"Nghiên cứu dư luận xã hội khó khăn khi Việt Nam là "thiên đường" tin đồn"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhìn nhận Việt Nam là "thiên đường" của những tin đồn, do vậy công tác điều tra dư luận xã hội phải hết sức chú ý.

Ngày 31/7, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội" (gọi tắt là Kết luận số 100-KL/TW).

Nghiên cứu dư luận xã hội khó khăn khi Việt Nam là thiên đường tin đồn - 1

GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Cộng tác viên Dư luận xã hội cấp Trung ương trình bày tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trình bày tham luận tại Hội nghị, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Cộng tác viên Dư luận xã hội (DLXH) cấp Trung ương, nhìn nhận Việt Nam là "thiên đường" của những tin đồn.

Theo ông Giang, tin đồn có tốc độ lan tỏa rất nhanh và có tác động "rất ghê gớm" trong dư luận xã hội. Ông cho biết, theo tìm hiểu từ nghiên cứu xã hội, ở góc độ dư luận, Việt Nam luôn phải đối mặt với những thử thách "hết sức hiểm nghèo".

Từ đó, ông Giang lưu ý, những người làm công tác điều tra dư luận phải hết sức chú ý tới vấn đề tin đồn.

Trong bài trình bày của mình, ông Giang cho biết, thời gian qua công tác điều tra dư luận xã hội mới chỉ dừng lại ở khâu tìm hiểu, lắng nghe rồi báo cáo lãnh đạo các cấp, chưa có đề xuất phương án xử lý.

"Những vấn đề về dư luận xã hội thường cần xử lý ngay, nhưng đôi khi lãnh đạo các cấp bận chưa xử lý được. Do đó, thời gian tới, công việc điều tra dư luận xã hội cần có bộ phận phân loại xử lý và đề xuất phương án xử lý. Từ đó các vấn đề dư luận xã hội mới được xử lý kịp thời, hiệu quả", ông Giang nói.

Nghiên cứu dư luận xã hội khó khăn khi Việt Nam là thiên đường tin đồn - 2

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Nguyễn Dương).

Ngoài ra tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH cũng còn một số vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền quan tâm, như: Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được coi là một khâu thiết yếu trong quy trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kể cả ở cấp Trung ương.

Về tổng thể, hàng năm số lượng các cuộc điều tra, thăm dò DLXH tuy có tăng song chưa nhiều. Việc nắm bắt DLXH đôi khi chưa nhanh nhạy, kịp thời, chưa phân tích, đi sâu tìm hiểu, lý giải nguyên nhân của các luồng ý kiến khác nhau. Tính phát hiện, dự báo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đề xuất, kiến nghị chưa nhiều.

Đội ngũ cộng tác viên DLXH đông nhưng chưa mạnh, chất lượng chưa đồng đều. Hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để bổ sung, phát triển một số vấn đề lý luận và phương pháp điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH chưa nhiều. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác DLXH còn hạn chế.

Theo tài liệu của Ban Tổ chức, số lượng, chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò, các báo cáo nhanh DLXH ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ năm 2014 đến tháng 7/2024, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 100 cuộc điều tra và gửi báo cáo kết quả tới các Ủy viên Trung ương Đảng, xây dựng hàng trăm báo cáo nhanh (phản ánh hơn 600 vấn đề của xã hội) gửi các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các địa phương, đơn vị đã tổ chức 1.093 cuộc điều tra, hơn 17.000 báo cáo gửi cấp ủy địa phương, đơn vị. Nội dung phản ánh những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là các sự việc, sự kiện có tầm ảnh hưởng, liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các vấn đề nóng, bức xúc, nổi cộm trong xã hội.