Ngư dân không dám ra khơi vì quá sợ nạn trộm cắp
(Dân trí) - Ngư dân cửa biển Khánh Hội (U Minh, Cà Mau) vì sợ nạn trộm cắp trên biển mà không dám ra khơi. Công an địa phương hiện mới tiếp nhận đơn cầu cứu từ phía các nạn nhân.
Trộm cắp hoành hành
Chỉ trong một đêm 16, rạng sáng 17/10, hơn 20 tàu bẫy mực ốc ven biển Cà Mau bị cắt dây vỏ ốc, thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Ngư dân Hà Văn Nguyên, ở ấp 1, xã Khánh Hội nói: “Bà con ngư dân bị thiệt hại nặng quá mới trình báo, cho tàu nằm bờ chờ đợi, không dám ra biển”.
Một ngày đầu tháng 11, nắng đẹp, biển yên mà tàu bẫy mực ốc, tàu câu kiều, tàu lưới… vẫn nằm bờ. Bà Lê Thị Hiền, chủ tàu KG 60367 TS, đang nằm bờ tại cửa biển Khánh Hội cầu cứu: “Tôi bị trộm cắp hết 3.500 vỏ ốc, dây ốc bị hư hỏng, thiệt hại hơn 70 triệu đồng. Chẳng ai dám làm gì bọn trộm cắp thì ngư dân đành chịu trận”.
Bà con ngư dân cho biết, nghề bẫy ốc khá phổ biến ven biển Cà Mau. Họ mua vỏ ốc khoảng 15.000đ/vỏ, rồi xỏ vào dây với giá thành khoảng 20.000đ mỗi vỏ ốc. Ngư dân ra biển, bủa dây ống xuống biển để đón luồng mực đi.
Ông Lê Văn Khỏe, ở ấp 1, xã Khánh Hội nói: “Tàu đánh bẫy mực ốc hoạt động cách bờ vài chục hải lý, thả dây vỏ ốc vài cây số. Bọ trộm chạy vỏ máy xe ra, dùng dao cắt lấy vỏ ốc để bán. Giá vỏ ốc lên cao, họ cắt chớ gặp thứ gì có giá là họ lấy, từ phao, lưới, lú, câu…”.
Ông Phạm Văn Gíap, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu KG 60907TS, vừa bị mất gần 5.000 vỏ ốc/15.000 vỏ ốc trong chuyến biển đêm 16 rạng sáng 17/10, kể lại: “Anh em chúng tôi bủa dây mực xuống biển, canh chừng, không dám trông đèn. Nhưng nghe tiếng máy xe vọt qua là dây ốc mực nổi lên mới hay bị cắt. Họ dùng cáo móc để tìm dây, rồi kéo, vỏ ốc cứ rớt vô vỏ lãi”.
Ai bảo vệ ngư dân?
Những đối tượng trộm cắp tài sản, dầu mỡ, ngư cụ, phương tiện của ngư dân thường dùng vỏ lãi, gắn máy xe có công suất lớn, vận tốc có thể đạt 60 km/giờ trên sông biển.
Ông Đinh Trường Sang, ở ấp 7, xã Khánh Tiến (U Minh) mất 280 cái lú đặt tôm cá trên biển, vào đêm 18/10, than thở: “Sau khi mất gần hết dàn lú, tôi bỏ nghề luôn, chạy tàu trông đèn thuê cho người khác. Mỗi cái lú giá gần 300.000đ/cái, mất một đêm gần như sạt nghiệp, nợ ngập đầu, làm sao làm ăn nổi”.
Năm 2009, cửa biển Khánh Hội rộ lên nạn hút dầu, lấy tài sản, ngư lưới cụ… Khi Công an Kiên Giang bắt 4 đối tượng thì nạn trộm cắp ven biển tạm lắng. Nay lại nổi lên như một thách thức với cơ quan chức năng.
Chỉ huy Đồn Biên phòng Khánh Hội, Bộ đội Biên phòng Cà Mau, nói: “Hơn 20 đơn yêu cầu của ngư dân bị mất cắp đã chuyển cho Công an huyện U Minh xử lý”.
Huyền Trang