Kiên Giang:

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc

(Dân trí) - Trưa 10/8, PV Dân trí theo chân một nhóm bạn trẻ thiện nguyện của UBND thị trấn Dương Đông len lỏi vào các con hẻm ngập sâu ở khu phố 3, khu phố 6 và khu phố 10 để trao những hộp cơm, gói mì, chai nước nghĩa tình cho hàng chục hộ dân bị cô lập hoàn toàn suốt hơn một tuần qua ở khu vực này.

Chiếc xe tải chở đoàn dừng lại ở con hẻm khu phố 10, hai tình nguyện viên nam đang là thành viên đội tuyển bóng đá huyện Phú Quốc (Kiên Giang) nhanh tay đưa hai thùng cơm xuống con hẻm ngập lênh láng nước. Các thành viên tiến dần vào con hẻm, càng đi nước càng ngập sâu. Bốn bề nước lũ, nhiều căn nhà đóng cửa im lìm.

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 1

Các thành viên, tình nguyện viên ở bếp ăn từ thiện Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc tất bật chuẩn bị cả ngàn suất cơm phát cho người dân vùng lũ

Một người dân đầu hẻm cho biết, sâu bên trong hẻm có khoảng 8 hộ dân vẫn bám trụ sinh sống và một dãy nhà trọ có nhiều công nhân lên gác, kê giường sống tạm hơn 1 tuần qua…

Từ thông tin này, đội phát cơm tiếp tục vượt lũ và nhiều thành viên sẵn sàng bơi qua vùng ngập sâu đến tận đầu để vào hỗ trợ bà con. Vượt qua những trở ngại, các thành viên nhanh tay phát cơm cho dân, ai nấy đều vui mừng xúc động. Những cái bắt tay, hỏi thăm và những lời động viên của các bạn trẻ giúp bà con vùng lũ khu phố 10 vững vàng hơn trong cơn chống chọi với lũ lụt.

Hộp cơm nghĩa tình trong trận lũ lịch sử ở Phú Quốc

Anh Nguyễn Thành Dự - quê Vị Thủy, Hậu Giang, cho biết: “Dân ở trọ đây đa số là lao động nghèo từ đất liền ra đây làm phụ hồ, bán vé số, làm thuê… Bất ngờ mưa giông, lũ lụt kéo dài cả tuần qua bà con không đi làm được, không tiền, không đi ra ngoài được nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Cũng may có các nhà hảo tâm, địa phương hỗ trợ cơm ăn mấy ngày qua, nếu không bà con đói chết”.

Anh Dự cũng như nhiều bà con ở khu nhà trọ này cho biết, do nước ngập cao nên điện lực đã cúp điện; trong khi đó nhà cửa ngập đến tận ngực nên mọi vật dụng đều hư hỏng, không bếp, không gas…. Nên bà con rất cần cơm, bánh mì nước uống và cả thuốc tây...

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 2

Lội nước đưa cơm vào cho dân.

Nghe tin có đoàn phát cơm, cháu Huy (10 tuổi) – khu phố 10, bơi từ trong nhà ra gặp đoàn chúng tôi để nhận cơm cho cả nhà. Cháu Huy cho biết, nhà cháu ngập cao hơn 1m nước, cả tuần qua gia đình sống được là nhờ các suất cơm hỗ trợ của địa phương và các mạnh thường quân.

Anh Tài – một tình nguyện viên trong đoàn phát cơm - chia sẻ: “Khi nghĩ đến chuyện trầm mình, vượt lũ mang cơm đến cho bà con, ban đầu thấy cũng lo. Nhưng qua chuyến đi này, mới thấy bà con ở đây khổ sở về chuyện ăn ở, sinh hoạt thế nào. Hơn nữa, khi nhóm chúng tôi mang cơm đến cho những người dân này cũng là “cánh tay nối dài” để chuyển các phần ăn đến người dân thật sự có nhu cầu. Vì đây là điều các mạnh thường quân cho cơm cần nhất”.

Nhiều bạn trẻ Phú Quốc vượt nước lũ phát cơm tận tay cho người dân

Để có những suất cơm nghĩa tình như thế này, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự nấu cơm, cho vào hộp và mang đến UBND thị trấn Dương Đông, nhờ các tình nguyện viên mang đến cho bà con. Ngoài ra, bếp ăn từ thiện tại Bệnh viên đa khoa huyện Phú Quốc (thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện) cũng là nơi đỏ lửa xuyên suốt nhiều năm qua, lo cơm, cháo cho bệnh nhân. Và đặc biệt, trong trận lũ lịch sử này, Ban điều hành dành nhiều công sức làm thêm hàng ngàn suất cơm phục vụ cho bà con vùng lũ.

Ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Dương Đông, cho biết: “Thường ngày bếp ăn chỉ phục vụ cơm, cháo cho bệnh nhân ở bệnh viện nhưng từ trận lũ đầu tiên (5/8), Đảng ủy, ủy ban chỉ đạo cho chúng tôi lo cơm cho bà con vùng lũ. Do đó, từ nhiều kênh vận động, người dân, doanh nghiệp đến hỗ trợ gạo và thực phẩm để chúng tôi chế biến và cung cấp mỗi ngày 1.500 suất ăn cho người dân. Đảm bảo bà con vùng lũ luôn có cơm ăn ngày hai buổi”.

Tại bếp ăn, PV ghi nhận nhiều cá nhân mang gạo, thịt, trứng… đến hỗ trợ bếp ăn từ thiện. Ngoài ra, còn gặp nhiều mạnh thường quân như anh Phan Tiến Dũng nhiều ngày lấy xe ô tô gia đình, chuyển cơm cho người dân vùng lũ; chị Nga gom quần áo cũ tặng bà con bị lũ tấn công; anh Đinh Quang Thiều ngoài việc hỗ trợ hàng ngàn suất cơm cho người dân còn tổ chức sửa xe, thay nhớt miễn phí trong những ngày mưa lũ...

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 3

Hai bà cháu bà Hồ Thị Nga - quê ở Chợ Mới, An Giang đang tá túc ở trường tiểu học Dương Đông 4, đang lựa quần áo do các mạnh thường quân mang tới cho người dân

Ông Đoàn Văn Tiến – Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Dương Đông cho biết, địa phương rất mừng vì những ngày qua có nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp trực tiếp đến ủy ban ủng hộ các nhu yếu phẩm, hỗ trợ cho bà con vùng lũ. Trên địa bàn thị trấn, nhiều nhà nghỉ, khách sạn… mở cửa cho dân ở nhờ. Đặc biệt là có nhiều điểm phát cơm, gạo, mì… cho bà con, chung tay với ủy ban thị trấn. Những việc làm này thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, một truyền thống quý báu của dân tộc ta cần được gìn giữ, phát huy.

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Phú Quốc, tính đến ngày 10/8 có 23 căn nhà bị tốc mái, sập và nứt (thiệt hại 960 triệu), số nhà bị ngập hơn 8.400 căn (thiệt hại hơn 82 tỷ đồng); các vật dụng tài sản thiệt hại gần 23 tỷ; Ước tổng thiệt hại trong trận lũ lịch sử này trên 107 tỷ đồng.

Một số hình ảnh các bạn trẻ huyện Phú Quốc vượt nước lũ mang cơm đến cho người dân:

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 4

Bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ thị trấn Dương Đông chuẩn bị nổi lửa nấu cơm cho bà con vùng lũ

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 5

Một nhóm bạn trẻ mang cơm hộp đến cho bếp ăn để nhờ phân phát cho dân

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 6

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Dương Đông vô cùng biết ơn các nhà hảo tâm đã chung tay với hội lo cho bà con bị ảnh hưởng do lũ 

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 7

Một nhóm bạn trẻ vượt nước lũ đến phát cơm cho các hộ dân ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông. Khu vực này nhiều nơi vẫn còn ngập rất sâu.

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 8
Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 9
Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 10
Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 11

Những người dân ở trọ khu phố 10 dù nước ngập hết nhà trọ nhưng vẫn bám trụ sinh sống... Trong ảnh là một cháu bé bơi ra nhận cơm cho cả nhà.

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 12
Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 13
Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 14

Anh Nguyễn Thành Dự - quê Vị Thủy, Hậu Giang ra Phú Quốc ở trọ đi làm phụ hồ nhưng cả tuần qua anh bị thất nghiệp vì mưa lũ

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 15

Do lũ tấn công người dân phải treo các vật dùng như thế này, kể cả bình gas

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 16

Nước mênh mông, người dân dùng giàn giáo làm chiếc giường có một không hai như thế này

Nghĩa tình hộp cơm, tấm áo trong đợt lũ lụt chưa từng có ở Phú Quốc - 17

Các em nhỏ mỏi mòn chờ lũ rút để được đến trường. Theo lịch các em đã nhập học từ ngày 8/8 nhưng vì lũ lụt nên ngành giáo dục đã thông báo nghỉ đến cuối tuần.

Nguyễn Hành