1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghịch lý doanh nghiệp BOT than khó nhưng vẫn đặt bút ký hợp đồng

Ngọc Tân

(Dân trí) - Trước khó khăn của các dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp trong việc tham gia đối tác công tư theo cơ chế "lời ăn, lỗ chịu".

Chiều 11/10, tại tọa đàm do báo Giao thông tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp BOT và nhà thầu xây lắp.

Buổi gặp là dịp để lãnh đạo Bộ GTVT tri ân các doanh nghiệp nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, đồng thời cũng là dịp chia sẻ những vướng mắc trong hoạt động đầu tư đường sá, công trình giao thông.

Tại đây, các doanh nghiệp nêu tình trạng hoạt động đầu tư đối tác công tư (PPP) đang nguội lạnh và cần có giải pháp khơi thông nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Nghịch lý doanh nghiệp BOT than khó nhưng vẫn đặt bút ký hợp đồng - 1

Tọa đàm về doanh nghiệp ngành GTVT do báo Giao thông tổ chức (Ảnh: Ngọc Tân).

Là Chủ tịch HĐQT của Phương Thành, doanh nghiệp tham gia 3 dự án BOT gồm cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, Hạ Long - Vân Đồn, ông Phạm Văn Khôi cho biết hành lang pháp lý vẫn là lý do khiến hoạt động đầu tư BOT gặp khó khăn.

Theo ông Khôi, Luật Đối tác công tư (PPP) đã được ban hành nhưng việc thực hiện đang khiến các nhà đầu tư bị "lép vế" so với cơ quan quản lý Nhà nước. Các điều khoản điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá trong Luật PPP đều có quy định nhưng không bao giờ thực hiện và muốn thực hiện thì phải xin qua nhiều cấp.

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn. Ngân hàng đã thay đổi theo hướng không chịu rủi ro mà bắt nhà đầu tư phải gánh các rủi ro này.

Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Lê Kim Thành, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT triển khai 72 dự án đối tác công tư (chủ yếu theo hình thức BOT), huy động được 252.000 tỷ đồng. Mạng lưới đường sá trong giai đoạn này được nâng lên đáng kể.

Bước sang giai đoạn 2016-2020, chỉ có 4 dự án thực hiện theo hình thức PPP với tổng giá trị đầu tư 26.000 tỷ đồng.

Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ 1/1/2021, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề không thỏa mãn các nhà đầu tư, khiến cho hoạt động đầu tư PPP rơi vào tình trạng "nguội lạnh". Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là bất cập từ các dự án BOT cũ chưa được giải quyết thỏa đáng.

Hiện nay, Bộ GTVT đã báo cáo Quốc hội phương án tháo gỡ khó khăn cho 8 dự án BOT giao thông, nhằm lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư.

Nghịch lý doanh nghiệp BOT than khó nhưng vẫn đặt bút ký hợp đồng - 2

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (Ảnh: Ngọc Tân).

Lắng nghe ý kiến từ tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định chặng đường vừa qua là một giai đoạn lịch sử với những điều được và chưa được. 

Theo Thứ trưởng, các vấn đề mà doanh nghiệp ngành GTVT đặt ra trong tọa đàm "rất đúng, rất trúng và rất thật". Với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ GTVT sẽ xem xét, nghiên cứu để có những giải pháp tháo gỡ.

Đối với vướng mắc tại dự án BOT, ông Thọ cho rằng không chỉ có 8 dự án đang gặp vấn đề mà "hầu hết các dự án BOT đều có vấn đề". Làm BOT giao thông là lĩnh vực thu phí trên đầu phương tiện nên nếu phương tiện tăng trưởng không đảm bảo thì bao giờ cũng vỡ phương án tài chính và phát sinh vấn đề. 

"Do đó, nếu duy ý chí, đưa một dự án BOT lên miền núi, nơi lưu lượng không đảm bảo thì sẽ khó khăn. Cần làm rõ nơi nào là động lực phát triển, dự báo được về lưu lượng phương tiện thì kiến nghị đầu tư BOT. Những nơi khó khăn thì phải tăng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu thông điệp. 

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định đã là "đối tác công tư" thì nhà nước và doanh nghiệp bình đẳng, "lời ăn lỗ chịu". Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được áp dụng ở giai đoạn trước, dẫn đến những tồn tại, bất cập.

Qua quá trình tháo gỡ khó khăn tại các dự án BOT vừa qua, ông Thọ kết luận cơ quan quản lý Nhà nước có lỗi nhưng bản thân doanh nghiệp cũng có lỗi.

"Tại sao các bạn dám nhận hợp đồng PPP, tại sao dám ký với chúng tôi (Nhà nước - PV) các điều khoản hợp đồng ấy? Các bạn phải nghiên cứu thật kỹ. Cứ chấp nhận, xuề xòa, cuối cùng quá trình triển khai hợp đồng thì xảy ra vấn đề, không đủ cơ sở để xử lý", Thứ trưởng Bộ GTVT đề cập đến trách nhiệm của nhà đầu tư.

Từ kinh nghiệm của các dự án BOT giao thông đã qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định cơ chế hợp tác công tư sẽ phải sửa đổi theo hướng ai tham gia được thì tham gia, không được thì phải tìm giải pháp khác, không nhất thiết đánh đổi mọi giá để tham gia PPP.