Mưa lũ nặng nề nhất trong khoảng 20 năm ở Nam Tây Nguyên gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
(Dân trí) - Theo người dân hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, đây là trận mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Đắk Nông tiếp tục di dời một số hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngày 12/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, tổng thiệt hại do đợt mưa lớn kéo dài (từ 6 – 12/8) trên địa bàn tỉnh gần 190 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, hiện tình hình mưa lũ đã giảm so với các ngày trước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo đó, mưa lớn trong thời gian dài, làm mực nước các sông suối, hồ đập lên nhanh. Nhà cửa, cây trồng, vật nuôi của người dân bị thiệt hại nặng nề; nhiều công trình thủy điện, thủy lợi bị mưa lũ tàn phá; tình trạng sạt lở đất đai, đường giao thông, kênh mương… xảy ra tại nhiều địa phương.
Tính đến ngày 12/8, toàn tỉnh Đắk Nông có 5 người chết vì mưa lũ. Tình trạng sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng nhất tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp làm 3 người chết và chia cắt con đường duy nhất vào Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1.
Tổng diện tích cây trồng bị ngập lụt, gãy đổ do mưa lũ gần 1.500ha. Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 20km đường giao thông bị sạt lở, ngập nước; 14 cây cầu nông thôn bị sạt lở, hư hại; nhiều công trình thủy điện (Đắk Kar, Đắk Sin 1, Đắk Ru, N&S; Đồng Nai 5) bị sạt lở, hư hỏng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Đắk R’Lấp là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lần này. Đến ngày 11/8, địa phương này tiếp tục di dời một số hộ dân thuộc hai xã Đắk Ru và Đắk Sin khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Tất cả các hộ dân đều được bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt tạm thời.
Tương tự, tỉnh Đắk Lắk cũng chịu hậu quả nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Địa phương này có 1 người chết do mưa lũ, hàng ngàn hecta hoa màu, nhà cửa, tài sản của người dân các huyện Easup, Cư Mgar, TP. Buôn Ma Thuột... bị cuốn trôi hoặc ngập trong nước.
Đến ngày 12/8, vùng chuyên canh lúa nước của tỉnh này là Krông Ana vẫn đang ngập trong nước. Hiện tại trời đã tạnh mưa, tuy nhiên do nước từ thượng nguồn sông Sêrêpok, sông Krông Ana đổ về lớn nên hơn 1000 ha lúa sắp thu hoạch của huyện này đang bị ngập, người dân phải đắp đê chống úng. Nhiều diện tích lúa ngập sâu người dân phải thu hoạch non trước nguy cơ mất trắng.
Dương Phong