Người cựu chiến binh với “kho báu” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Dân trí) - “Trong cuộc đời người lính, có nhiều anh em mong gặp mặt Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, dù chỉ một lần nhưng điều đó có khi mãi mãi chỉ là mơ ước. Riêng tôi, hai lần vinh dự được gặp “Người anh cả của Quân đội”. Đến nay tôi đã sưu tầm trên 6.000 trang báo, tư liệu về vị tướng văn võ song toàn đồng thời cũng là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam”.

“Tôi tự bảo, hai lần gặp bác thôi chưa đủ, không thể hiểu hết về bác… nên tôi bắt đầu sưu tầm, góp nhặt tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Và đến nay tôi đã có trên 6.000 trang báo, tư liệu về người chỉ huy vĩ đại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Ông Trần Văn Dụy – ngụ phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

 


Qua hơn nửa đời người sưu tầm tư liệu, đến nay ông Duy được xem làm một người dân sở hữu lượng báo in lớn nhất Việt Nam.

Qua hơn nửa đời người sưu tầm tư liệu, đến nay ông Duy được xem làm một người dân sở hữu lượng báo in lớn nhất Việt Nam.

 

Mến mộ tướng Giáp khi còn đi học

Qua báo chí, chúng tôi biết đến ông Trần Văn Dụy – người trắc thủ Ra đa hai lần gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Người đang sở hữu trên 6.000 trang báo, tư liệu về người anh cả quân đội; Người đang sở hữu lượng báo in lớn nhất Việt Nam… Chúng tôi đã tìm gặp ông và ngay lập tức bị cuốn hút vào kho tư liệu khổng lồ về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông đang sở hữu.

Năm 1962, khi còn là học sinh Trường THCS Đô Lương (Nghệ An), ông đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những thông tin, bài viết trên báo, đài và từ những thông tin này, ông Dụy bắt đầu ngưỡng mộ Đại tướng để phấn đấu, học tập… cuối cùng ông Dụy đi đến quyết định gác lại việc học hành, tình nguyện gia nhập quân đội, trở thành bộ đội Rađa Phòng không 18 Ba Bể, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân.

“Đến bây giờ tôi không sao quên được ngày mà anh em chúng tôi được gặp mặt bác Giáp đầu tiên. Khi đó, đúng ngày 01/10/1964, Đại đội Rađa phòng không 18 Ba Bể của chúng tôi được điều lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc).Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và nói chuyện với anh em chúng tôi rất thân tình. Chúng tôi không nghĩ: Bác Giáp là một vị tướng vĩ đại, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu… mà khi gặp anh em chúng tôi bác vô cùng giản dị, gần gũi như người anh cả trong nhà”.

Sau lần gặp gỡ bác Giáp, người lính trẻ Trần Văn Dụy như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, qua 2 năm công tác, ông Dụy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được thăng hàm trung úy, giữ chức Đại đội trưởng. Và một lần nữa, trung úy Dụy cùng anh em trong Đại đội Ra đa vinh dự được gặp mặt và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ 2.

 


Ông Dụy sưu tầm trên 6.000 tư liệu sách, báo và hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp .

Ông Dụy sưu tầm trên 6.000 tư liệu sách, báo và hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp .

 

Ông Dụy nhớ lại: “Chiều 19/7/1965, do máy bay địch tấn công bất ngờ vào thời điểm Đại đội Rađa tạm ngừng hoạt động để bảo quản nên nhiều chiến sĩ bị thương vong. Riêng tôi bị thương ở gót chân. Dù rất bận việc, nhưng ngày 24/7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tranh thủ đến đơn vị, Bác ân cần thăm hỏi, động viên anh em. Đại tướng chỉ đạo mau chóng khắc phục trận địa, nén đau thương, đoàn kết thành sức mạnh tiếp tục sẵn sàng chiến đấu với giặc. Lúc đó, anh em chiến sĩ không chỉ không nao núng mà còn tăng thêm tinh thần chiến đấu đến ngày toàn thắng”.

Qua hai lần được gặp mặt “Người anh cả quân đội” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ông Dụy cảm thấy chưa đủ để hiểu về vị tướng tài ba này, do đó, ông Dụy tiếp tục góp nhặt, sưu tầm mọi tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở mọi lúc mọi nơi.

Tủ sách gia đình quý nhất Việt Nam

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Dụy vẫn giành một vị trí trang trọng để lưu trữ cho kho tư liệu quý giá về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đặc biệt từ ngày về hưu, ông Dụy có thời gian sắp xếp, hệ thống lại hàng ngàn tư liệu mà ông sưu tầm theo 7 mảng lớn (Văn hóa Việt Nam; Đấu tranh giành độc lập, chống ngoại xâm (1930 - 1975); Danh nhân – Thời đại Hồ Chí Minh; Việt Nam phát triển từ 1955; Các vụ án gây thiệt hại cho đất nước; Văn hóa các nước và Kinh tế, chính trị quốc phòng, an ninh…; An ninh thế giới, cảnh sát toàn cầu và các bài báo, tư liệu chép tay…) với 167 chủ đề ở 7 mảng.

Cẩn thận lật từng trang tư liệu viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông sưu tầm hơn nửa đời người, ông Dụy chia sẻ: “Mỗi khi đọc sách, báo… những tư liệu nào hay về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về khoa học kỹ thuật, về văn hóa…là tôi giữ lại, đóng thành những cuốn sách lớn rồi cho vào túi nilon bảo quản. Trong tủ sách gia đình của tôi hiện nay, tư liệu về đại tướng chiếm đa số, trên 6.000 tư liệu.”

Ông Dụy chỉ cho chúng tôi xem một bài viết về tấm gương của hai học sinh  không có 2 tay vẫn cố gắng bám con chữ và những bài viết về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp…Ông Dụy trầm ngâm chia sẻ: “Khi còn sống, trong 6 vấn đề cấp bách mà bác Giáp nêu ra, bác Giáp nhấn mạnh về giáo dục và y tế vì đây là hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Hơn nữa, bác Giáp nhắc lại lời Bác Hồ rằng “ai cũng có quyền học hành”, do đó xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí để giảm gánh nặng cho nhân dân”.

 


Những giờ rãnh rỗi, ông Dụy hay kể cho con cháu nghe về đức và tài của người chỉ huy tài ba Võ Nguyên Giáp mà cả cuộc đời ông ngưỡng mộ.

Những giờ rãnh rỗi, ông Dụy hay kể cho con cháu nghe về đức và tài của người chỉ huy tài ba Võ Nguyên Giáp mà cả cuộc đời ông ngưỡng mộ.

 

Nhân những ngày đầu năm mới, ông Dụy mở cho chúng tôi xem cuốn tư liệu “tình yêu” – chuyên lưu giữ những bài viết trên các báo về chuyện tình của các lãnh tụ, anh hùng, cán bộ chủ chốt của đất nước qua các thời kỳ, trong đó có các bài viết về tình yêu gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Tình yêu thời chiến của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi; tình cảm gia đình của nữ tướng Nguyễn Thị Định…

Ông Dụy thuật lại những câu chuyện tình của các vị tướng với nụ cười trong sáng nhưng rồi giọng ông cũng run lên khi chúng tôi nhắc đến mùa xuân thứ hai mà dân tộc ta cả nước ta không còn gặp mặt vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp nữa, ông Dụy xúc động chia sẻ: “Bác Giáp ra đi cả dân tộc tiếc thương nhưng chúng ta phải biến những điều không vui đó thành những hành động cụ thể, giúp nước nhà phát triển đó là điều Bác Hồ, Đại tướng mong mỏi nhất.”

Chúng tôi muốn nghe tiếp những câu chuyện của ông kể về Bác Hồ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp… nhưng đến giờ ông Dụy đi họp chi bộ Đảng ở khu vực, ông đưa chúng tôi ra khỏi con hẻm nhỏ dẫn vào nhà ông ở phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá. Ra khỏi hẻm, trước mắt chúng tôi là một con đường lớn rộng thênh thang, hai bên đường rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước 40 năm hoàn toàn thống nhất.

Nguyễn Hành