1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Người bị cáo buộc “thúc cùi chỏ” làm CSGT té ngửa nói gì?

(Dân trí) - Anh Phạm Thanh Qua - người bị cáo buộc đã “thúc cùi chỏ" vào ngực làm một cảnh sát giao thông TP.Quy Nhơn (Bình Định) té ngã khẳng định rằng mình không hề đẩy mà anh công an tự ngã...

CSGT không ngã lúc đó, sự việc đã khác?

Ngày 10/11, Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - Trưởng Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) cho biết đã báo cáo với Công an tỉnh Bình Định và công bố thông tin chính thức về vụ việc liên quan đến va chạm giữa CSGT với nhóm thanh niên trên đường Diên Hồng (TP Quy Nhơn) vào tối 7/11.

Đây là việc được một số thanh niên quay clip, đưa lên mạng xã hội Facebook gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Trong clip có đoạn Thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh (thuộc CSGT Công an TP Quy Nhơn) bị ngã trong lúc giằng co. Người bị cáo buộc “thúc cùi chỏ” khiến người cảnh sát giao thông này ngã là anh Phạm Thanh Qua.

Thiếu úy Linh khẳng định do trời mưa đường trơn trượt cộng với lực đẩy của cùi chỏ anh Qua nên té ra sau chứ không phải giả vờ.
Thiếu úy Linh khẳng định do trời mưa đường trơn trượt cộng với lực đẩy của cùi chỏ anh Qua nên té ra sau chứ không phải giả vờ.

Liên quan đến vụ việc này, anh Qua đã có chia sẻ với báo chí rằng bản thân anh rất bất bình vì cách xử lý tai nạn của CSGT Công an TP Quy Nhơn. Anh cũng khẳng định rằng mình không hề đẩy mà đồng chí CSGT tự ngã (?).

Theo anh Qua, sau khi xảy ra va chạm giữa mô tô 77L1-303.79 và mô tô 77L1-938.49 thì có 2 người đàn ông lớn tuổi đến uy hiếp, đòi đánh nhóm của Qua (gồm Tuấn và Tuyển) và đòi bồi thường 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi công an và CSGT đến, các cán bộ lại để cho mô tô 77L1-303.79 đi rồi đưa mô tô 77L1-938.49 về trụ sở công an.

“Lúc đó, tôi thấy bất bình nên mới lại nói tại sao lại để xe 77L1-303.79 đi? Anh CSGT trả lời là nó đi nhưng ở đây có hình ảnh, biển số để làm việc sau. Sau đó, tôi mới hỏi mấy anh CSGT là biển tên các anh đâu? Trong khi đó, Thiếu úy kia áp sát người tôi xô tôi ra. Tôi hỏi lại biển tên các anh đâu, trong khi đó tay tôi vịn vào xe máy, nhưng Thiếu úy kia tự ngã rồi lại chỉ tay vào tôi. Sau đó, các anh công an xông vào khống chế, đưa tôi về đồn công an”, anh Qua kể lại.

Anh Qua cho rằng CSGT tự té ngã chứ mình không có tác động gì. “Nếu anh CSGT không ngã vào lúc đó thì sự việc sẽ khác. Tôi cũng sẽ không bị bắt về đồn”, anh Qua nói.

“CSGT trượt chân ngã vì trời mưa đường trơn trượt, cộng lực cùi chỏ”

Trong khi đó, thiếu úy Đinh Công Hoàng Linh, người bất ngờ ngã ngửa ra đường trong lúc nói chuyện với thanh niên trong clip được đăng tải trên mạng xã hội khẳng định mình bị ngã thật chứ không phải giả vờ. Trước đó, có nhiều thông tin phán đoán được đưa ra rằng việc ngã ra đường là do CSGT cố tình “diễn” để có cớ xử lý đối tượng.

Nói về nội dung này, thiếu úy Linh trần tình: “Trước khi chúng tôi có mặt tại hiện trường vụ TNGT trời vừa mưa lớn, đường trơn trượt. Khi giằng co với Phạm Thanh Qua để đưa xe về trụ sở cơ quan thì tôi bị Qua húc cùi chỏ vào ngực. Tuy cú thúc chỏ không đau nhưng do bị thất thế, đường trơn trượt, cộng với lực đẩy của Qua nên tôi mới ngã ra sau, chứ chẳng phải diễn”.

Theo thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - Trưởng Công an TP Quy Nhơn (Bình Định), hiện những thanh niên có mặt trong vụ việc đã được công an mời đến làm việc. Những người này đã nhận lỗi vì hành vi sai trái của mình.

“Tuy nhiên, những thanh niên này nhận thức không đúng vì cho rằng công an chỉ giữ 1 xe trong vụ tai nạn. Khi xử lý các vụ TNGT thì CSGT phải làm việc với cả 2 bên, sau đó đưa xe về cơ quan để xác định nguyên nhân. Chiếc xe còn lại trong vụ tai nạn đã rời khỏi hiện trường thì CSGT cũng phải đi tìm về để làm việc, chứ không phải bỏ qua”, thượng tá Long nói.

Còn với người đăng tải clip, ông Long nói: “Clip đăng lên theo kiểu thông tin một phía, khiến dư luận nổ ra những phán đoán, bình luận trái chiều. Chúng tôi sẽ mời người này lên làm việc để có cơ sở xử lý”.

“Cơ bản vụ việc đã rõ, có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xem xét xử lý ở mức độ giáo dục là chính để các thanh niên này nhận thấy sai. Phải làm rõ vụ việc để giúp dư luận hiểu được đúng bản chất, không như thông tin phản ánh trong clip”, ông Long nói thêm.

Như Dân trí đã thông tin, từ sáng 8/11, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ một clip có hình ảnh một số CSGT giằng co với một số người dân. Khi đang nói chuyện với người dân, một CSGT bất ngờ té ngã ra đường. Người đàn ông lập tức liên tục kêu lên: “Bậy! Bậy! Bậy!...” để khẳng định mình không hề có va chạm gây té ngã đối với chiến sĩ CSGT.

Doãn Công