Nghiêm cấm cảnh sát giao thông “cứu” xe vi phạm!
(Dân trí) - “Một số doanh nghiệp vẫn nghĩ là có mối quan hệ thì vẫn xin được khi vi phạm. Vì vậy, dứt khoát kỷ luật cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông điện thoại can thiệp hoặc xin giảm tải cho xe vi phạm” - Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) khẳng định.
Tại cuộc họp Sơ kết 3 ngày ra quân (từ 9-11/6) xử lý xe 3 - 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp và xe quá khổ, quá tải, chiều 12/6, Phòng CSGT Hà Nội (PC67) cho biết đã kiểm tra lập biên bản xử lý 821 trường hợp vi phạm giao thông, tạm giữ 218 phương tiện vi phạm.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, trên toàn thành phố Hà Nội chỉ có 30 xe thương binh đã đăng ký, mục đích nhằm phục vụ việc đi lại chứ không phải để kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày ra quân đã xử lý tới 310 trường hợp xe dán mác thương binh chở hàng hoá.
Ngày 10/6, trên địa bàn thành bố có 1 vụ tai nạn giao thông xảy ra do xe 3-4 bánh tự sản xuất lắp ráp, làm chết 1 người. Tại quận Bắc Từ Liêm phát hiện một cơ sở sản xuất, lắp ráp xe 3-4 bánh. Nếu phát hiện hiện tượng bao che cho xe ba bánh giả danh thương binh, Phòng PC67 sẽ phối hợp với Cảnh sát hình sự để xử lý.
Về vấn đề xử lý xe quá tải, Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh, tất cả các công trình đặc biệt của thành phố nếu cấp giấy phép 24/24h phải có ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố. Bắt đầu từ tối 12/6, CSGT đi làm nhiệm vụ xử lý xe tải cần phải cân trọng tải. Ngoài xử lý lái xe, CSGT phải gửi thông báo tới Sở GTVT để tiến hành xử lý chủ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Trưởng phòng CSGT quán triệt cán bộ, chiến sĩ CSGT không can thiệp vào hoạt động xử lý vi phạm. Lực lượng có trách nhiệm phải lập biên bản đối với người vi phạm và người xin giúp cho xe vi phạm.
“Một số doanh nghiệp vẫn nghĩ là có mối quan hệ thì vẫn xin được khi vi phạm. Vì vậy, dứt khoát kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông nếu điện thoại can thiệp hoặc giảm tải cho xe vi phạm. Cách đây mấy hôm, chính tôi cũng nhận được vài cuộc điện thoại xin cho người vi phạm, thế nhưng khi tôi chỉ nói họ photo chứng minh thư của chính họ và viết cam kết, thì họ đều dừng lại” - Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết.
Trưởng phòng PC67 Hà Nội yêu cầu cán bộ, chiến sĩ CSGT phải chấp hành nghiêm điều lệ, tác phong và văn hoá ứng xử trong xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Đối với những trường hợp người vi phạm chống đối, lăng mạ và không chấp hành thì xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng yêu cầu các Tổ công tác có lực lượng Cảnh sát cơ động siết chặt tuần tra kiểm soát ở các khu vực giao thông phức tạp, các điểm giao thông “nóng” nhất trên địa bàn thành phố.
Mới đây, Hà Nội chủ trương dừng hoạt động đối với xe thương binh, xe ba bánh chở hàng trên địa bàn toàn thành phố trong lộ trình năm 2017-2018, chủ trương này được đưa vào Dự thảo Nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Theo Trưởng phòng PC67 Hà Nội, đây là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, để làm được việc này phải xử lý tận gốc, tận nơi sản xuất, còn hiện tại CSGT chỉ đang xử lý phần ngọn. Cùng với việc xử lý gắt gao vi phạm thì cũng cần tính tới việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người sử dụng xe 3-4 bánh để họ có nghề ổn định đời sống.
Châu Như Quỳnh