1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghiêm cấm tình trạng tùy tiện "bán cho xong" tài sản thi hành án

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự vừa ký công văn chấn chỉnh thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án từ nay tới cuối năm 2023.

6 tháng qua, kết quả thi hành án xong về việc và về tiền đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm 2022; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có chuyển biến.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thái, vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại một số cơ quan còn chưa sâu sát, quyết liệt, có nơi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm thời gian dài, nhưng lãnh đạo Chi cục, Cục Thi hành án dân sự không kịp thời phát hiện. Điều đó dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc phát sinh trách nhiệm bồi thường, có trường hợp phải xem xét trách nhiệm hình sự.

Nghiêm cấm tình trạng tùy tiện bán cho xong tài sản thi hành án - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (Ảnh: Lê Huy).

Không đáp ứng yêu cầu thì miễn nhiệm chấp hành viên

Những tháng cuối năm 2023 dự báo số lượng việc và số tiền phải thi hành án sẽ có xu hướng tăng, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng… ảnh hưởng không nhỏ đến thi hành án.

Vì thế, ông Thái yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương chỉ đạo rà soát toàn bộ nhiệm vụ năm 2023, phân tích làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Kiên quyết loại bỏ tư tưởng chạy theo thành tích, bỏ qua quy trình, thực hiện trái quy định của pháp luật.

"Tập trung kiểm tra 100% hồ sơ đang tổ chức thi hành án của từng chấp hành viên. Trường hợp hồ sơ chậm thực hiện thì phải khắc phục ngay. Nếu cố tình vi phạm thì kiểm điểm xử lý nghiêm. Đến mức kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật, nếu không đáp ứng yêu cầu thì miễn nhiệm chấp hành viên", ông Thái nêu rõ quan điểm.

Đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên đối với án có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong. Nghiêm cấm tình trạng "quên việc, bỏ hồ sơ".

"Xem xét trách nhiệm đối với Cục trưởng nếu buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm, tồn tại, yếu kém", Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái cứng rắn.

Đối với vụ việc thu tiền cho ngân sách Nhà nước, Cục trưởng Thi hành án dân sự địa phương phải chỉ đạo chấp hành viên định kỳ xác minh điều kiện, tuyệt đối không được để tình trạng án chưa có điều kiện thì không tác nghiệp. Phát hiện đương sự có tài sản phải tổ chức thi hành ngay.

"Thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chính trị, ưu tiên hàng đầu của toàn hệ thống", ông Thái chỉ đạo.

Không tùy tiện bán cho xong tài sản thi hành án

Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận, có nhiều đơn thư tố cáo thời gian qua liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Việc này, Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, nghiêm cấm "thông đồng, câu kết" với tổ chức thẩm định giá để định giá tài sản quá cao hoặc quá thấp.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải bảo đảm kiểm soát đối với 100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản; rà soát chặt chẽ quy trình thủ tục, hồ sơ pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá. 

Không tùy tiện bán cho xong, cho được mà không lường trước hậu quả. Hồ sơ chưa đúng, chưa đủ quy trình, thủ tục thì chưa tiến hành đấu giá tài sản.

"Cục trưởng, Chi Cục trưởng phải kiểm soát chặt chẽ nội dung này. Nếu để xảy ra các sai phạm thì chấp hành viên và thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng chịu trách nhiệm", ông Thái nêu rõ.

Đối với các vụ việc đã bán đấu giá thành công, cần lập kế hoạch chi tiết đối với từng vụ, để sớm bàn giao dứt điểm cho người mua trúng đấu giá. Quyết tâm giảm dần số lượng các vụ việc đã bán đấu giá thành nhưng chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái cũng chỉ đạo toàn ngành quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống tham nhũng tiêu cực, sai phạm của Bộ Tư pháp năm 2023. Trường hợp kiểm tra, tự kiểm tra không nghiêm túc, mang tính hình thức, để bỏ lọt vi phạm, sai phạm, Tổng cục Thi hành án sẽ xem xét trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị và trưởng đoàn kiểm tra.

Thu hồi 18.500 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

6 tháng qua toàn ngành thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 234.000 việc (đạt tỷ lệ trên 54%) và thi hành xong trên 52.200 tỷ đồng (đạt 26,5%).

Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, toàn ngành thi hành xong 900 việc tương ứng với trên 18.531 tỷ đồng.

Với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, đã thi hành xong 45 vụ việc tương ứng với số tiền 73.417 tỷ đồng.

Theo thống kê, kết quả thi hành án xong về việc 6 tháng qua tăng 16%, 48,5% về tiền.