1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngư dân vững lòng, hàng loạt tàu cá rẽ sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa

(Dân trí) - Sáng nay (14/5), PV Dân trí ghi nhận hình ảnh hàng loạt tàu cá của ngư dân Khánh Hòa, Đà Nẵng đồng loạt xuất bến ra khơi, bất chấp Trung Quốc đang vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam.



Từ khoảng 8h sáng nay, tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang), những chiếc tàu cá hành nghề lưới cản (lưới rê) đầu tiên đã nhổ neo xuất bến. Từ phía đất liền, mũi tàu hướng thẳng ra biển Đông với quyết tâm khẳng định chủ quyền, bảo vệ ngư trường đánh bắt truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1…

Sau đó, những chiếc tàu công suất lớn đang neo đậu tại khu vực Hòn Rớ tiếp tục nhổ neo ra khơi. Đứng từ xa hàng trăm mét cũng có thể thấy rất rõ từ trên cabin, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên tàu. Trong buổi sáng nay, số tàu cá nhổ neo xuất bến mỗi lúc mỗi đông. Ngư dân vươn với một niềm tin: Sự đoàn kết trên biển sẽ là sức mạnh để giúp họ vượt qua nhiều khó khăn, gian nan; chống lại các hành động quấy phá, xua đuổi trái phép của tàu Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, chỉ tính riêng phương tiện đánh bắt xa bờ, Khánh Hòa có khoảng 1.200 tàu cá, trong đó có hơn 500 tàu cá thường xuyên đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1…

“Hôm qua chúng tôi đã tổ chức hội thảo, hỗ trợ, động viên bà con tham gia đánh bắt để giữ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bà con khi có sự cố, tai nạn bất ngờ trên biển”, ông Đẩu khẳng định.
 
Trên cabin, cờ Tổ quốc được ngư dân treo ngay ngắn trên cột buồm, màu đỏ thắm, tung bay phấp phới.
Trên cabin, cờ Tổ quốc được ngư dân treo ngay ngắn trên cột buồm, màu đỏ thắm, tung bay phấp phới.
Trên cabin, cờ Tổ quốc được ngư dân treo ngay ngắn trên cột buồm, màu đỏ thắm, tung bay phấp phới.
 
Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) những ngày này cũng vẫn tấp nập tàu đánh bắt hải sản ra vào. Đang chỉ đạo anh em bốc hàng hóa, thực phẩm lên tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo, anh Lê Quang Chưởng, chủ tàu QNg 94123 TS cho biết, tàu của anh cập bến cách đây 3 ngày và đang chuẩn bị nhiên liệu để vươn khơi trong vài tiếng đồng hồ nữa. Đợt này, tàu chuẩn bị 5 tạ gạo, 1.000 cây đá, 13.000 lít dầu và khoảng 70 triệu đồng đồ ăn khô đáp ứng nhu cầu ăn uống cho 15 ngư dân trên tàu. Dự kiến tàu sẽ đi từ 15 - 20 ngày. Ngư trường đánh bắt vẫn là ngư trường quen thuộc Hoàng Sa.
 
 
Sau chuyến biển, các ngư dân vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo
Sau chuyến biển, các ngư dân vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo

Nói về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, anh Chưởng cho biết: “Đó là hành động không thể chấp nhận được. Trong chuyến đánh bắt vừa rồi, tàu của anh bị máy bay và tàu của Trung Quốc xua đuổi. Chúng đuổi chỗ này thì mình đi chỗ khác chứ mình không thể đối đầu với chúng vì tàu của chúng to, tàu mình lại nhỏ. Nhưng dù thế nào anh em chúng tôi cũng không thể bỏ biển. Đất nước mình, quê hương mình thì mình phải giữ chứ”.

Còn ông Nguyễn Canh, ngư dân trên tàu QNg 94123 TS thì cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc gây khó khăn cho ngư dân Việt Nam nhưng từ trước đến giờ đã thấy ai bỏ biển vì sợ Trung Quốc.

Ngư dân tàu QNg 94123 TS của anh Lê Quang Chưởng đang bốc gạo lên tàu để chuẩn bị vươn khơi
Ngư dân tàu QNg 94123 TS của anh Lê Quang Chưởng đang bốc gạo lên tàu để chuẩn bị vươn khơi

Đang vá lại những tấm lưới bị rách sau chuyến ra khơi vừa rồi,ông Lê Văn Tiến (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, tổ trưởng đội tàu Xuân Hà), chủ tàu DNa 90052 cho biết, những ngày qua, song song việc lên án quyết liệt hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, ngư dân cũng khích lệ nhau tham gia đánh bắt bình thường. Để tránh hành động gây hấn từ phía Trung Quốc, tổ ngư nghiệp của ông Tiến luôn đưa ra nguyên tắc: không nên tự ý đi đánh bắt riêng lẻ nhằm đề phòng bất trắc. Còn nếu gặp tàu Trung Quốc cũng cần tránh va chạm, đồng thời thông tin liên lạc về đất liền ngay lập tức để lực lượng chức năng có hướng xử lý các sự cố thích hợp nhất.

Ngư dân vững tin tiến ra biển Hoàng Sa vì đó là vùng lãnh thổ ngàn đời của ông cha ta
Ngư dân vững tin tiến ra biển Hoàng Sa vì đó là vùng lãnh thổ ngàn đời của ông cha ta

Còn ông Nguyễn Văn Bảy (45 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng, chủ tàu DNa 90493 TS) sau chuyến biển dài ngày thì cũng đang tiếp tục sửa sang lại con tàu để tiếp tục vươn khơi. Ông Bảy cho biết, ngư dân đi ngoài khơi xa hiện nay cần có tàu hậu cần thu mua ngay trên biển rồi mua lại nhiên liệu, thực phẩm, đá để tiếp tục bám biển. Có như thế ngư dân mới yên tâm đánh bắt dài ngày trên vùng biển chủ quyền của ta.

Theo Hội nghề cá TP Đà Nẵng cho biết, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng lãnh hải của Việt Nam không làm ngư dân sợ sệt mà càng khiến họ quyết tâm hơn. Tuy nhiên, nếu như trước đây từ Đà Nẵng đi thẳng ra Hoàng Sa thì nay ngư dân phải đi đường vòng nên chi phí xăng dầu tốn kém hơn. Hội cũng thường xuyên động viên ngư dân quyết tâm bám biển và đang khảo sát lại những ngư dân có khó khăn, sẽ tổ chức đi thăm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Lĩnh - quyền Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Đà Nẵng - cho biết, đối với ngư dân, những chuyến biển dài ngày họ cần nhiều thứ như thực phẩm, nước, đá nhưng quan trọng nhất là nhiên liệu vì nhiên liệu chiếm rất lớn trong tổng phí tổn của ngư dân.

Mặc dù nhà nước đã có hỗ trợ nhưng ngư dân vẫn rất cần sự hỗ trợ của các nguồn khác. Nói chung, xã hội hỗ trợ gì thì ngư dân chúng tôi nhận thế đó, nhất là sự chia sẻ, động viên của người dân của cả nước trong tình hình hiện nay”, ông Lĩnh chia sẻ.

Được biết, hiện nay toàn TP Đà Nẵng có gần 1.300 tàu cá công suất lớn, trong đó có trên 240 tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Viết Hảo - Khánh Hồng - Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm