Người anh trong cặp song sinh Việt - Đức đã qua đời
1h30 ngày 6/10, Nguyễn Việt, người anh trong cặp song sinh Việt Đức được tách đôi năm 1988, đã qua đời sau 19 năm mắc chứng viêm não và sống đời sống thực vật.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, Việt qua đời do viêm phổi, xuất huyết đường tiểu và túi mủ phát triển rất nhanh cạnh thận.
Bác sĩ Phượng cho biết thêm, do thể trạng của Việt yếu nên bệnh viện không thể tiến hành phẫu thuật mà chỉ dùng kháng sinh loại mạnh để chữa trị.
Việt bị viêm não cấp từ năm 1986, đến ngày 28/4/2007, thì bệnh nặng trở lại, với các triệu chứng viêm phổi, thiếu máu, suy thận, mạch huyết áp dao động và nhiễm trùng.
Bác sĩ Trương Quốc Việt, Trưởng Khoa Hồi sức Bệnh viện Từ Dũ, cho biết, dù đã được rất nhiều các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và túc trực chăm sóc nhưng do các chức năng của cơ thể đã bị suy kiệt nên Việt không vượt qua được.
Nguyên nhân khiến Việt yếu thể trạng là do trước đây, khi được phẫu thuật tách đôi cùng với Đức những bộ phận quan trọng như hậu môn, bộ phận sinh dục, phần lớn thành bụng... đều được ưu tiên dành cho Đức.
Lễ viếng bắt đầu từ lúc 17h ngày 6/10 và hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Hài cốt của anh được chôn cất tại chùa Lâm Tế, quận 1, TPHCM.
Ngày 25/2/1981, tại Kon-Tum, cặp song sinh Việt - Đức ra đời trong tình trạng dính liền do bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Năm 1987, các bác sĩ phát hiện Việt bắt đầu bị viêm não và ngày càng nặng hơn.
Để không ảnh hưởng đến Đức, nhóm bác sĩ thuộc các chuyên khoa sản, ngoại, nhi được thành lập để tiến hành ca mổ dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Nhật về trang thiết bị và kỹ thuật.
Ngày 4/10/1988, êkíp gồm bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng nhiều bác sĩ khác đã mổ tách rời 2 bé song sinh Nguyễn Đức và Nguyễn Việt.
Ca mổ kéo dài khoảng 12 giờ. Theo bác sĩ Văn Tần, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, người trực tiếp tham gia mổ Việt - Đức, đây là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca thứ 7 trên thế giới.
Sau ca mổ, cả Đức và Việt đều phải mang hậu môn nhân tạo trên bụng. Sau hơn một năm, Đức được đưa sang Nhật để đóng hậu môn nhân tạo trên bụng và đưa hậu môn trở về vị trí bình thường. Nhưng cũng từ ấy, Việt bị bại não hoàn toàn và sống đời sống thực vật.
Việt và Đức được nuôi dưỡng tại Làng trẻ Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Đức đã có vợ con và là nhân viên văn phòng tại bệnh viện. |
Theo Thiên Chương
Vnexpress