1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngư dân là cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo

Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân Việt Nam.

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh) về vấn đề này.

 

´Thưa ông, xin ông cho biết việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam đã ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động khai thác cá của ngư dân nước ta?


Hiện đang là mùa khai thác chính của ngư dân miền Trung với ngư trường chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía nam đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền Việt Nam và đưa một số lượng lớn tàu (86 tàu), trong đó có tàu săn ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, máy bay... khiến cho ngư dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác hải sản tại vùng biển này; gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế cho ngư dân. Các tàu của Trung Quốc liên tục xua đuổi, quấy phá, đâm vào tàu cá, tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam.
 
Ngư dân là cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo

 

Ngư dân Việt Nam cũng bị xua đuổi, bắt bớ, cướp phá, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đợt vừa qua, tàu của ngư dân Lộc ở đảo Lý Sơn (Đà Nẵng) đã bị tàu của Trung Quốc đâm hỏng, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng cho gia đình ông.


Chúng tôi chưa thể thống kê hết được thiệt hại của ngư dân mình nhưng vụ cá nam hiện nay là vụ khai thác chính của ngư dân khu vực miền Trung (chiếm 2/3 tổng sản lượng khai thác của ngư dân). Nếu việc khai thác trong vụ này bị ảnh hưởng thì chắc chắn sản lượng khai thác cá của người dân nói chung sẽ sụt giảm.

 

´ Đứng trước những thách thức này, Hội Nghề cá sẽ làm gì để giúp đỡ ngư dân, thưa ông?


Trước tiên, Hội Nghề cá tiếp nhận thông tin từ các chi hội nghề cá ở địa phương gửi về. Từ đó, chúng tôi sẽ tổng hợp, kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng của Nhà nước, đề nghị giúp đỡ ngư dân bám biển.


Thứ nhất, Hội Nghề cá kiến nghị Nhà nước có chính sách giúp ngư dân về vốn nhằm đầu tư đóng mới phương tiện, sửa chữa nhanh phương tiện để tiếp tục ra khơi khai thác. Nhà nước cũng cần có nguồn vốn cho ngư dân vay dài hạn hơn, lãi suất thấp hơn để thực hiện chủ trương đóng tàu sắt đánh bắt xa bờ. Hiện nay, giá thành của tàu sắt quá lớn, tính ra khoảng 8,5 tỷ đồng/chiếc, ngư dân được vay khoảng 30%, tương đương 2,5 tỷ đồng. Còn lại khoảng 6 tỷ đồng, ngư dân phải tự bỏ ra. Số tiền này quá lớn đối với hầu hết ngư dân.


Thứ hai, Hội Nghề cá đề nghị Chính phủ có chính sách xã hội phù hợp để ngư dân yên tâm hơn khi đánh bắt xa bờ. Ngư dân khai thác xa bờ không chỉ vì mưu sinh mà họ còn là những chiến sĩ, cột mốc sống trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Hội Nghề cá đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét lại chính sách bảo hiểm phương tiện tàu thuyền của ngư dân, đặc biệt là bảo hiểm thân thể của ngư dân khi đánh bắt trên biển.


Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá. Hiện nay, chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng nghề cá đảm bảo cho việc bảo quản sau thu hoạch. Do vậy, hàng năm chúng ta vẫn bị thất thoát 30% sản lượng khai thác do khâu bảo quản chưa tốt. Chất lượng hải sản cũng giảm nhiều. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để ngư dân đóng những phương tiện có khả năng lưu trữ hải sản sau khi khai thác.

 

´Vừa qua, Nhà nước có chủ trương xây dựng mô hình tổ đội đánh bắt xa bờ. Những tổ đội này đã phát huy tác dụng như thế nào, thưa ông?


Ông bà ta có câu “thuyền tam, bộ nhị”, ý nói việc khai thác trên biển tối thiểu phải có 3 thuyền khai thác gần nhau để bảo vệ nhau. Việc xây dựng tổ đội đánh bắt hải sản trên biển đã phát huy hiệu quả khá tốt trong thời gian qua.


Bên cạnh đó, việc Nhà nước trang bị cho các tàu cá bộ định vị, thông tin liên lạc đã giúp cho hệ thống thông tin liên lạc được xuyên suốt từ tàu, thuyền của ngư dân tới tận Cục Kiểm ngư, biên phòng... Đặc biệt, việc liên lạc càng cần thiết hơn khi Trung Quốc đang có những hành động quấy phá tại vùng biển nước ta. Nhờ hệ thống thông tin liên lạc và mô hình tổ đội, ngư dân đã trợ giúp lẫn nhau rất tốt khi tàu bè gặp sự cố.


Về phía Hội Nghề cá, chúng tôi luôn sát cánh, ủng hộ, thăm hỏi khi ngư dân gặp sự cố và động viên để bà con yên tâm bám biển.


Xin cảm ơn ông!


Theo Hữu Vinh 
Baotintuc.vn