Bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy:
“Nghìn tai vạn mắt” nhân dân cùng lá phiếu là toàn diện để chọn cán bộ!
(Dân trí) - Nói về công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại đại hội là việc nên làm và hoàn toàn khả thi…
Cán bộ phải có sự tín nhiệm của nhân dân
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng nhận xét, việc quy hoạch cán bộ nhiều nhiệm kỳ qua đã được thực hiện tích cực, tiến bộ hơn trước kia, khi không có quy hoạch gì. Nhưng nhân tài trong đội ngũ lãnh đạo thì dường như ngày càng hiếm hoi, không xuất hiện nhiều như thời kỳ Bác Hồ còn lãnh đạo đất nước cũng như một thời gian kế sau đó.
Điều này đúng là cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm về cách làm để việc tìm kiếm các “hạt giống đỏ” tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ông Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm, quy hoạch cán bộ không phải là để xếp hàng, giữ chỗ, mà chủ yếu là để phát hiện người có triển vọng phát triển tốt (hay còn gọi là nhân tài). Quy hoạch cán bộ, mặt khác cũng là sự dự báo lĩnh vực quan trọng nào trong tương lai sẽ thiếu cán bộ để các cơ quan lo chủ động chuẩn bị.
Quan trọng hơn, sau khi phát hiện nhân tố đáng chú ý cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, tư duy sáng tạo của người được quy hoạch.
“Quy hoạch, như vậy không phải để tạo khuôn mẫu cứng nhắc, giáo điều, khiến cán bộ sẽ không dám hành động đổi mới, mà trở nên bảo thủ, cản trở hoạt động sáng tạo, đột phá. Theo đó, với cán bộ được “nhắm” chọn, cần đưa ra thực tiễn tiếp cận với công việc, rồi chính kết quả công việc sẽ là cơ sở để đánh giá con người đó” – ông Vũ Ngọc Hoàng nói.
Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phân tích, cái khó lâu nay trong công tác cán bộ là việc đánh giá con người. Đó là bởi bản thân mỗi con người đều rất phức tạp, có những mặt “lắt léo”, khi có quyền lực nhiều hơn thì rất có thể không còn nguyên như trước.
Theo đó, nếu đánh giá cán bộ chỉ theo những tiêu chuẩn mang tính trừu tượng thì rất khó đo đếm, có thể cá nhân đó nói rất hay, nhưng vào thực tế thì làm không được. Người thẳng thắn trung thực dễ bị người khác không ưa, không thích, còn người ba hoa nịnh nọt, biết cách “quan hệ” lại thường dễ được nhiều người ủng hộ.
Vậy nên, ông Hoàng nhấn mạnh: “Tốt nhất, cán bộ cần có sự tín nhiệm của nhân dân. Nhân dân có “nghìn tai vạn mắt” ở khắp mọi nơi, lá phiếu là khách quan và toàn diện nhất để lựa chọn cán bộ. Chính nhân dân sẽ có thể giúp Đảng và Nhà nước rất nhiều trong công việc chọn cán bộ, nếu người dân được cung cấp đầy đủ thông tin trong môi trường minh bạch và lành mạnh”.
Ngoài ra, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng phân tích “cái khó” khác khi chọn cán bộ liên quan đến nhận thức và tư duy của lãnh đạo. Người lãnh đạo công tác cán bộ theo phương pháp dân chủ thì tốt nhưng theo kiểu áp đặt nhân sự vào các vị trí theo ý chủ quan của mình (chưa kể là không khách quan trong động cơ) thì sẽ không tốt. Rơi vào trường hợp đó, lãnh đạo thoái hóa sẽ dẫn đến lây lan nhanh, thoái hóa cả hệ thống vì nhân dân không được tham gia kiểm soát và góp phần can thiệp bằng lá phiếu, bằng dư luận.
“Cán bộ không tự ứng cử, lâu dần thành… bệnh”
Đối chiếu những vấn đề đó vào bối cảnh hiện nay, Đảng đang rốt ráo chuẩn bị nhân sự cho khóa mới, ông Vũ Ngọc Hoàng hoan nghênh đề xuất của Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay).
“Tôi nghĩ việc Đại hội bầu trực tiếp Bí thư tỉnh ủy (kể cả Bí thư các cấp) như Quảng Ninh đề nghị là việc nên làm và hoàn toàn khả thi. Đó cũng là cách mở rộng dân chủ trong nội bộ Đảng, tăng vai trò của đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ. Nếu đại hội bầu trực tiếp Bí thư thì dân chủ hơn so với Ban chấp hành bầu Bí thư tỉnh ủy như hiện nay hay làm” – ông Hoàng phân tích.
Mở rộng ra cả nước, ông Hoàng cho rằng, với tình hình hiện nay, không chỉ riêng Quảng Ninh mà tất cả các tỉnh thành khác đều có thể bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, nếu Ban lãnh đạo tỉnh đó có quyết tâm đổi mới và được cấp trên cho phép.
Hơn thế nữa, theo ông, việc bầu cán bộ chủ chốt các cấp còn nên có số dư. Có số dư, có cạnh tranh sẽ có thêm phương án lựa chọn, nghĩa là dân chủ hơn, tiến dần đến cơ chế tranh cử thực chất và bình đẳng.
Khi bầu có số dư, các ứng viên cần trình bày kế hoạch hành động của mình, nếu trúng cử thì trong nhiệm kỳ sẽ tập trung giải quyết chuyện gì, giải quyết như thế nào, bằng cách nào… Các ứng viên sẽ được tranh luận với nhau, công khai trước cả đại hội, trước những người tham gia bầu, để các đại biểu có nhiều phương án lựa chọn.
Nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương so sánh, trước đây, ở Cấp ủy thường hay bầu tròn (không có số dư), giờ cơ chế bầu cử đã tiến bộ hơn, bắt buộc phải có số dư, thậm chí có nơi số dư khá nhiều, kể cả bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, riêng việc bầu lãnh đạo chủ chốt vẫn chưa có quy định và hầu hết vẫn bầu không có số dư.
“Bầu cử mà không có số dư thì giống như phê chuẩn một dự kiến nào đó của ai đó chứ không phải bầu cử. Tranh cử thay cho sắp đặt sẽ tạo ra sự tiến bộ đáng kể trong công tác cán bộ vì sắp đặt sẽ không tránh khỏi yếu tố chủ quan của những người tham gia sắp đặt và phụ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu” – nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.
Thực tế, nhiều nhiệm kỳ, dù nhiệm kỳ khóa XII đã có nhiều tiến bộ nhưng Đảng vẫn chưa làm được việc tổ chức tranh cử, dẫn đến công tác cán bộ vẫn bị trì trệ. Để có tranh cử thì phải có nhiều phương án, thực hiện ứng cử, đề cử dân chủ, bình đẳng.
Từ 6-7 nhiệm kỳ trước, Đảng đã xác định, công tác tổ chức cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Như vậy, Đảng đã nhìn thấy vấn đề sớm, nhưng giải quyết lại chưa tập trung đúng mức và lại để bị suy thoái.
“Đặc biệt, lâu nay các cán bộ không tự ứng cử, lâu dần thành bệnh. Cá nhân nào đứng lên tự ứng cử dễ bị xem như “bị tâm thần” – ông Hoàng nhấn mạnh, cần thúc đẩy, khuyến khích việc bầu trực tiếp, bầu có số dư.
Hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông Vũ Ngọc Hoàng khuyến cáo, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nếu không khó vượt qua khó khăn. Phải tập trung cho phát triển. Việc chống tham nhũng, tất nhiên, cũng phải tiếp tục.
Ông cũng đặc biệt lưu ý vấn đề Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng hành động, quyết giành Biển Đông của Việt Nam.
Vậy nên, Đảng càng phải cấp thiết chọn cho được cán bộ để đáp ứng các yêu cầu giải quyết những vẫn đề “hóc” đặt ra. Tất cả các việc quan trọng đó, theo ông Hoàng, đều phải làm trên tinh thần đổi mới tư duy, thể chế và kể cả giải pháp ứng xử.
Thái Anh