứng nên hủy. Vị trí thứ ba là ngã ba hói Zét trên làm đường ống được hơn 9 km, chỉ còn 350 mét nữa là xong cũng bị dân hai tỉnh phản đối, bất bình nên chọn vị trí cuối cùng là hồ Đập Thanh tách biệt thuộc quy hoạch xả thải ở cụm công nghiệp Hải Lăng.
Sau khi dư luận không đồng tình, vị trí xả thải mới của nhà máy dự kiến sẽ đổ vào hồ Đập Thanh tại thị trấn Hải Lăng (vị trí khoanh tròn màu đỏ).
Đại Dương