1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người có “tài” cảm hóa các đại ca giang hồ

“Ác lai, ác báo là bể khổ trầm luân, tôi chỉ mong họ quay đầu. Phật dạy quay đầu là bờ” - đó là cách ông Lê Công Thượng, chủ quán cơm chay từ thiện Thiện Tâm, nói về việc thu phục giới giang hồ TPHCM hoàn lương của mình.

Với việc làm đầy ý nghĩa đó, ông Lê Công Thượng được giới giang hồ đặt cho cái tên mộc mạc “ông Sáu hoàn lương”.

 

Người có “tài” cảm hóa các đại ca giang hồ  - 1
Ông Lê Công Thượng (phải) khuyên nhủ “đại ca” V. “chùa Miên” hoàn lương.

 

Giới giang hồ “tâm phục khẩu phục”

 

Một ngày cuối tháng 8, tôi gặp Trịnh Hoàng V. (trú Lê Văn Sỹ, Q.3) đang say sưa chăm sóc chim tại nhà. Nhìn cái dáng nhỏ thó của anh, ít ai biết V. từng là một đại ca trong giới giang hồ với biệt danh “đại ca V. chùa Miên”.

 

Chỉ cần V. quét mắt hay gật đầu là đám đệ tử bu vào chém người hoặc dựng sới gà đỏ đen khắp TPHCM. Từ ngày “gác kiếm” giang hồ, anh say mê nuôi sóc và chim. Không chỉ vậy, mỗi tuần đều đặn ba ngày anh đi phụ giúp bưng bê tại quán cơm chay từ thiện Thiện Tâm. Việc V. “rửa tay gác kiếm” làm không ít anh chị trong giới giang hồ “ngứa mắt” và họ không để anh yên.

 

“Tháng trước, liên tiếp hai ngày liền tôi bị giang hồ chém suýt chết vì chuyện hoàn lương. Nếu không nhờ có “ông Sáu hoàn lương” thương tình giúp đỡ tiền thuốc men, chắc tôi đi gặp ông bà rồi”. V. nói rồi kéo áo chỉ những vết chém, vết đâm chí tử trên người.

 

Lý giải về chuyện hoàn lương của mình, V. xúc động: “Từ ngày gặp và nghe ông Sáu khuyên nhủ tránh xa con đường tội lỗi, tôi hứa với lòng là giã từ kiếp giang hồ. Giờ tôi xem ông Sáu như cha”.

 

Nếu V. là đại ca thì “Sóc Đen” ở “xóm chùa Miên” là “đại ca của các đại ca” ở TPHCM. Nhiều đại ca trong giới giang hồ ở TPHCM đâm thuê, chém mướn không run tay nhưng khi ngồi đối diện lại không dám nhìn thẳng mặt “Sóc Đen”.

 

Trong người “Sóc Đen” lúc nào cũng kè kè cây lê mà chỉ cần “ngứa mắt” là đối thủ bỏ mạng. Thành tích bảo kê, chém giết khiến “Sóc Đen” vào ra trại giam như đi chợ.

 

Từ ngày ra tù, “Sóc Đen” lê la đến quán cơm từ thiện Thiện Tâm. V. “chùa Miên” nói: “Khi còn sống anh “Sóc Đen” tâm sự rằng, mang ơn ông Sáu nhiều. Ông khuyên anh nên cố gắng tránh xa con đường tội lỗi. Ông giúp anh miếng ăn và tiền bạc. Anh hứa sẽ cố gắng làm theo lời ông Sáu”.

 

Trong đời “Sóc Đen” chưa từng biết dạ thưa ai, chưa từng biết phục tùng bất cứ đại ca nào, nhưng trước ông Sáu, anh phải “tâm phục, khẩu phục”. Tiếc rằng, ý định “quay đầu là bờ” của “Sóc Đen” chưa thành. Gần một năm trước, “Sóc Đen” bị tai nạn, rơi xuống dòng kênh Nhiêu Lộc tử nạn.

 

Cái tình thắng cái ác

 

“Năm 2007, tôi mở quán cơm chay Thiện Tâm (Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3, TPHCM), giới anh chị tới rất đông, trong đó có cả “Sóc Đen”. Tôi bảo họ rằng, đây là nơi làm từ thiện. Thích chém giết thì đi nơi khác, còn muốn hoàn lương thì mời đến chơi”, ông Sáu nói.

 

Không ngờ họ đến với ông thật. Với lai lịch đầy những vết “trầy xước” nhưng ông tin rằng: “Dù độc ác, tội lỗi thế nào thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người cái thiện vẫn tồn tại”.

 

Chính vì vậy mà ông khơi gợi chút lương tâm còn sót lại trong mỗi con người các đại ca giang hồ. Ròng rã suốt bốn năm trời, ông giúp cho gần 20 đại ca đâm thuê, chém mướn, buôn bán ma túy, cướp giật… “quay đầu vào bờ”. Có người sau khi mãn hạn tù đến xin ông giúp đỡ để hoàn lương.

 

“Một phạm nhân vừa mãn hạn tù đã đến đây xin tôi bộ đồ, đôi dép, thậm chí cả điện thoại để đi xin làm bảo vệ. Tôi cho và khuyên nhủ thật nhiều. Thật mừng, anh ta đã xin được một chân bảo vệ và đến giờ đã trở thành người lương thiện”, ông Sáu kể.

 

Một cán bộ ở địa phương cho biết đối với những đại ca giang hồ mà ông Sáu giúp, trong đời họ chẳng biết sợ là gì kể cả trại giam hoặc cơ quan thực thi pháp luật. Thế nhưng họ lại “sợ” cái tình của ông Sáu.

 

Ông Đào Công Thức, cảnh sát khu vực P.7, Q.3 cho biết ông Sáu làm rất tốt công việc cảm hóa những đối tượng tội phạm, phạm nhân mãn hạn tù. Ông tạo công ăn việc làm, hỗ trợ tiền bạc để họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống, từ bỏ con đường phạm tội.

 

“Tôi biết có phạm nhân khi mãn hạn tù về địa phương được ông Sáu cho tiền mua xe máy để chạy xe ôm, thuê nhà cho gia đình ở, cho tiền học lái xe… Ông đang làm một công việc rất có ích cho xã hội, rất đáng trân trọng”, bà Hoàng Thị Thêm, Tổ trưởng tổ 40, P.7, Q.3 tự hào khi nói về ông Sáu.

 

Theo Báo Đất Việt

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm