Vì sao Phú Quốc hứng chịu mưa lũ "khốc liệt" nhất trong vòng 41 năm qua?

(Dân trí) - Tại huyện đảo Phú Quốc, tổng lượng mưa trung bình mỗi năm vào khoảng 2.800mm, nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8/2019, lượng mưa trung bình đã lên tới tới 1.167mm (cùng thời kỳ trung bình nhiều năm chỉ là 163mm). Đây là số liệu mưa đo được tại Phú Quốc cao nhất trong lịch sử quan trắc từ 1978 đến nay

Liên quan đến tình hình mưa lũ tại Tây Nguyên và Nam Bộ những ngày qua, ngày 11/8, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để có những thông tin về nguyên nhân cũng như nhận định thời tiết khu vực này những ngày tới.

Tiến sĩ Lâm cho biết, từ đầu tháng 8 tới giờ ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ liên tục xuất hiện mưa rào và giông trên diện rộng. Đặc biệt, từ ngày 5-10/8 ở Tây Nguyên đã xuất hiện mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến trong 10 ngày đầu tháng 8 phổ biến từ 150-300mm.

Khoảng thời gian này, tại TP. Buôn Ma Thuột tổng lượng mưa là 402mm, Đắk Nông là 353mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) lượng mưa là 375mm. Còn ở khu vực Nam Bộ lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 cũng lên tới 100-250mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Trại An (Đồng Nai) 437mm, đặc biệt tại Phú Quốc tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 là 1167,4mm trong đó đáng kể nhất là ngày 5/8; trong các ngày ngày 7-8/8, ở Phú Quốc có mưa rất lớn, ngày 7/8 lượng mưa là 190mm, đặc biệt vào ngày 9/8 lượng mưa ngày ở Phú Quốc lên tới 378mm. 

Nói về nguyên nhân, Tiến sĩ Lâm cho biết: Do gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh, thời điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cũng trùng với thời điểm một dải hội tụ nhiệt đới tồn tại ở khu vực Biển Đông, tương tác của gió Tây Nam mạnh và dải hội tụ nhiệt đới khiến cho mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng lớn và kéo dài.

Vì sao Phú Quốc hứng chịu mưa lũ khốc liệt nhất trong vòng 41 năm qua? - 1

Mưa lũ hoành hành tại huyện đảo Phú Quốc mấy ngày qua. (Ảnh: Nguyễn Hành).

"Với tổng lượng mưa lớn như vậy thì đây là một đợt mưa khá là bất thường, cụ thể như tại Buôn Ma Thuột, theo trung bình nhiều năm thì 10 ngày đầu tháng 8 lượng mưa chỉ khoảng 111mm, nhưng với lượng mưa đo được là 402mm thì tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 đã gấp tới 4 lần. 

Còn tại huyện đảo Phú Quốc, tổng lượng mưa trung bình mỗi năm vào khoảng 2.800mm, nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8 lượng mưa trung bình đã lên tới tới 1.167mm, trong khi trung bình 10 ngày tháng 8 ở Phú Quốc lượng mưa chỉ khoảng 163mm. Như vậy trong 10 ngày đầu tháng 8 năm 2019 lượng mưa ở Phú Quốc đã vượt tới 7 lần so với trung bình và bằng gần một nửa so với lượng mưa cả năm và đây cũng là số liệu mưa đo được cao nhất trong lịch sử quan trắc từ 1978 đến nay" - Tiến sĩ Lâm đánh giá.

Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục hứng mưa bão

Ngoài ra, Tiến sĩ Lâm cũng đưa ra nhận định về thời tiết tại Nam Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới, theo đó: mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ còn duy trì liên tục từ nay đến tháng 10/2019. Như vậy, khoảng thời gian này ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục chịu tác động của gió mùa Tây Nam, ngoài gió mùa Tây Nam thì còn có thể có tác động của các xoáy thuận nhiệt đới, cụ thể là áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện vào giai đoạn cuối năm. Các hình thế gió Tây Nam, áp thấp nhiệt đới/bão cuối năm đều là những hình thế có khả năng gây mưa lớn diện rộng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, nên người dân cần hết sức lưu ý. 

Vì sao Phú Quốc hứng chịu mưa lũ khốc liệt nhất trong vòng 41 năm qua? - 2

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm.

Cũng theo Tiến sĩ Lâm, tại khu vực trên, ngoài mưa lớn còn có khả năng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn sẽ đến sớm và gay gắt hơn mùa khô năm 2018-2019. Nguyên nhân là do giai đoạn từ tháng 8-10/2019, tổng lượng dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30% và cao hơn năm 2015 từ 15-25%.

Bên cạnh đó, do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông nên đỉnh lũ năm ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp (Báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào nửa đầu tháng 10/2019.

"Dự báo tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt đầu tháng 10, lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy vùng trên sông cũng suy giảm nhanh. Vì vậy trong mùa khô năm 2019-2020, nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, tình hình xâm nhập mặn sẽ đến sớm và gay gắt hơn mùa khô năm 2018-2019" - Tiến sĩ Lâm đưa ra nhận định.

Nguyễn Dương