1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người bị oan sai phải làm đơn yêu cầu mới được xin lỗi?

(Dân trí) - “Khi còng tay, bắt người ta dẫn đi đều trước sự chứng kiến, giám sát của biết bao đồng nghiệp trong cơ quan, làng xóm láng giềng; vậy mà sau này khi người ta bị oan lại phải làm đơn yêu cầu mới được xin lỗi...” - đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) thẳng thắn trao đổi tại buổi thảo luận sáng 31/5.

Ông Nguyễn Khắc Định- Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)
Ông Nguyễn Khắc Định- Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 31/5, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng để tránh tình trạng người bị thiệt hại cùng một lúc yêu cầu nhiều cơ quan giải quyết bồi thường, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) đã bổ sung nguyên tắc người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết.

Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo luật, theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy vậy cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội và Bộ Công an đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường thuộc về viện kiểm sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan thì Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Qua tổng hợp, đa số ý kiến đề nghị giữ quy định về các nội dung này như dự thảo luật.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường là cần thiết để góp phần giảm bớt khó khăn trước mắt cho người bị thiệt hại. Quy định như vậy cũng không trái với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

“Để đảm bảo tính chặt chẽ, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã bổ sung quy định cụ thể những thiệt hại được tạm ứng. Theo đó chỉ tạm ứng đối với những thiệt hại về tinh thần và những thiệt hại có thể xác định được ngay mà không cần xác minh, đồng thời chỉnh lý quy định về mức tạm ứng không quá 50% thành không dưới 50% giá trị các thiệt hại”- ông Định nói.

Về trách nhiệm hoàn trả, dự thảo luật đã xác định rõ mức hoàn trả căn cứ vào yếu tố lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người thi hành công vụ. Mức hoàn trả cụ thể như dự thảo quy định đã được cân nhắc, tính toán trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi.

Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người cũng được xác định theo nguyên tắc như đối với trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý, ông Định cho biết dự thảo luật đã nêu rõ mức hoàn trả được xác định căn cứ vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ và số tiền Nhà nước đã bồi thường.

“Trong mọi trường hợp Nhà nước đã bồi thường, người thi hành công vụ nếu có lỗi đều có trách nhiệm hoàn trả. Hoàn cảnh kinh tế của người thi hành công vụ chỉ là một trong những điều kiện để xác định giảm mức hoàn trả chứ không phải là căn cứ để xác định trách nhiệm hoàn trả. Quy định về mức khấu trừ vào tiền lương cũng được xác định trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của người thi hành công vụ và gia đình của họ”- ông Định nhấn mạnh.

"Không để người dân xin mình mới phục vụ"

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội - băn khoăn về quy định chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu thì cơ quan gây oan sai mới xin lỗi công khai.

Từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế VKSND Tối cao, bà Thuỷ khẳng định việc viện dẫn Điều 34 Bộ luật Dân sự để kết luận rằng người bị oan phải có đơn thì cơ quan gây ra oan sai mới xin lỗi, cải chính công khai là không phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)

“Khi còng tay, bắt người ta dẫn đi đều trước sự chứng kiến, giám sát của biết bao đồng nghiệp trong cơ quan, làng xóm láng giềng, mà sau này khi người ta bị oan lại phải làm đơn yêu cầu mới xin lỗi thì phải cân nhắc lại”- bà Thuỷ nói.

Nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn đề nghị trong mọi trường hợp khi có văn bản xác định bị oan thì cơ quan nhà nước phải chủ động tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường cho họ, trừ trường hợp người bị oan có văn bản không cần phải xin lỗi.

Đồng tình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội - thẳng thắn: “Chúng ta đang xây dựng nhà nước văn minh, lịch sự, bình thường khi phạm lỗi với ai thì còn phải xin lỗi trước cơ mà. Không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt người có trình độ văn hoá thấp. Chúng ta đang xây dựng nhà nước phục vụ, không để người dân xin mình mới phục vụ. Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động, thay vì bắt buộc người dân bị oan phải đi đòi hỏi mới xin lỗi”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội - cho rằng phải có hai chủ thể là người trực tiếp gây oan sai và đại diện cơ quan gây ra oan sai cùng đứng ra xin lỗi người bị oan thì mới thoả đáng.

“Không thể gây ra oan sai nhưng ngày tổ chức xin lỗi thì người đó lại ở đâu đó, chỉ có người đại diện cơ quan gây ra oan sai đứng ra xin lỗi. Tôi cho rằng việc xin lỗi công khai thì phải có cá nhân người gây lỗi đứng ra xin lỗi người bị oan”- ông Chiến nêu quan điểm.

Không thành lập Quỹ bồi thường độc lập

Theo ông Nguyễn Khắc Định, một số ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có bị tịch thu, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thành lập quỹ sẽ dẫn tới phát sinh tổ chức bộ máy, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay.

Thế Kha