1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghị trường lại “sôi” với luật thuế thu nhập cá nhân

(Dân trí) - Đúng như dự đoán, phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sáng nay (2/11) đã tiếp tục “sôi” với những vấn đề khác nhau của luật. Thực tế, các đại biểu đã “phân hoá” mạnh về mặt quan điểm trong nhiều khía cạnh đặt ra...

Kiểm soát thu nhập là “ruột” của luật

Theo thông tin của Thường vụ Quốc hội gửi tới đại biểu, tại các nước như Trung Quốc, Inđônêxia, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân tương đương với khoảng 1,7 triệu đồng Việt Nam hay mức nộp thuế của một nước khác cũng chỉ cao hơn một chút.

Nhiều ý kiến phát biểu đã đặt ra các vấn đề xung quanh mức khởi điểm này. Đại biểu Trần Văn Kiệt đặt vấn đề, phải xem an sinh ở các nước đó như thế nào - bởi có thể họ lo vấn đề nhà ở cho người lao động, đồng thời phải xem mức độ tăng giá của họ như thế nào.

“Không biết tại sao nước ngoài qui định mức đóng thuế như vậy? Có phải do người ta phát triển, thu nhập cao, giá cá thấp hơn ở ta” - Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng bày tỏ băn khoăn như đai biểu Kiệt. Ông Minh cũng đề nghị làm rõ lời giải thích rằng, thời gian đầu số người nộp thuế sẽ giảm, sau này sẽ tăng.

Về mức khởi điểm nộp thuế, ông Minh cho rằng nên qui định 5 triệu đồng, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc nên là 2 triệu đồng/người. Việc giảm trừ phụ thuộc đối với con cái nên bao gồm cả khi đã tốt nghiệp đại học mà chưa có việc làm, bởi theo ông số đối tượng này là không nhỏ. Thêm nữa, ông đề nghị các ngân hàng cần thống nhất thẻ gửi tiền để dễ kiểm soát thu nhập.

Các mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 5 triệu và mức giảm trừ phụ thuộc 2 triệu/người cũng là ý kiến của ông Cao Sĩ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước, đại biểu Thái Bình). Theo ông Kiêm, kiểm soát mức thu nhập của người nộp là “ruột” là cốt lõi của luật này. Nếu chúng ta làm được vấn đề này, số người nộp thuế sẽ tăng lên rất nhanh.

Đại biểu Lương Đăng Cừ cũng “chia sẻ” với đại biểu Kiêm tính công bằng thông qua kiểm soát thu nhập. Ông Cừ rất lo ngại với trường hợp, người có thu nhập thấp phải nộp thuế, trong khi người có thu nhập cao lại không phải nộp hoặc nộp ít.

Nên đánh thuế với làm thêm giờ, ca ba

Trái với quan điểm của nhiều đại biểu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Bộ trưởng Bộ LĐ- TB-XH, đại biểu Hải Dương) cho rằng, nên đánh thuế đối với lao động thêm giờ, lao động ca ba. Cơ sở của quan điểm này trước hết là do luật Lao động đã qui định, người lao động chỉ làm ngoài giờ không quá 200 giờ/năm, lương làm thêm giờ được tính bằng 1,5 lần lương trong giờ hành chính. Thêm nữa, làm ca ba thường có tính luân phiên, người lao động được nghỉ một ca khác trước hoặc sau đó.

Cuối cùng, theo bà Ngân, nếu qui định không đánh thuế vào phần thu nhập các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc bóc tách các phần phải chịu thuế và không phải chịu thuế (quan điểm này sau đó được đại biểu doanh nhân Nguyệt Hường rất ủng hộ).

Bà Ngân cũng nêu quan điểm không nên đánh thuế với lợi tức từ cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Theo bà Ngân, người công nhân thường không đủ tiền để mua hết cổ phần và  phải bán “lúa non” cho người mua gom. Nếu miễn thuế sẽ thành ra miễn thuế đối với... người giàu.

“Lợi tức cổ phần này xét cho cùng đến từ tài sản của toàn dân, của nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lí nên không đánh thuế sẽ là không hợp lí”, bà Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Lương Phan Cừ (Đăk Nông) cũng có quan điểm khác hơn về mức nộp thuế. Theo ông với qui định như dự thảo thì tại hội trường của Quốc hội cũng chỉ có vài người nộp thuế. Với quan điểm, có thu nhập là phải nộp thuế,  ông cho rằng, phải hạ thấp mức giảm trừ gia cảnh xuống để có nhiều người nộp thuế hơn. Dĩ nhiên, phải thiết kế lại mức thuế suất xuống thấp hơn, tức khoảng 2-3% để người dân có thể gánh được.

Người dân muốn được nộp thuế để thể hiện trách nhiệm và được hưởng lợi từ các chính sách dân sinh để đảm bảo cuộc sống của họ. “Tính chung cả nước cũng chỉ có hơn hai triệu là bớt đi trách nhiệm của hàng chục triệu người dân đối với ngân sách nhà nước”, ông Cừ nhấn mạnh.

Trong phiên thảo luận sáng nay cũng có ý kiến cho rằng, chưa nên thông qua luật Thuế Thu nhập cá nhân tại kì họp này của Quốc hội.

Mạnh Cường