1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngư dân không kiên cường bám biển, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới

(Dân trí) - “Nhiều lúc chúng tôi phát hiện ra luồng cá, tiến hành thả lưới nhưng bị tàu của Trung Quốc xua đuổi nên phải bỏ chạy, có khi thất thu cả trăm triệu đồng. Nhưng dù cho Trung Quốc có xua đuổi, chúng tôi vẫn bám biển vì đó là vùng biển của chúng ta”.

Đi dọc theo các cầu cảng dành cho tàu cá vào neo đậu bán hàng ở khu vực cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) vào những ngày này hầu như vắng bóng những con tàu công suất lớn neo đậu. Hỏi ra mới biết toàn bộ các tàu đã ra vươn khơi xa, trong bờ chỉ còn lại những con tàu nhỏ đánh bắt ven bờ.

Ngư dân không kiên cường bám biển, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới
Chủ tàu cá QNa 90244 Huỳnh Văn Tạo đang kể với PV về hành vi của tàu Trung Quốc ép tàu cá của ngư dân Quảng Nam

Trong số hàng trăm tàu công suất lớn của tỉnh Quảng Nam đi đánh bắt xa bờ, tại bến cá này có vài tàu vừa vào bờ; đó là ông Huỳnh Văn Tạo (50 tuổi, thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam, chủ tàu QNa 90244 với công suất 550CV).

Ông Tạo cho biết tàu ông cũng vừa về, bán cá xong lại chuẩn bị tiếp tục vươn khơi. Theo ông Tạo cho biết, anh em nhà ông có đội tàu 3 chiếc công suất lớn chuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Bình quân mỗi năm, đội tàu của anh em ông thực hiện từ 8-10 chuyến biển, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, ngư dân Quảng Nam cho biết trong 2 năm gần đây cuộc sống của ngư dân Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành nói chung bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh cấm đánh bắt phi lý hàng năm của Trung Quốc áp đặt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam; nay lại thêm việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trên khu vực Hoàng Sa lại càng làm cho ngư dân thêm khó khăn.

Ngư dân không kiên cường bám biển, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới
Ông Nguyễn Trung Thành (trái), chủ tàu cá QNa 90424 và ông Huỳnh Văn Tạo đại diện cho hàng ngàn ngư dân Quảng Nam phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, gây cản trở rất lớn đến công việc làm ăn bình thường của ngư dân

Không giấu được bức xúc, ông Huỳnh Văn Tạo nói: “Đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà nay Trung Quốc lại mang giàn khoan ra án ngữ; đây là khu vực có nguồn cá dồi dào, là tuyến đường di chuyển của hầu hết ngư dân trên đường sản xuất, không chỉ ngư dân Quảng Nam mà ngư dân các tỉnh khác đều bức xúc”.

“Bình thường chưa có giàn khoan, lực lượng hải giám của Trung Quốc đã uy hiếp ngư dân, phá công cụ sản xuất, rượt đuổi tàu cá… Nay là thêm việc đặt giàn khoan thì ngư dân chúng tôi càng khó khăn trong sản xuất. Ngư dân chúng tôi rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc”, ông Tạo bức xúc nói.

Tuy nhiên, dù cho Trung Quốc có hung hăng đến đâu thì ngư dân Quảng Nam vẫn kiên cường bám vùng biển chủ quyền của quê hương. Bằng chứng như ông Tạo nói là hiện gia đình ông còn 2 chiếc tàu công suất lớn khác đang hoạt động sản xuất gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981, còn chiếc vừa về sau khi bán hàng và nghỉ ngơi vài ngày lại tiếp tục vươn khơi.

Một tàu cá khác cũng vừa cập cảng là tàu cá làm nghề lưới vây mang số hiệu QNa 90424 TS với công suất 420 CV gồm 14 lao động của ông Nguyễn Trung Thành (trú xã Tam Hải, Núi Thành). Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành cũng không giấu nổi nỗi bức xúc vì sự bành trướng của Trung Quốc trên khu vực vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ông cho biết chính tàu cá của mình đã vài lần bị các tàu Hải giám của Trung Quốc truy đuổi khi đang hoạt động bình thường trên vùng biển của Việt Nam.

Ngày đầu tháng 5 này khi Trung Quốc đặt giàn khoan ở khu vực Hoàng Sa, tàu của ông đi ngang qua cũng bị xua đuổi. Việc nhiều lần ngư dân bị các tàu của Trung Quốc xua đuổi gây nhiều khó khăn như tốn nhiều nhiên liệu hơn để đi vòng xuống phía dưới mới ra được ngư trường, tốn nhiều thời gian hơn cho công việc đánh bắt… Vì thế, thời gian gần đây thu nhập của ngư dân cũng giảm sút.

“Nhiều lúc chúng tôi phát hiện ra luồng cá và tiến hành thả lưới nhưng bị tàu của Trung Quốc xua đuổi nên phải bỏ chạy, mỗi lần như vậy có khi thất thu cả trăm triệu đồng”, ông Thành cho biết và khẳng định: “Dù cho Trung Quốc có xua đuổi nhưng chúng tôi không sợ mà vẫn bám biển vì đó là vùng biển của chúng ta”.

Ngư dân không kiên cường bám biển, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới
Tại khu vực cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) rất ít tàu công suất lớn vì hiện nay là mùa vụ cá chính trong năm

Hầu hết ngư dân Quảng Nam mà chúng tôi tiếp xúc đều không khỏi bức xúc với việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên ngư trường truyền thống của mình. Tuy nhiên, các ngư dân cũng khẳng định cho dù có bị Trung Quốc gây cản trở trong quá trình sản xuất nhưng không vì thế mà từ bỏ ngư trường truyền thống của ông cha ta để lại.

Ngư dân cho rằng nếu mình không hiện diện tại vùng biển đó thì Trung Quốc được đà lấn tới, từ đó mất luôn ngư trường. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư, ngư dân Quảng Nam nói riêng và các tỉnh nói chung rất yên tâm trong mỗi chuyến biển của mình trong thời gian này.

Đối với ngư dân đang làm việc trên các tàu cá khơi xa tại xã Tam Quang, cuộc sống cũng hết sức khó khăn. Đến thăm nhà bà Võ Thị Bích Loan (46 tuổi, ở thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) khi chồng là ông Trần Giao (46 tuổi) còn đang lênh đênh trên biển với tàu cá QNa 90028 TS của ông Phạm Văn Thái (trú cùng xã); trong nhà có 3 mẹ con thì cả 3 đều bị bệnh tim và đã mổ cách đây vài năm.

Bà Loan cho biết, nhà chỉ có chồng là lao động chính mỗi tháng đi được một chuyến biển. May thì kiếm được dăm ba triệu nuôi cả nhà, mà cả nhà chỉ trông vào số tiền ít ỏi đó nên cuộc sống cũng hết sức khó khăn. Trước đây, cả 3 mẹ con đều đi mổ tim nên giờ trong nhà cũng không còn gì đáng giá, hơn nữa bệnh tim khiến bà cũng như 2 con bà không thể làm việc nặng được nên cuộc sống càng khó khăn hơn. “Hiện giờ mỗi năm cả 3 mẹ con phải vài lần đi tái khám và mua thuốc uống, tốn tiền lắm nhưng cũng phải cố chứ biết làm sao”, bà Loan ứa nước mắt kể.

Đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Trang cùng thôn với bà Loan, nhìn gia cảnh chúng tôi không cầm lòng được. Mới 32 tuổi mà chị Trang như người phụ nữ ngoài 40 với 4 đứa con nhỏ nheo nhóc cùng mẹ chồng đau ốm thường xuyên. Trong nhà chẳng có giường ngủ, cả nhà toàn ngủ dưới nền xi măng. Tôi hỏi chồng chị đâu, chị Trang cho biết chồng đã đi biển cách đây nửa tháng, chắc cũng sắp về.

Ngư dân không kiên cường bám biển, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới
Gia đình của chị Nguyễn Thị Trang với mẹ già và 4 con nhỏ. 3 đứa lớn vừa nghỉ hè, còn đứa nhỏ nhất mới 21 tháng tuổi đã đi gởi nhà trẻ

Chồng chị Trang là anh Nguyễn Thanh Quảng (31 tuổi) đi theo làm bạn cho tàu cá QNa 90178 của ông Phạm Bá Hẹn (xã Tam Quang). Khi được hỏi mỗi tháng đi biển thu nhập của chồng được bao nhiêu, chị Trang thật thà cho biết chỉ được 3-4 triệu đồng gì đó không nhớ. Có tháng may mắn thì kiếm được trên 5 triệu đồng; tuy nhiên vào mùa mưa gió thì ở nhà cả tháng trời không kiếm được đồng nào để nuôi con.

Chị Trang tâm sự chồng đi làm biển, còn mình ở nhà giữ 4 đứa nhỏ và nuôi mẹ chồng đã chiếm hết thời gian nên không thể làm gì được. Nếu rảnh thì ai kêu gì làm nấy nhưng việc cũng không nhiều nên kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Hỏi chị Trang giờ chị muốn làm gì để kiếm tiền nuôi con ngoài thu nhập của chồng từ nghề biển, chị nghẹn ngào cho biết: "Em có biết làm gì đâu vì không có nghề gì hết, ở nhà giữ mấy đứa nhỏ đã hết thời gian rồi còn đâu nữa mà đi làm. Nếu có đi làm thì thu nhập cũng được năm bảy chục, mà ở đây có việc gì đâu để làm”.

Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch xã Tam Quang – ông Nguyễn Tin – cho biết trên địa bàn xã có 5 ngàn lao động gắn bó với biển, trong đó có nhiều hoàn cảnh rất nghèo, chồng đi làm biển, vợ ở nhà nuôi con nên cuộc sống cũng hết sức khó khăn. Nếu xã hội có nguồn nào thì hỗ trợ cho những hoàn cảnh này rất đáng quý.

Về sự hỗ trợ đối với ngư dân trong tình hình hiện nay, ông Ngô Tấn – Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Quảng Nam cho biết, Hội luôn động viên tinh thần bà con ngư dân và tranh thủ chính sách của Nhà nước cho bà con ngư dân yên tâm trong sản xuất. Hội cũng là cầu nối giữa Nhà nước với ngư dân và ngược lại những yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân đều được Hội đề xuất lên cấp trên.

Ngoài ra, theo ông Tấn, hiện nay bà con cũng được lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư hỗ trợ nên ngư dân cũng yên tâm bám biển dài ngày. Tuy hiện nay, Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn quyết tâm bám biển vì “Tàu là nhà, biển cả là quê hương”.

Trao tiền bạn đọc Dân trí đến 15 tàu cá bám biển Hoàng Sa tại Quảng Nam

Chiều 26/5, tại cảng cá Sa Kỳ (huyện Núi Thành, Quảng Nam), đại diện báo Dân trí đã trao tận tay số tiền 150 triệu đồng của bạn đọc Dân trí đến 15 chủ tàu cá đại diện cho hàng trăm ngư dân Quảng Nam đang ngày đêm bám biển. Đây là chương trình “Tiếp sức ngư dân bám biển” do báo Dân trí phát động. Mỗi chủ tàu được nhận hỗ trợ 10 triệu đồng; đây là món quà rất ý nghĩa đối với bà con ngư dân Quảng Nam lúc này.

Ngư dân không kiên cường bám biển, Trung Quốc sẽ được đà lấn tới
Nhà báo Nguyễn Đình Hòa (bên phải), Trưởng đại diện báo Dân trí tại Đà Nẵng trao số tiền tượng trưng đến ông Ngô Tấn – Chủ tịch  Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam

Đại diện chủ tàu QNa 90178 TS của ông Phạm Bá Hẹn cho rằng đây là phần quà rất đáng quý mà ông nhận được trong lúc này. Với số tiền 10 triệu đồng, ông Hẹn cho biết sẽ chia sẻ tấm lòng của bạn đọc Dân trí đến với tất cả ngư dân trên tàu của mình.

Còn ông Nguyễn Trung Thành – chủ tàu cá QNa 90424 TS thay mặt bà con ngư dân Quảng Nam gởi lời cảm ơn chân thành đến bạn đọc báo Dân trí đã gởi tấm lòng của mình đến với bà con ngư dân Quảng Nam. Ông Thành cho rằng, khi nhận được tấm lòng của bạn đọc Dân trí cũng là nhận trách nhiệm phải bám biển vì ngư dân và con tàu là những cột mốt sống trên biển, khẳng định chủ quyền của mình trên vùng biển thân yêu.

Nhà báo Nguyễn Đình Hòa trao tiền của bạn đọc Dân trí đến tận tay các chủ tàu cá tại Quảng Nam
Nhà báo Nguyễn Đình Hòa trao tiền của bạn đọc Dân trí đến tận tay các chủ tàu cá tại Quảng Nam

Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Tin – Chủ tịch xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cũng đã có lời cảm ơn chân thành đến bạn đọc Dân trí, qua báo Dân trí ông Tin cũng mong bạn đọc tiếp tục quan tâm chia sẻ và giúp đỡ những hoàn cảnh ngư dân rất khó khăn trên địa bàn xã trong thời gian tới.

Công Bính